Huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán đến cuối tháng 5 tăng 68% so với cùng kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất tiết kiệm ở mức thấp trong khi các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản) khả năng sinh lời cao hơn khiến nguồn tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng tăng chậm. 
Huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán đến cuối tháng 5 tăng 68% so với cùng kỳ

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê vừa đưa ra, tính đến 21/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,48% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,59%).

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,35%). Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 2,45%).

Tính đến hết tháng 5/2021, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 116,4 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 22.428 tỷ đồng/phiên, tăng 302,3%.

Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 11.622 tỷ đồng/phiên, tăng 17,2%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 24.041 tỷ đồng/phiên, tăng 90,9%.

Tổng Cục Thống kê đánh giá, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế từng bước được phục hồi, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân có xu hướng tăng khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các đợt giảm lãi suất trong năm 2020.

So với thời điểm cuối năm 2020, lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2021 tương đối ổn định sau khi giảm mạnh trong năm 2020.

Lãi suất tiền gửi bằng VND ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1% - 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0% - 5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6% - 6,7%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,5%/năm; cho vay bằng đô la Mỹ bình quân ở mức 3,0%-6,0%/năm.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán.

Tại khu vực TP.HCM, số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đưa ra, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 30/6/2021 (số liệu dự ước) đạt 3.010.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 3,5% so với cuối năm 2020.

Trong đó, tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân ước đạt 1.605.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 53,3% trong nguồn vốn huy động và tăng 2,75% so với cuối năm 2020.

Tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư ước đạt 1.150.000 tỷ đồng, chiếm 38,2% trong nguồn vốn huy động và tăng 3,19% so với cuối năm 2020. Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 255.000 tỷ đồng, chiếm 8,5% trong nguồn vốn huy động và tăng 10,08% so với cuối năm 2020.

Tính đến cuối tháng 6/2021 tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 30/6/2021 (số liệu dự ước) đạt 2.686.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 6% so với cuối năm 2020

Mặc dù vốn huy động trên địa bàn TP.HCM tăng chậm và thấp hơn tốc độ tăng tín dụng, song theo tổ chức tín dụng chi nhánh TP.HCM, đây là tốc tộ trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Đến cuối tháng 4/2021, vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 1,25% so với cuối năm 2020; Cuối tháng 5/2021, vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 2%. Dự ước 6 tháng đầu năm 2021, vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt mức tăng trưởng 3,5% .

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục