IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ chậm lại trong năm nay và năm tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu trong năm nay và ước tính mức tăng trưởng thậm chí còn chậm hơn vào năm 2025 do triển vọng kinh tế mờ nhạt và sự phổ biến ngày càng tăng của xe điện.
IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ chậm lại trong năm nay và năm tới

Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng mới nhất được công bố hôm thứ Sáu (12/10), IEA đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 khoảng 130.000 thùng/ngày xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày, với lý do mức sử dụng nhiên liệu sưởi ấm thấp hơn và sự sụt giảm sản xuất kéo dài ở các nền kinh tế phát triển.

IEA dự kiến tốc độ mở rộng sẽ giảm hơn nữa xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày vào năm tới “khi quá trình phục hồi sau Covid 19 đã kết thúc”.

“Bất chấp dự báo giảm tốc, mức tăng trưởng nhu cầu dầu này phần lớn vẫn phù hợp với xu hướng tiền Covid”, báo cáo của IEA cho biết.

IEA cũng nhắc lại quan điểm rằng mức tiêu thụ dầu sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này, mặc dù cơ quan này lưu ý rằng nếu không tăng cường đầu tư vào công nghệ năng lượng sạch, "sự suy giảm nhu cầu dầu toàn cầu sau khi đạt đỉnh sẽ không quá lớn”.

Báo cáo của IEA được đưa ra trong bối cảnh giá dầu phục hồi do căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, với việc những người tham gia thị trường năng lượng theo dõi chặt chẽ khả năng gián đoạn nguồn cung từ khu vực sản xuất dầu.

IEA cho biết dự báo năm 2025 phản ánh "triển vọng kinh tế ở dưới mức trung bình" và bao gồm hiệu suất của phương tiện mới cũng như số lượng xe điện (EV) ngày càng mở rộng và đóng vai trò là "lực cản hơn nữa đối với mức tiêu thụ dầu".

Toril Bosoni, người đứng đầu bộ phận thị trường và công nghiệp dầu mỏ tại IEA cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự gia tăng doanh số bán xe điện, đặc biệt là ở Trung Quốc và cả ở châu Âu, thực sự ảnh hưởng đến nhu cầu xăng, cũng như ở Mỹ…Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc doanh số bán hàng không tăng nhiều như mong đợi, nhưng doanh số bán xe điện và hiệu quả sử dụng nhiên liệu ngày càng tăng trong đội xe ô tô đang làm giảm nhu cầu xăng, ít nhất là ở các nền kinh tế phát triển và đặc biệt là ở Trung Quốc”.

Theo IEA, Trung Quốc - quốc gia dẫn đầu phần lớn tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong vài thập kỷ qua - đang chậm lại. IEA đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc xuống 540.000 thùng/ngày trong năm 2024 và 330.000 thùng/ngày vào năm 2025, mặc dù Trung Quốc vẫn là nước đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm tới.

Ngay cả với tốc độ tăng trưởng chậm hơn, IEA dự kiến nhu cầu toàn cầu sẽ vượt 105 triệu thùng/ngày lần đầu tiên vào nửa cuối năm 2025. Phần lớn mức tăng đó sẽ đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia vẫn là hai động cơ thúc đẩy nhu cầu dầu. Ngược lại, tiêu dùng dự kiến sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp ở các nền kinh tế đang phát triển.

Các dự báo mới nhất của IEA tiếp tục phản ánh sự khác biệt rõ ràng với OPEC trong cách nhìn nhận nhu cầu dầu mỏ sẽ diễn ra trong những năm tới và thập kỷ tới. OPEC nhận thấy mức tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ cao hơn đáng kể ở mức 2,25 triệu thùng/ngày vào năm 2024 và 1,85 triệu thùng/ngày vào năm 2025.

Về nguồn cung dầu toàn cầu, IEA đã hạ ước tính tăng trưởng năm 2024 khoảng 30.000 thùng/ngày xuống còn 770.000 thùng/ngày. Nguồn cung dầu tăng trưởng không ngừng từ các quốc gia bên ngoài OPEC+ sẽ tiếp tục gây áp lực lên liên minh nhằm duy trì sản lượng ở mức thấp lâu hơn. IEA cho biết sản lượng bổ sung từ Mỹ, Brazil, Guyana và Canada “có thể đạt gần mức đáp ứng tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm nay và năm tới”.

Dự báo nguồn cung mới nhất của IEA giả định việc cắt giảm tự nguyện của OPEC+ vẫn được duy trì cho đến cuối năm 2024, điều này sẽ khiến thị trường ở mức thâm hụt 270.000 thùng/ngày. OPEC+ vẫn chưa quyết định chính sách sản lượng trong nửa cuối năm và có thể quyết định điều này tại cuộc họp cấp bộ trưởng dự kiến diễn ra vào ngày 1/6 tại Vienna.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục