Hút vốn ngoại, cơ hội nhiều, rào cản vẫn lớn

(ĐTCK) Trong sự khởi sắc của thị trường chứng khoán (TTCK), ngân hàng, bất động sản được đánh giá là lĩnh vực đầy tiềm năng để rót vốn. Điều này cũng được minh chứng khi thời gian gần đây, giá cổ phiếu ngân hàng, nhất là những nhà băng kinh doanh hiệu quả tăng mạnh. Do đó, nhiều nhà đầu tư ngoại đã thể hiện mong muốn được tham gia sâu hơn với các ngân hàng. Tuy nhiên, rào cản vẫn còn không nhỏ.
Cổ phiếu ngân hàng là nhóm dẫn dắt VN-Index tăng mạnh thời gian qua Cổ phiếu ngân hàng là nhóm dẫn dắt VN-Index tăng mạnh thời gian qua

Đón dòng vốn ngoại

Mấy năm qua, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tốt và dự báo cả năm 2018 vẫn ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng và giá bất động sản tăng lành mạnh chứ không cực đoan như giai đoạn 10 năm trước. Đồng thời, quy mô và thanh khoản TTCK cũng tăng hơn trước nhiều.

Có thể nói, TTCK vẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong năm 2018, dù mức tăng trưởng có thể không cao như mức tăng 48% của VN-Index năm trước. Ngoài ra, ngành ngân hàng sẽ có nhiều dư địa để phát triển trên nền tảng các điều kiện vĩ mô ổn định cùng các chính sách tích cực xử lý nợ xấu và ngành bất động sản sẽ phát triển ổn định nhưng chọn lọc hơn.

 Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital

Đó là những nền tảng để nhận định 2018 là một năm Việt Nam tiếp tục chào đón dòng vốn dồi dào từ giới đầu tư quốc tế. Trong đó, tài chính - ngân hàng được xem là lĩnh vực hấp dẫn vốn ngoại bên cạnh một số ngành khác như bất động sản, dịch vụ, tiêu dùng, bán lẻ…

Dòng vốn này đang hướng đến các công ty có vốn hóa lớn và còn “room” cho nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình trong thời gian qua, một số thương vụ IPO ngân hàng Việt Nam thu hút lượng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài như: HDBank bán hơn 21% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại thu về 300 triệu USD; Techcombank bán cổ phần cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài thu về gần 1,3 tỷ USD và trước đó là VPBank cũng thu về hàng trăm triệu USD trong đợt IPO lần đầu ra công chúng trước khi niêm yết cổ phiếu.

VinaCapital cũng tham gia đầu tư vào ngân hàng, mua gần 5% cổ phần của OCB và rót vốn vào HDBank trước khi nhà băng này lên sàn đầu năm 2018. Trong năm 2017, dòng tiền từ khối ngoại vào Việt Nam đã tăng mạnh, dự báo xu hướng này trong năm 2018 sẽ tiếp tục.

Thực tế, thời gian vừa qua, cổ phiếu tài chính - ngân hàng luôn là nhóm dẫn dắt TTCK Việt Nam tăng trưởng và nhóm cổ phiếu ngành này đã tăng cao hơn dự đoán của nhiều người. Cụ thể, trong hơn 1 năm qua, với vai trò là nhóm cổ phiếu trụ cột TTCK, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều có sự tăng trưởng ấn tượng về giá với mức tăng trên 100%. Cùng với đó, chỉ số P/E của nhóm này đều không thấp hơn 15 lần.

Thế nhưng, dường như sức nóng của cổ phiếu nhóm này chưa hạ nhiệt trong năm 2018 khi chúng vẫn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường những tháng đầu năm. Ngành ngân hàng đang được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh tái cơ cấu. Các ngân hàng phải tăng vốn để tuân theo chuẩn mực Basel II để tăng năng lực và điều đó tạo nên câu chuyện hấp dẫn cho cổ phiếu ngành này.

Làn sóng lên sàn giúp cổ phiếu của ngân hàng vừa niêm yết cũng tăng mạnh và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư, trong đó có VinaCapital đánh giá cao các ngân hàng có chính sách quản trị rủi to tốt và sở hữu lợi thế cạnh tranh đặc thù, có thể là chi phí vốn thấp, hệ sinh thái kinh doanh độc đáo hay công nghệ, năng lực sáng tạo để phát triển sản phẩm… nhất là sau giai đoạn đẩy mạnh tái cơ cấu. Những ngân hàng như vậy sẽ tăng trưởng cao, bền vững trong dài hạn.

Tài chính - ngân hàng được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng tích cực đối với thị trường mới nổi như Việt Nam, đồng thời, đây là các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn trên thị trường nên luôn hấp dẫn và thu hút được dòng vốn ngoại. Nhìn chung, các công ty có vốn hóa lớn, khoảng 1 tỷ USD trở lên dễ thu hút nhà đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh việc xem xét tăng trưởng cơ bản của ngành, các nhà đầu tư cũng quan tâm xem xét việc định giá công ty có hợp lý không, năng lực của ban điều hành cũng như chiến lược phát triển thế nào… Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đạt tăng trưởng lợi nhuận tốt khoảng 18 - 20%, và dòng vốn ngoại vào thị trường tiếp tục dồi dào thì thị trường sẽ khá bền vững.

Theo đánh giá của VinaCapital, TTCK vẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong năm 2018.  Trong kênh này, đầu tư vào các công ty cổ phần hóa sẽ hấp dẫn cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam vẫn còn khá chậm.

