ICAEW: Các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ phục hồi vào năm 2021

Báo cáo mới nhất từ Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) đưa ra nhận định, sang năm 2021 các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á sẽ phục hồi trở lại.
Theo ICAEW, Việt Nam được đánh giá là quốc gia chịu ít tác động nhất từ COVID-19 so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trên thực tế các hoạt động sản xuất tại Việt Nam đã được khôi phục trở lại sau khi dịch bệnh được khống chế thành công. Ảnh minh hoạ Theo ICAEW, Việt Nam được đánh giá là quốc gia chịu ít tác động nhất từ COVID-19 so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trên thực tế các hoạt động sản xuất tại Việt Nam đã được khôi phục trở lại sau khi dịch bệnh được khống chế thành công. Ảnh minh hoạ

Trong báo cáo “Nhìn lại triển vọng toàn cầu sau khi đại dịch Coronavirus bùng phát”, Oxford Economics dự đoán rằng đại dịch COVID-19 bùng phát kéo dài khiến tăng trưởng GDP trên toàn thế giới giảm 4,7% trong năm 2020, tác động nặng nề hơn gấp hai lần so với tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008 và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lớn nhất trong lịch sử hậu chiến tranh. Trong đó, phần lớn các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ rơi vào khủng hoảng trong nửa đầu năm 2020, trước khi ghi nhận mức giảm 1,9% trong năm 2020.

Những biện pháp đóng cửa đất nước và giữa các thành phố trong một quốc gia ở mức độ khác nhau đã giảm nhu cầu nội địa đáng kể.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã hạn chế xuất khẩu lương thực để đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong nước, đã dẫn đến sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu. Thái Lan được dự đoán là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trong các nền kinh tế Đông Nam Á, bởi ngành du lịch - chiếm 20% tổng GDP ở nước này đang chịu ảnh hưởng lớn do đại dịch.

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia chịu ít tác động nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, bởi sự đi đầu trong việc đưa ra các biện pháp tháo gỡ. Dù vậy, Việt Nam cũng không tránh khỏi tác động từ sự suy giảm mạnh trong dòng chảy thương mại.

Tác động bất lợi tới nền kinh tế Đông Nam Á được dự báo sẽ xoay chuyển vào nửa cuối năm 2020 khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và thương mại toàn cầu hồi phục ở tốc độ phù hợp, nhưng tốc độ bình thường hóa diễn ra chậm sẽ tiếp tục đè nặng lên những nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch. Sự kết hợp giữa gói kích thích tài khóa và nới lỏng chính sách tiền tệ từ chính quyền sẽ hỗ trợ cho việc phục hồi tăng trưởng kinh tế, với kết quả cuối cùng dự đoán có thể đẩy mức tăng trưởng GDP trở lại mức trung bình 8% vào năm 2021. 

Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, cho biết: “Hơn cả một cuộc khủng hoảng toàn cầu về sức khỏe cộng đồng và kinh tế, đại dịch này còn là một chương quan trọng về thảm họa liên kết lớn hơn đang diễn ra, đó là tình trạng khẩn cấp khí hậu, mất đa dạng sinh học và bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Sự phục hồi của thế giới sẽ cần những giải pháp bền vững hơn tới tự nhiên, xã hội và kinh tế. Khi các quốc gia trong khu vực dần nới lỏng hạn chế đóng cửa quốc gia và bắt đầu mở cửa các nền kinh tế, các tổ chức và các doanh nghiệp sẽ phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới” cho sự tăng trưởng và kết quả bền vững thời hậu đại dịch”.

Ở Trung Quốc, giai đoạn tồi tệ nhất đã qua, bởi đại dịch chủ yếu đã được kiểm soát. Nền kinh tế được dự đoán sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng đều đặn, với sự phục hồi trong tiêu dùng, giảm sự gián đoạn nguồn cung và cải thiện triển vọng đầu tư.

Đặc biệt, trong các ngành công nghiệp và hạ tầng mới, tất cả đều được hỗ trợ bởi những chính sách ưu đãi từ chính phủ. Những chính sách hiện tại như cắt giảm thuế và lãi suất sẽ hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế, cho dù sự nới lỏng sẽ chỉ duy trì nhắm đến quy mô mục tiêu tập trung và khiêm tốn. Điều này sẽ đóng góp vào chỉ số tăng trưởng 0,8% GDP trong năm 2020, tiếp đó là mức tăng trưởng 8,5% vào năm 2021 khi cả nền kinh kinh tế nội địa và toàn cầu cùng phục hồi.

Ông Mark Billington chia sẻ thêm: “Trung Quốc mở cửa trở lại là một tín hiệu tích cực cho thấy những nền kinh tế khác trong khu vực sẽ dần vực dậy theo thời gian. Tuy nhiên, một cuộc phục hồi ở nửa cuối 2020 sẽ không thể bù đắp lại được những hoạt động đã bị mất trong nửa đầu năm và chúng tôi dự đoán GDP toàn cầu sẽ trở lại mức trước khủng hoảng vào giữa năm 2021".

Trong khi những thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao có nhiều khả năng đảo ngược tổn thất trong GDP so với các đối tác tăng trưởng chậm hơn, thì mỗi khu vực sẽ có những trải nghiệm riêng biệt với cuộc khủng hoảng, và chính điều này sẽ quyết định độ sâu của suy thoái và sức mạnh của sự phục hồi GDP ở những thị trường đó.

Tại Diễn đàn Kinh tế trực tuyến (Virtual Economic Forum) chủ trì bởi ICAEW vào ngày 4/6 vừa qua, những lãnh đạo các ngành đã thảo luận về tác động của COVID-19 lên doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, tập trung vào những tác động dài hạn tới sản xuất, và giải pháp giúp doanh nghiệp đối mặt và điều chỉnh trong giai đoạn “bình thường mới” hậu đại dịch.

Hội thảo được điều phối bởi Giáo sư Annie Koh, Phó chủ tịch Phát triển Kinh doanh, Giáo sư nhóm V3 về Doanh nghiệp Gia đình; Giáo sư Tài chính Thực hành tại Đại học Quản lý Singapore và đồng hành tham gia gồm ông Christopher Jeffery, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam kiêm Giám đốc học vụ Đại học Anh quốc Việt Nam (British University Vietnam); ông Justinian Habner, Giám đốc quốc gia, Bộ Thương mại Quốc tế, Cao ủy Anh và Chuyên gia kinh tế trưởng Suhaimi bin Ilias của ngân hàng đầu tư Maybank.

Trong phần thảo luận của ông Ilias, những người tham gia hội thảo đã chia sẻ quan điểm về tác động của đại dịch đối với các nền kinh tế Đông Nam Á, cũng như triển vọng phục hồi của các quốc gia.

Trên toàn khu vực, Việt Nam được đánh giá là quốc gia sẵn sàng tận dụng tình hình đại dịch vì được hưởng lợi từ sự thay đổi sản xuất của các công ty đa quốc gia. Mặc dù vậy, ông Jeffery cũng cảnh báo trước tác động của sự suy giảm nhu cầu toàn cầu sẽ tiếp tục đè năng lên chuỗi cung ứng và lĩnh vực sản xuất.

Ông Habner cũng chỉ ra những cơ hội sẽ phát triển thời hậu đại dịch, như COVID-19 sẽ thúc đẩy các xu hướng và nỗ lực liên quan đến chuyển đổi số hóa và sáng kiến trong thương mại dịch vụ, giao dịch doanh nghiệp…

Là người đưa ra kết luận cho diễn đàn trao đổi, Giáo sư Annie Koh đã chỉ ra ba bước đi quan trọng cho các nền kinh tế và các doanh nghiệp để thích ứng với giai đoạn “bình thường mới”, đó là xây dựng Niềm tin, Năng lực và Công Nghệ.

Minh Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục