Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ tại cuộc họp về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp tuần đầu tháng 9/2023, Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).
Ngân hàng Nhà nước cho biết, 8 tháng đầu năm nay, cơ quan này điều hành tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương rà soát thủ tục, quy trình cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Đến ngày 31/7/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 95.937 tỷ đồng, với 96.875 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Về nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ. Tiếp tục duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá hàng ngày với kỳ hạn và khối lượng phù hợp, lãi suất chào mua ở mức 4,0%/năm. Tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với các tổ chức tín dụng đảm bảo phù hợp với diễn biến lạm phát, tình hình nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng và nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ mức lãi suất điều hành sau 4 lần giảm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Từ đầu năm đến nay, có 129 lượt tăng lãi suất, 37 lượt giảm lãi suất trên thế giới. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giữ nguyên lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng kích thích kinh tế trong bối cảnh lạm phát tiệm cận mức giảm phát.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi cho vay (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm). Dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước chú trọng và tăng cường. Đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,36% (giảm so với tỷ lệ của tháng 5/2023 là 3,65%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 114.890 tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2023, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 424.050 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro.