Vì vậy, trong thời gian tới, cần tạo ra những cơ chế, chính sách có tính “đột phá lớn” để “huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển”. Báo Đầu tư Chứng khoán xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển về nội dung này.
Về mặt học thuật, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, nguồn lực gồm tất cả “các yếu tố đầu vào” phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của xã hội theo những cách thức khác nhau. Theo nghĩa hẹp, nguồn lực gồm các yếu tố đầu vào chủ yếu dưới dạng vật chất cho quá trình sản xuất kinh doanh: lao động, vốn, tài nguyên.
Theo Kế hoạch, để đạt mục tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5-7%/năm và GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200-3.500 USD; nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP. Tính theo giá trị tuyệt đối sẽ vào khoảng 9,7-10,7 triệu tỷ đồng (giá hiện hành), tương ứng khoảng trên 450 tỷ USD cho 5 năm 2016-2020.
Trong tình hình hiện nay, để có thể huy động được một khối lượng nguồn vốn to lớn như trên, đòi hỏi phải có những quan điểm huy động vốn phù hợp, cùng với các giải pháp có tính khả thi, hiệu quả cao; đồng thời, định hướng cơ cấu huy động vốn hợp lý và sử dụng hiệu quả mới có thể giúp giảm áp lực nợ công đang có xu hướng gia tăng hiện nay.
Nước nào cũng vậy, các nguồn vốn để đầu tư đều cơ bản có từ khu vực nhà nước (ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và vốn từ các DNNN), khu vực tư nhân trong nước và từ nước ngoài (chủ yếu từ FDI và ODA). Ngoài ra, trong một số nền kinh tế, trong đó có Việt Nam hiện nay, kiều hối cũng là một nguồn vốn có ý nghĩa.
Để góp phần tạo lập thể chế hỗ trợ phát triển, như trên đã nêu, đã đến lúc cần có những cơ chế, chính sách có tính “đột phá lớn” để “huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển”, trước hết là nguồn vốn đầu tư.
Đổi mới cách tiếp cận về huy động và sử dụng tài sản công
Phạm vi của kinh tế Nhà nước không còn chỉ gói gọn trong khu vực các DNNN, mà còn bao gồm cả các yếu tố thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện, như đất đai, rừng, biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên, của cải, tài sản, tư liệu sản xuất, vốn, ngân sách nhà nước, lực lượng dự trữ, kể cả một phần vốn của Nhà nước đưa vào các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Vì vậy, quy mô của khu vực kinh tế Nhà nước không chỉ lớn hơn so với cách quan niệm chỉ gồm các DNNN; mà là rất lớn, bởi bao gồm trong đó nhiều hợp phần có giá trị rất lớn.
Với nội hàm như trên, kinh tế Nhà nước tồn tại trong mọi nền kinh tế thị trường hiện đại. Khi bàn về chủ đề này, một số công trình nghiên cứu gần đây cho rằng, nên gọi là “tài sản công” (công sản) của quốc gia, tức tài sản của xã hội, mà Nhà nước nhân danh toàn xã hội và thay mặt xã hội (nhận sự ủy quyền của xã hội) để quản lý khối lượng công sản này. Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề huy động và sử dụng tài sản công đang nổi lên hai vấn đề lớn.
Một là, xác định khối lượng giá trị tài sản công. Để có chính sách huy động nguồn vốn này một cách hợp lý và sử dụng một cách hiệu quả, điều cần làm trước tiên là ước lượng quy mô nguồn vốn. Mặc dù đây là vấn đề lẽ ra chỉ mang nặng tính chất kinh tế kỹ thuật, song trên thực tế, các yếu tố xã hội và cơ chế kinh tế hiện hành vẫn đang còn là một rào cản lớn đối với việc triển khai thực hiện. Vì vậy, cần một “quyết tâm chính trị” đủ lớn với cách làm thích hợp để xác định giá trị của từng loại, từng hợp phần với các địa chỉ cụ thể: quy mô bao nhiêu, ở đâu, hiện do cơ quan, tổ chức nào đang quản lý, sử dụng?
Hai là, “tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước”. Việc thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước” là một yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, sự băn khoăn tập trung vào chỗ, với một cơ quan quản lý khối lượng tài sản khổng lồ (sơ bộ khối lượng tài sản trên sổ sách tính đến cuối năm 2015 của 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước ở 14 bộ/ngành vào khoảng 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 250 tỷ USD), thì liệu có đảm đương nổi? Liệu từ chỗ xóa bỏ chế độ “chủ quản” của các bộ/ngành và địa phương, có hình thành nên một “siêu bộ”/“siêu ủy ban”, lại cũng quản lý theo kiểu hành chính thì có bước đột phá gì trong cải cách?…
Những băn khoăn nêu trên không phải không có những lý do thực tế cần trao đổi. Nhưng dù sao cũng phải thừa nhận rằng, đã đến lúc không nên, và không thể duy trì mô hình “chủ quản” như cũ được nữa!
Vì tính chất và tầm vực của vấn đề, tôi cho rằng, cần thiết phải nhất quán nguyên tắc: đặt “tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước” trong tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, đổi mới DNNN trong đổi mới toàn bộ thể chế kinh tế và vấn đề cần được tiếp cận một cách tổng thể, toàn diện và dài hạn. Vì vậy, để tìm kiếm mô hình giám sát, quản lý và đầu tư khối tài sản công to lớn này, tiếp theo công tác “kiểm kê kiểm soát” như đã nêu, cần chia tách tài sản công thành hai loại:
1. Tài sản công thương mại (commercial assets) là những tài sản có thể sinh lời và thu phí trên thị trường, mục tiêu đặt ra là phải tối đa hóa giá trị tài sản giống như khu vực tư nhân. Với tư cách là chủ sở hữu tài sản công thương mại, chủ sở hữu phải quan tâm khả năng sinh lợi của tài sản (lợi tức) thay vì sự vụ quản lý tài sản cụ thể hàng ngày.
2. Tài sản công chính sách (policy assets) là những tài sản phục vụ mục tiêu chính sách, phục vụ mục tiêu giải quyết những thất bại của thị trường, thực hiện những nhiệm vụ mang tính xã hội, là công cụ thực hiện các chính sách đem lại phúc lợi cho toàn dân (y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, môi trường,...).
Theo cách phân loại này, có thể thấy phần lớn các DNNN ở Việt Nam hiện nay nằm trong khối tài sản công thương mại. Nếu đặt vấn đề như vậy thì thực ra khối tài sản công thương mại khoảng 250 tỷ USD không phải quá “khổng lồ” (chỉ tương đương tài sản của một tập đoàn cỡ trung bình của thế giới); và nếu tích cực triển khai thực hiện cổ phần hóa theo đúng kế hoạch, quy mô quản lý trực tiếp tài sản công thương mại sẽ còn nhỏ đi rất nhiều. Mặt khác, khi đặt vấn đề giám sát, quản lý và đầu tư tài sản công thương mại thì tính chất hoạt động của cơ quan quản lý sẽ không phải là (hoặc chủ yếu là) quản lý hành chính, mà là hoạt động như dạng “công ty”, hay chính xác hơn là quản lý nhà nước theo nguyên tắc thị trường là: minh bạch, độc lập và chuyên nghiệp.
Tạo cơ chế mới khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân, làm cho khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành “động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Trong giai đoạn 2011-2015, khu vực kinh tế tư nhân thu hút 36-38% tổng vốn đầu tư xã hội và 86% tổng lao động xã hội, sản xuất ra 47-48% GDP bình quân mỗi năm. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế: quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực quản lý hạn chế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thấp, chưa có những thương hiệu có tên tuổi trên thương trường quốc tế...
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh”. Một số giải pháp chung về môi trường thể chế cần thực hiện gồm:
-Khuyến khích đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp kinh doanh;
-Hoàn thiện thể chế bảo vệ nhà đầu tư, quyền sở hữu và quyền tài sản;
-Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên.
Một trong những “nút thắt” gây tắc nghẽn đối với phát triển kinh tế tư nhân là sự hạn hẹp của nguồn vốn đầu tư. Ở Việt Nam hiện nay, tuy chưa có được số liệu khả tín về quy mô của nguồn vốn có thể huy động được trong dân để đem ra đầu tư phát triển, nhưng từ quan sát trực quan, có lẽ khối lượng vốn có ý nghĩa là dưới các hình thức: vàng, ngoại tệ và đất đai và bất động sản.
Đối với nguồn vốn là vàng: Theo con số do Hiệp hội Kinh doanh vàng thế giới công bố, lượng vàng trong dân tại Việt Nam là khoảng 500 tấn - tương đương 20 tỷ USD (hay 13,3 triệu lượng vàng). Cũng có những ước tính cho rằng, có thể lên tới cả nghìn tấn, vì số vàng 500 tấn chỉ là con số xuất - nhập khẩu, nên chưa tính số lượng vàng đã tích trữ trong dân từ nhiều năm dồn lại.
Dù số liệu cụ thể là bao nhiêu, nhưng ở mức tối thiểu tương đương với 20 tỷ USD nằm ngay trong cư dân nước Việt mà để thành vốn “chết”, trong khi đang khuyến khích mọi người “khởi nghiệp” thì khó có thể nói hay về môi trường đầu tư kinh doanh!
Để “gọi” vàng từ trong dân ra đầu tư kinh doanh, có lẽ cũng cần hiểu rõ thêm về việc tại sao người dân lại tích trữ của cải dưới dạng vàng? Có thể là từ kinh nghiệm thực tế, người dân vẫn chưa hết lo lắng về đồng tiền mất giá do lạm phát và cũng chưa tìm đâu ra kênh đầu tư an toàn và hiệu quả, nên dù biết là “vàng chết” nhưng vẫn lựa chọn cách mua vàng cất trữ.
Vậy nên, cùng với việc khẩn trương triển khai tìm kiếm các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội từ phía Nhà nước, có lẽ cần đặc biệt chú ý tới việc tạo lập những kênh để vàng tự đầu tư; tức là giải pháp tối ưu nhất lại không phải là huy động vàng trong dân, gom vào một chỗ rồi đi tìm người cho vay; mà là làm sao để người dân không dùng tiền mua vàng tích trữ, mà đưa vào kinh doanh (kể cả tiền và vàng).
Đối với nguồn vốn là ngoại tệ: hiện chưa có những số liệu công bố về vốn ngoại tệ trong dân là bao nhiêu, nhưng chắc chắn đây là nguồn lực không nhỏ đã được người dân tích trữ như một thói quen vài chục năm vừa qua. Ở đây có một câu chuyện đáng chú ý là Việt Nam đang áp dụng chính sách lãi suất tiết kiệm ngoại tệ bằng “0”, trong khi một số nước xung quanh vẫn áp dụng chính sách lãi suất ngoại tệ dương. Vậy nên theo lôgic kinh tế học thông thường, ngoại tệ sẽ “vượt biên” để “hội nhập”, khiến nguồn vốn đáng ra có thể tham gia khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ vì thế mà giảm đi. Vì vậy, trong khi bàn về giải pháp tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, có lẽ đã đến lúc cần xem xét tới nội dung này.
Đối với nguồn vốn là đất đai và bất động sản: Đất đai và bất động sản là nguồn vốn lớn trong xã hội và cũng đồng thời là lĩnh vực kinh doanh chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế. Vì vậy, một cơ chế hợp lý cho sự phát triển thông suốt thị trường “quyền sử dụng đất” và bất động sản là rất cần thiết. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng ghi rõ: “Có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp”; và “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản vận hành thông suốt, phù hợp quy luật cung - cầu nhằm khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực từ đất đai và tài sản, kết cấu hạ tầng trên đất; ngăn ngừa đầu cơ, lãng phí”.
Nâng cao chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài
Từ nhiều năm nay, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển mạnh mẽ, vững chắc, được xem là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân Việt Nam theo đường lối đổi mới và mở cửa. Trong giai đoạn 2011-2015, vốn đầu tư của khu vực FDI chiếm khoảng 21-25% tổng vốn đầu tư xã hội, thu hút 4% tổng lao động xã hội và sản xuất ra 20-21% GDP. Bên cạnh những đóng góp của khối doanh nghiệp này, cũng ít nhiều có lưu ý và băn khoăn về các khía cạnh chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước, ô nhiễm môi trường, chuyển giá, hạch toán bị lỗ (nhưng vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh) và một số vấn đề về xã hội.
Sự kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải các chất Phenol, Xyanua làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế (4/2016) là một sự cố lớn, mà từ đó chúng ta cần có những thông điệp mạnh mẽ hơn về định hướng FDI mới chuyển sang chính sách nâng cấp FDI, coi trọng hơn chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội; chính sách nâng cấp FDI cần xác lập một hệ thống các tiêu chí giúp sàng lọc, lựa chọn, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, bảo đảm theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước.
Thực ra trước đây cũng đã từng xảy ra các sự cố môi trường có ý nghĩa cảnh báo, mà một trong những vụ việc điển hình là Công ty Vedan (đóng tại Đồng Nai), báo chí đã nêu là thủ phạm “giết” sông Thị Vải vì đã xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông liên tục trong 14 năm, tính đến khi bị phát hiện (9/2008), với mức hơn 100.000 m3 nước mỗi tháng.
Lẽ ra các mặt hạn chế trong thu hút FDI nêu trên (vốn là những điều được kỳ vọng nhất đối với việc thu hút FDI của một nền kinh tế) đã phải được giải quyết từ lâu, nhưng dường như chưa thực sự được quan tâm đủ mức.
Như vậy, để có bước đột phá trong chính sách huy động và sử dụng nguồn lực vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, cần có cách nhìn tổng thể, toàn diện và dài hạn đối với đổi mới toàn bộ thể chế kinh tế; đồng thời cần có cách triển khai cụ thể, riêng biệt đối với từng loại nguồn vốn với tinh thần thực tế, quyết tâm chính trị cao.
Hy vọng là, với một chính phủ kiến tạo, phục vụ, hành động và liêm chính, việc huy động và sử dụng nguồn lực vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ có bước chuyến biến, vượt thoát khỏi những khó khăn ách tắc của thời kỳ đã qua.