Những lùm xùm xung quanh việc hủy hợp đồng bảo hiểm
Vừa qua, cộng đồng quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ lại có dịp xôn xao với một vụ lùm xùm khách hàng bức xúc khi yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm đang tham gia có thời hạn hợp đồng 15 năm, thì được công ty thông báo giá trị hoàn lại mà khách hàng nhận được nếu kết thúc hợp đồng vào thời điểm sau 2 năm tham gia với số tiên khoảng 70% tổng phí đóng trong 2 năm.
Quy tắc chung của các dòng sản phẩm bảo hiểm là sau khi khách hàng đóng phí, một phần phí bảo hiểm hàng năm sẽ được dùng để trích lập dự phòng theo quy định của Bộ Tài chính, các khoản phí còn lại doanh nghiệp sẽ thực hiện các hoạt động đầu tư để đảm bảo nguồn phí cho các quyền lợi bảo vệ hoặc tích lũy của khách hàng.
Đối với các dòng sản phẩm bảo hiểm truyền thống được Bộ Tài Chính phê duyệt, giá trị hoàn lại của hợp đồng chỉ có vào cuối năm thứ hai của hợp đồng bảo hiểm, với điều kiện khách hàng đóng đầy đủ phí và hợp đồng còn hiệu lực đến thời điểm đó.
Hầu hết các sản phẩm Bảo hiểm nhân thọ không có giá trị hoàn lại trong 2 năm đầu nên hủy hợp đồng thì khách hàng sẽ không được nhận giá trị hoàn lại.
Hợp đồng bảo hiểm là một cam kết dài hạn. Ngay khi hợp đồng được giao kết, công ty bảo hiểm có trách nhiệm bảo vệ khách hàng trước rủi ro sự kiện bảo hiểm xảy ra với số tiền bảo hiểm lớn hơn nhiều so với khoản phí đóng ban đầu của khách hàng, ngay cả khi khách hàng chỉ mới đóng một kỳ phí bảo hiểm.
Ví dụ: có trường hợp khách hàng chỉ mới đóng 1 kỳ phí quý là 9 triệu đồng, nhưng nếu rủi ro xảy ra liên quan đến tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn, công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ chi trả số tiền bảo hiểm như cam kết trong Hợp đồng bảo hiểm là 1 tỷ đồng.
Quay lại sự việc của khách hàng đề cập phía trên, việc khách hàng nhận lại được giá trị hoàn lại theo thông báo của doanh nghiệp bảo hiểm là chính xác dựa theo quy định của Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Quy tắc, Điều khoản của sản phẩm.
Việc tham gia bảo hiểm nhân thọ cần sự cam kết lâu dài của khách hàng trong thời gian dài từ 5 năm, 10 năm, 15 năm thậm chí hiện nay có một số dòng sản phẩm bảo vệ khách hàng tới khi khách hàng đạt 99 tuổi. Thông thường, từ năm thứ 10 trở đi, giá trị hoàn lại mới tương đương với số phí mà khách hàng đã đóng, cộng thêm các khoản lãi chia không đảm bảo (nếu có).
Từ góc độ doanh nghiệp bảo hiểm, khách hàng trong sự việc trên chỉ cần đóng phí 10 năm nhưng được bảo vệ 15 năm. Tức là từ năm thứ 11, khách hàng không cần đóng phí nhưng doanh nghiệp bảo hiểm vẫn cam kết chi trả khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Đây là quyền lợi giúp khách hàng được bảo vệ tài chính trước những rủi ro trong cuộc sống theo cam kết lâu dài giữa khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, cũng là điểm khác biệt giữa tính chất của bảo hiểm nhân thọ và các hình thức tài chính khác như gửi tiết kiệm ngân hàng.
Khách hàng nên làm gì để đảm bảo quyền lợi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ?
Nếu hủy hợp đồng trong những năm đầu, cả khách hàng và doanh nghiệp đều sẽ chịu thiệt. Khách hàng chính là đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên đó là vừa mất phí vừa mất quyền lợi bảo vệ. Rủi ro của khách hàng không được chuyển giao cho công ty bảo hiểm nữa.
Công ty bảo hiểm tốn rất nhiều chi phí cho những năm đầu nên sẽ chịu lỗ. Chưa kể đến những trường hợp khách hàng đưa những thông tin không đầy đủ, chính xác lên mạng xã hội và truyền thông gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành bảo hiểm nhân thọ nói chung và công ty nói riêng.
Phần lớn khách hàng hủy hợp đồng vì lý do không đủ tiền đóng phí. Để hỗ trợ khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thường thiết kế hai cách đóng phí, cách thứ nhất, đóng một lần duy nhất cả hợp đồng, trong khi đó, cách đóng phí hàng kỳ là cách phổ biến nhất.
Ngoài ra, trong các trường hợp khó khăn quá vẫn không đóng được phí bảo hiểm đúng hạn thì người tham gia bảo hiểm có thể đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hỗ trợ bằng các giải pháp:
Trường hợp thứ nhất, đề nghị doanh nghiệp cho vay một số tiền đóng phí bảo hiểm với lãi suất ưu đãi, số tiền được vay tối đa bằng giá trị hoàn lại của hợp đồng đó tại thời điểm vay để duy trì được hợp đồng và bảo vệ quyền lợi của mình khi những rủi ro và sự kiện được bảo hiểm xảy ra;
Trường hợp thứ 2, xin giảm số tiền bảo hiểm. Từ đó, giảm được số phí bảo hiểm phải đóng, đồng thời, số phí bảo hiểm đã đóng của thời kỳ trước đã dư ra một lượng nhất định để đóng phí bảo hiểm cho những kỳ tiếp theo đang khó khăn và hợp đồng vẫn được duy trì, quyền lợi bảo hiểm vẫn được đảm bảo;
Trường hợp thứ 3 là xin gia hạn. Theo đó, khách hàng sẽ thông báo với doanh nghiệp bảo hiểm tạm thời dừng hợp đồng bảo hiểm cho đến khi có thu nhập tốt sẽ tái tục lại hợp đồng bảo hiểm bằng 2 cách: cách 1, đóng đầy đủ phí bảo hiểm còn thiếu, đóng bổ sung phí bảo hiểm còn thiếu và thời hạn hợp đồng không đổi; cách 2, khởi động lại hợp đồng bảo hiểm, chỉ đóng phí bảo hiểm cho những kỳ tiếp theo.
Hợp đồng bảo hiểm sẽ buộc phải thoả thuận lại về thời hạn bảo hiểm và mức phí bảo hiểm đóng mới. Vậy nên việc hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi chỉ mới tham gia trong thời gian ngắn chỉ nên là “chuyện chẳng đặng đừng”.