Trong Báo cáo Thị trường dầu mới nhất, IEA cho biết nhu cầu dầu toàn cầu hiện dự kiến sẽ tăng 5,4 triệu thùng/ngày vào năm 2021 và 3,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022 để đạt mức trước đại dịch là 99,5 triệu thùng/ngày.
Nhưng sự phục hồi dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 và nhiên liệu máy bay bị ảnh hưởng nặng nề. Báo cáo lưu ý rằng sự xuất hiện của biến thể omicron mới đã dẫn đến những hạn chế mới đối với việc đi lại quốc tế.
Tuy nhiên, IEA cho biết rằng, trong khi sự gia tăng các trường hợp Covid-19 mới dự kiến sẽ làm chậm nhu cầu, thì sự phục hồi vốn đang được tiến hành sẽ không hoàn toàn bị trật bánh.
Sản xuất vượt quá nhu cầu
Báo cáo cho biết, bất chấp sự không chắc chắn này, sản lượng đã sẵn sàng để vượt qua nhu cầu từ tháng 12, dẫn đầu là sản lượng tăng từ Mỹ và các nước OPEC+. IEA cho biết, xu hướng tăng này sẽ kéo dài đến năm 2022, với việc Mỹ, Canada và Brazil sẽ bơm dầu ở mức hàng năm cao nhất từ trước đến nay.
“Ả Rập Xê Út và Nga cũng có thể đạt kỷ lục nếu các khoản sản lượng OPEC+ cam kết cắt giảm còn lại hoàn toàn không được thực hiện. Trong trường hợp đó, nguồn cung toàn cầu sẽ tăng 6,4 triệu thùng/ngày trong năm tới so với mức tăng 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2021”, IEA cho biết.
Trong khi đó, triển vọng của IEA đã mâu thuẫn với kỳ vọng của OPEC. OPEC đã đưa ra báo cáo vào thứ Hai (13/12) và lạc quan hơn so với IEA về sự phục hồi nhu cầu dầu trong năm tới.
OPEC dự đoán rằng biến thể omicron sẽ có tác động nhẹ đến thị trường dầu mỏ và dự kiến nhu cầu sẽ đạt 100 triệu thùng mỗi ngày vào quý III/2022. OPEC cũng nâng dự báo nhu cầu trong quý đầu I/2022 thêm 1,1 triệu thùng/ngày.
Liên quan đến giá dầu, IEA cũng điều chỉnh triển vọng giảm cho giá dầu.
“Giả định giá dầu của chúng tôi thấp hơn khoảng 15% vào năm 2022 so với báo cáo của tháng trước. Giá dầu Brent trung bình là 70,80 USD/thùng vào năm 2021 và 67,60 USD/thùng vào năm 2022”, báo cáo IEA cho biết.