Rào cản về room

Ngành ngân hàng sẽ có nhiều dư địa để phát triển năm nay trên nền tảng các điều kiện vĩ mô ổn định cùng các chính sách tích cực xử lý nợ xấu, nhất là kể từ khi Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết 42, mở đường thông thoáng hơn cho ngân hàng thêm điều kiện tích cực trong đẩy mạnh phát mãi tài sản, thu hồi nợ xấu. Trong đó, đã có 3 ngân hàng lớn là Vietcombank, ACB, MBB đã xử lý hết và gần hết các trái phiếu đặc biệt của VAMC, giảm tỷ lệ nợ xấu. Xu hướng đó sẽ tiếp tục diễn ra với việc một số ngân hàng lớn xử lý hết trái phiếu VAMC để giảm tỷ lệ nợ xấu.

Các ngân hàng đã xử lý tốt phần nợ xấu, trích lập hết trái phiếu VAMC, tiếp tục hưởng thành quả từ việc giảm chi phí dự phòng nhờ đẩy mạnh được việc xử lý nợ xấu, thậm chí nhiều nhà băng đã hoàn nhập dự phòng rủi ro đã trích các năm trước.

Điều này sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận ngân hàng và thực tế năm 2017, nhiều ngân hàng đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng. Nhóm ngân hàng còn lại có thể tiếp tục tăng thêm chi phí dự phòng để cải thiện chất lượng tài sản, song cũng đang từng bước nỗ lực để xử lý nợ xấu, chất lượng tài sản sẽ tốt lên dần.

Bên cạnh đó, hoạt động cho vay của ngành ngân hàng đang tích cực trở lại khi thị trường bất động sản ấm dần và nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân vay mua nhà tăng. Trong mảng bất động sản nhà ở, phân khúc có mức giá vừa túi tiền người tiêu dùng Việt, với giá trên dưới 2 tỷ đồng/căn hộ hoặc 3-5 tỷ đồng/căn hộ sẽ có nhu cầu cao, thu hút nhiều chủ đầu tư tiếp tục mạnh dạn phát triển sản phẩm. Vì vậy, tín dụng ở phân khúc nhà ở cũng là mảng cho vay tiềm năng của ngân hàng giai đoạn này.

Mảng ngân hàng bán lẻ sẽ là tiêu điểm bởi biên lợi nhuận cao và nguồn thu dịch vụ được đẩy mạnh thông qua các sản phẩm thanh toán và hợp tác bảo hiểm. Kỳ vọng ngành này sẽ tiếp nối đà tăng lợi nhuận trong năm 2017 và theo đó, cổ phiếu của các ngân hàng sẽ tiếp tục hấp dẫn. Trong đó, ngân hàng nào tăng trưởng cao hơn bình quân ngành sẽ được nhà đầu tư chú ý nhiều hơn.

Tuy nhiên, thực tế là hiện số lượng ngân hàng Việt Nam còn nguyên room ngoại rất ít, chủ yếu là nhà băng quy mô vừa và nhỏ đang trong quá trình tái cơ cấu như SCB, BacA Bank, VietA Bank, Sacombank... Trong khi đó, với các nhà băng quy mô lớn đã cạn room kỳ vọng được nới thêm.

Với quy định hiện tại, room tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng chỉ ở mức 30% và có nhiều ngân hàng đã chạm mức trần về tỷ lệ sở hữu của khối ngoại. Thời gian qua, các NHTM đã liên tục bày tỏ mong muốn được nới room cho khối ngoại để tăng vốn, xử lý nợ xấu và thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Mức đề nghị nới room của một số NHTM nhà nước là 35-40%, còn các NHTM nhỏ mong muốn được nới room lên 49% hoặc 51%. Các tổ chức nước ngoài cũng có các kiến nghị tăng mức sở hữu khối ngoại tại các nhà băng “nội” lên 50%, thậm chí 65%.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, ngành mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước và tin tưởng rằng, giai đoạn này sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn chưa có ngân hàng Việt Nam nào được bán 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Vả lại, với ngân hàng yếu kém, quy mô nhỏ chưa hẳn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược ngoại, nên điều kiện trước hết thu hút vốn ngoại là nới room.

Việc nới room sẽ khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất châu Á. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 60, trong đó nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện room của doanh nghiệp trong nước đã được mở 100% cho khối ngoại sẽ là yếu tố giúp Việt Nam tăng thanh khoản trên thị trường và qua đó giúp doanh nghiệp có cơ hội hút vốn ngoại. Còn với lĩnh vực ngân hàng, dù có thể thận trọng hơn, nhưng muốn thu hút được vốn nước ngoài thì cũng cần tăng room so với hiện nay.

Bởi thực tế, với lĩnh vực này, dù có nới room, song luôn có điều kiện đi kèm, nên sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn nằm trong sự kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nếu room được nới lên trên 30% hiện nay cũng là điều kiện tốt cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi tỷ lệ này vẫn dưới 50%, thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó có thể có tiếng nói quyết định cùng HĐQT của các nhà băng trong việc đưa ra chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động của ngân hàng.

Điều này đã được chứng minh qua thực tế ở một số ngân hàng Việt Nam đã có cổ đông chiến lược nước ngoài chiếm tỷ lệ 20%, song tiếng nói của họ chưa có tính quyết định. Do đó, các nhà đầu tư ngoại luôn tìm hiểu rất kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ vốn vào ngân hàng Việt. 

Andy Ho
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục