Hủy bản án sơ thẩm tranh chấp giữa Ngân hàng Đông Á và Công ty Đức Nhân để giải quyết lại

(ĐTCK) TAND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) và Công ty cổ phần Đức Nhân theo đơn kháng cáo của các bên.
 
 

Nợ quá hạn, ngân hàng từ chối điều chỉnh lãi suất

Theo nội dung vụ việc, năm 2011, Công ty Đức Nhân ký 11 hợp đồng tín dụng với DAB chi nhánh Kon Tum, vốn gốc là 19 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là hàng hóa gồm các lô gỗ xẻ. Tính đến ngày 11/10/2018, lãi vay trong hạn là 2,3 tỷ đồng, lãi quá hạn là 44,1 tỷ đồng. Tổng cộng là 65,5 tỷ đồng.

Do công ty không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng đã khởi kiện ra tòa án. Năm 2018, bản án sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện của ngân hàng, buộc Công ty Đức Nhân phải trả số tiền 63 tỷ đồng gồm nợ gốc và lãi. Sau phiên tòa trên, phía ngân hàng và công ty đồng loạt kháng cáo.

Tại bản án sơ thẩm, ngân hàng không đồng ý điều chỉnh lãi suất theo từng thời kỳ với lý do khách hàng vi phạm nghĩa vụ, nên không được hưởng ưu đãi. Cấp sơ thẩm không có ý kiến về vấn đề này.

Tuy nhiên, khi giải quyết phúc thẩm, tòa án cho rằng, Điều 8 trong các hợp đồng có thỏa thuận ngân hàng phải chủ động điều chỉnh lãi suất hàng tháng, nhưng không quy định phải có điều kiện để được điều chỉnh.

Lẫn lộn tài sản của bên thứ ba

Trong vụ án này, DAB đề nghị xử lý tài sản của bên thứ ba là bất động sản của ông Nguyễn Thành Nhơn và bà Đinh Thị Hiền (ở quận 3, TP.HCM).

Ngân hàng cho biết, tài sản được bảo lãnh cho một khoản vay 2,8 tỷ đồng. Năm 2014, chủ tài sản đã tự ý bán tài sản trên cho ông Đỗ Thanh Sơn khi khách hàng mới thanh toán một phần nợ là 1,2 tỷ đồng. Ông Sơn có yêu cầu được thanh toán nốt số tiền 1,6 tỷ đồng để giải chấp nhà đất trên, song ngân hàng không đồng ý.

Khi tòa án phúc thẩm xem xét thì lại thấy, năm 2008, bà Hiền thế chấp nhà đất để vay vốn. Hợp đồng đã thanh lý nhưng ngân hàng chưa trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong các hợp đồng tín dụng của Công ty Đức Nhân không thể hiện việc thế chấp lô đất trên.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm lại tuyên buộc ông Sơn phải nộp số tiền 2,4 tỷ đồng để giải chấp nhà đất trên. HĐXX phúc thẩm đánh giá quyết định trên là không có căn cứ và vượt quá yêu cầu của đương sự. Trong khi đó, bà Hiền yêu cầu ngân hàng phải trả lại sổ đỏ, nhưng tòa sơ thẩm không xem xét là thiếu sót.

Mâu thuẫn lời khai

Theo hồ sơ vụ việc, sau khi Công ty Đức Nhân ngừng hoạt động, không còn khả năng trả nợ, năm 2013 giữa công ty và ngân hàng có thỏa thuận, công ty bàn giao toàn bộ tài sản gồm gỗ, gỗ thành phẩm, các thiết bị, máy móc trị giá 10,4 tỷ đồng cho ngân hàng để bán nhằm cấn trừ nợ.

Cấp phúc thẩm nhận định, bản án sơ thẩm chưa làm rõ sau khi bàn giao hai bên thỏa thuận như thế nào, hiện nay tài sản còn không hay ngân hàng đã xử lý. Còn ngân hàng trình bày đã bán tài sản và thu số tiền 3,4 tỷ đồng và hiện nay còn một số tài sản đã hư hỏng đang lưu giữ tại nhà của nhân viên ước tính 100 triệu đồng. Song điều này chưa được làm rõ.

Đặc biệt, bà Đinh Thị Hiền có mong muốn tất toán 2 quyển sổ tiết kiệm số tiền 5,5 tỷ đồng tại DAB chi nhánh Thuận An để cấn trừ khoản nợ cho Công ty Đức Nhân Kon Tum và Công ty Đức Nhân Bình Định. Tuy nhiên, DAB chi nhánh Bình Định đã thu toàn bộ số tiền trên cho Công ty Đức Nhân Bình Định, không khấu trừ cho Công ty Đức Nhân Kon Tum.

Tòa cấp phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm thiếu sót trong thu thập chứng cứ nên đã tuyên hủy bản án sơ thẩm trên để giải quyết lại.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục