Quyết định xử phạt nói trên liên quan đến tranh chấp về sở hữu trí tuệ giữa Ajino-moto và Công ty TNHH Hà Trung Hậu. Theo đó, Công ty TNHH Hà Trung Hậu có nhập khẩu và bán tại thị trường Việt Nam sản phẩm bột ngọt Ajino-Takara có xuất xứ Thái Lan. Công ty này cũng làm đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hõa.
Trong quá trình này, Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam đã có đơn thư phản ánh, kiến nghị gửi Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đề nghị kiểm tra, xử lý bột ngọt nhãn hiệu Ajino - Takara của Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hà Trung Hậu do nhận thấy nhãn hiệu Ajino - Takara trùng lắp với nhãn hiệu Ajino - Moto đã được đăng ký bảo hộ độc quyền.
Tiếp đó, Đội Quản lý thị trường số 8 (Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng) đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu. Trên cơ sở này, UBND TP. Đà Nẵng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Hà Trung Hậu số tiền 500 triệu đồng, “kịch khung” đối với mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp áp dụng đối với tổ chức.
Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với hàng hóa vi phạm và biện pháp khắc phục là yêu cầu hủy bỏ yếu tố vi phạm, tiêu hủy yếu tố vi phạm.
Từ đó đến nay, Công ty Hà Trung Hậu theo đuổi hai vụ kiện hành chính đối với hành vi hành chính của Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 8 trong việc kiểm tra, lập biên bản kiểm tra và Quyết định xử phạt của UBND TP. Đà Nẵng, yêu cầu bồi thường 3 tỷ đồng. Tòa án đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Công ty Hà Trung Hậu kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện UBND TP. Đà Nẵng đã đề nghị hoãn phiên tòa để có thời gian thỏa thuận với doanh nghiệp.
Sau 5 tháng kể từ ngày hoãn tòa, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt trước đó. Lý do là căn cứ vào Điều 27, Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Theo đó, Điều 27 về xử lý vụ việc vi phạm khi có tranh chấp quy định trường hợp đơn yêu cầu xử lý vi phạm đã được thụ lý, nhưng hai bên có phát sinh khiếu nại tố cáo hoặc tranh chấp về quyền đăng ký, quyền sở hữu, quyền yêu cầu xử lý vi phạm... thì cơ quan thụ lý yêu cầu các bên giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, yêu cầu chủ thể quyền sở hữu công nghiệp giải trình, cam kết hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước về sở hữu công nghiệp làm rõ về tình trạng pháp lý của quyền sở hữu công nghiệp đang có khiếu nại, tố cáo, tranh chấp.
Được biết, trong vụ việc này, Công ty Hà Trung Hậu đã có văn bản đề nghị dừng hiệu lực của văn bằng 169 cấp cho Ajinomoto.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thành Đông, Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng của Công ty Hà Trung Hậu cho biết, sau quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt nói trên, UBND TP. Đà Nẵng không hề có thêm bất kỳ động thái nào khác.
“Không thấy UBND Thành phố xin lỗi doanh nghiệp, cũng không khuyến khích động viên doanh nghiệp hoạt động trở lại. Trong khi đó, việc trở lại thị trường của doanh nghiệp rất khó khăn do bị dừng hoạt động trong 1 năm 7 tháng, bị ảnh hưởng cả về thương hiệu, hình ảnh cũng như tài chính. Các cơ quan chức năng cũng không hề có hướng dẫn nào để doanh nghiệp thực hiện, kinh doanh trở lại”, ông Đông cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Đông, Công ty Hà Trung Hậu đã nộp đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, nhưng 2 năm nay, cơ quan này chưa cấp văn bằng và cũng không nói rõ lý do vì sao không cấp.