IDJ: “Ông chủ” cũng thoái vốn khi cổ phiếu đang tăng nóng

(ĐTCK) Trên sàn, đã có nhiều trường hợp các chủ tịch thoái vốn ngay tại đỉnh, khi giá cổ phiếu đang tăng nóng. Những động thái thoái vốn trực tiếp sở hữu của các lãnh đạo công ty sẽ càng khiến nhà đầu tư bên ngoài thêm nghi ngờ và cẩn thận trọng hơn với đợt tăng giá nóng của cổ phiếu. 
Ảnh Internet Ảnh Internet

Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán IDJ - HNX) công bố sẽ bán ra toàn bộ 157.600 cổ phiếu từ 20/2-19/3, nếu giao dịch thành công, ông sẽ chính thức giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,48% về 0%. 

Điểm đáng chú ý là trong thời gian gần đây, giá cổ phiếu IDJ đang tăng mạnh. Chỉ trong vòng gần 2 tháng qua, cổ phiếu IDJ đã tăng tới hơn 145%, kết phiên 24/2 tại mức giá 15.200 đồng/CP và tiếp tục tăng trần lên mức giá 16.700 đồng/CP khi mở cửa phiên 25/2. Đây là vùng giá cao trong suốt 9,5 năm niêm yết của IDJ, chỉ thấp hơn so với thời điểm chào sàn (vào cuối tháng 9/2010) và cũng là mức tăng phi mã sau nhiều năm chỉ giao dịch vùng 2.000 - 4.000 đồng/CP.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2019, ông Linh đã mua 360.300 cổ phiếu IDJ. Sau đó 5 tháng, vào tháng 11/2019, ông Linh đã liên tục bán ra 433.000 cổ phiếu IDJ.

Bên cạnh đó, những cổ đông liên quan tới Chủ tịch Công ty cũng có giao dịch trái chiều. Cụ thể, trong khi vợ Chủ tịch - bà Đăng Thanh Tú bán tổng cộng 110.300 cổ phiếu IDJ, thì CTCP Đầu tư BG Group lại mua vào 1.660.300 cổ phiếu IDJ, tương ứng 5,1% cổ phần, để nâng tỷ lệ sở hữu lên 5,1% và trở thành cổ đông lớn của Công ty.

Theo tìm hiểu, BG Group mặc dù không công bố thông tin chi tiết cơ cấu cổ đông, nhưng ông Nguyễn Hoàng Linh đồng thời là Chủ tịch HĐQT tại BG Group. Như vậy, ông Linh đã thoái vốn tư cách cá nhân khỏi IDJ, nhưng lại tăng sở hữu với tư cách tổ chức có liên quan.

Xét về kết quả kinh doanh qua 2019, IDJ ghi nhận doanh thu 354 tỷ đồng, tăng 44,42% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 6,29 tỷ đồng, giảm 87,84% so với cùng kỳ. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp chỉ hoàn thành 79,97% và 40,67% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng hợp đồng xây dựng, kinh doanh bất động sản có đóng góp tỷ trọng lớn nhất và tăng trưởng khá mạnh, cụ thể năm 2017 là 87,2%, năm 2018 là 80,4% và quý IV/2019 chiếm tới 95,5%.

Như vậy, mặc dù doanh thu năm 2019 có tăng trưởng, nhưng lợi nhuận tiếp đà đi xuống và đặc biệt dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm tới 140 tỷ đồng, đây là năm thứ 3 liên tiếp dòng tiền hoạt động kinh doanh âm. Điều này cho thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trong năm 2019.

IDJ: “Ông chủ” cũng thoái vốn khi cổ phiếu đang tăng nóng ảnh 1

Tại thời điểm 31/12/2019, doanh nghiệp có tổng tài sản là 1.362 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tài sản dở dang dài hạn 638 tỷ đồng, chiếm 46,84%; các khoản phải thu ngắn hạn 245 tỷ đồng, chiếm 17,99%; tài sản dài hạn khác 136 tỷ đồng, chiếm 9,99%; bất động sản đầu tư 117 tỷ đồng, chiếm 8,59%...

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tài sản dở dang chủ yếu đang thực hiện dự án Diamond Park Lạng Sơn 445,4 tỷ đồng; Dự án Nam Viettel Phú Yên 114,2 tỷ đồng; dự án Thương mại Dịch Vụ Mũi Né Bình Thuận 49,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, khoản phải thu đến từ các đối tác như Công ty TNHH Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương - Bắc Ninh 83,6 tỷ đồng; CTCP Đầu tư châu Á Thái Bình Dương 29,6 tỷ đồng; CTCP Apec Land Huế 10,4 tỷ đồng có liên quan tới ban lãnh đạo doanh nghiệp

Để tài trợ cho các tài sản đó, doanh nghiệp đang dùng chủ yếu 638,4 tỷ đồng phải trả dài hạn khác, chiếm 46,9% nguồn vốn; 330,8 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, chiếm 24,3% nguồn vốn; 240,4 tỷ đồng vay ngắn hạn và dài hạn, chiếm 17,7% nguồn vốn.

Đặc biệt, phải trả dài hạn đến từ nhận ký cược dài hạn (đây là khoản đặt cọc dự án của khách hàng với IDJ) dự án khu du lịch Mũi Né Bình Thuận 467,2 tỷ đồng; Dự án Dimond Park Lạng Sơn 102,5 tỷ đồng; Dự án Hải Tân, Hải Dương 37 tỷ đồng; và các dự án khác 134,1 tỷ đồng.

Như vậy, mặc dù nhận vốn ký quỹ để tài trợ cho các dự án đã bát đầu xuất hiện từ quý III và quý IV/2019, nhưng tốc độ giải ngân và xây dựng dở dang đang chưa tương xứng với dòng tiền ký quỹ bên ngoài vào doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tuy nhà đầu tư nhìn thấy doanh nghiệp có ghi nhận ký quỹ dài hạn lên tới 638,4 tỷ đồng từ bên ngoài để tài trợ cho các dự án đang triển khai, nhưng do đây là khoản ký quỹ dài hạn, cũng như khoản mục xây dựng dơ dang dài dạn, nên trong ngắn hạn doanh nghiệp sẽ khó mà có thể ghi nhận trong ngày một ngày hai, cũng như báo cáo sắp tới.

Câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu đến từ việc Công ty đang lên kế hoạch huy động 30 tỷ đồng trái phiếu nhằm mục đích bổ sung vốn lưu, bổ sung vốn đầu tư dự án bất động sản, bổ sung chi phí liên quan đến dự án APEC Mandala Wyndham Mũi Né. Như vậy, câu chuyện kỳ vọng trong thời gian sắp tới có thể đến từ huy động vốn thay vì hoạt động kinh doanh có điểm sáng.

Tuy nhiên, một rủi ro liên quan tới lãnh đạo Công ty là khi Chủ tịch liên tục thoái vốn do mình nắm giữ trực tiếp, thay vào đó là tổ chức có liên quan mua vào đảm bảo vị trí lãnh đạo, có thể sẽ tạo ra xung đột lợi ích giữa cổ đông cá nhân bên ngoài. Khi đó, lợi ích có thể chuyển giao sang nơi mà chủ tịch nắm nhiều cổ phiếu hơn là nơi mà chủ tịch nắm ít hơn, đặc biệt nhà đầu tư bên ngoài lại có hạn chế thông tin về doanh nghiệp.

Trong khi đó, IDJ đang có các giao dịch có liên quan cổ đông nội bộ sẽ càng đẩy rủi ro cho nhà đầu tư bên ngoài. Chính vì vậy, đợt tăng giá nóng lần này chủ yếu liên quan tới mục đích riêng, chuẩn bị kế hoạch huy động vốn trái phiếu thay vì kết quả kinh doanh.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục