Hương vị chiều Tất niên

(ĐTCK) Bữa cơm chiều 30 Tết luôn có một cái gì đó hết sức thiêng liêng. Nó trở thành sợi dây vô hình nối người còn sống và người đã khuất. Chính điều đó lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người khi Tết đến, Xuân về.
Hương vị chiều Tất niên

1. Ngược cơn gió cuối cùng của năm cũ, tôi trở về làng, nơi đã cất giấu bao kỷ niệm tuổi thơ. Đường phố cuối năm rộng thênh thang và vắng lặng, không có cảnh người nối người, xe nối xe hối hả mọi ngả như mọi khi. Chỉ mất hơn một giờ đồng hồ đi xe bus là tôi đã có mặt ở quê.

Sáng nay là 30 Tết, giờ này chắc u tôi đang tất bật ngoài chợ, còn thầy thì lúi húi với vài gốc cây trong vườn. Trước cửa nhà, vài chậu cảnh trên hòn non bộ đã được thầy tỉa lá, xới lại đất gọn gàng chờ đón Xuân.

Hương vị chiều Tất niên ảnh 1

Thầy u tôi tuổi cũng đã gần thất thập cổ lai hy, cái lưng đã còng xuống, mái đầu đã bạc trắng mà vẫn ham công tiếc việc lắm. Con cái trưởng thành đi xa, buồn tay buồn chân nên ông bà làm việc cả ngày ngoài vườn. Hết trồng rau, hái trầu, rồi lại chăm chó, chăm lợn. Nghĩ mà thấy tội.

2. Về đến nhà, công việc đầu tiên tôi được giao phó là giúp u phơi lại đống rơm. Mấy hôm trước mưa phùn nhiều quá, rơm rạ ướt hết. Chờ mãi được ngày nắng lên phải tranh thủ mà phơi để tối còn làm cơm cúng ông bà.

Tôi vừa phơi rơm, vừa nhẩn nha đi trên thảm rơm vàng. Rơm được nắng xuân hong khô làm dậy lên cái mùi thơm đặc trưng của làng quê. Bao lâu rồi tôi không được ngửi thấy cái mùi quê dung dị này. Cái mùi đặc trưng của làng quê mà chỉ có người quê mới nôn nao khi chợt bắt gặp.

Vừa hít hà mùi rơm, tôi vừa liên tưởng đến khoảng sân phơi no thóc lúa của nhà mình. Một cảm giác rưng rưng dâng lên trong lòng. Cứ như thể, mùa vàng bội thu này là thành quả lao động của chúng tôi. Những bước chân như say. Tôi ngất ngây trong hương vị mùa màng.

Cuộc sống nơi làng quê thật yên bình. Bầu không khí trong lành, thức ăn tự cung tự cấp, vừa rẻ vừa sạch, không độc hại. Chỉ cần như thế thôi đã hơn hẳn cuộc sống ở khu tập thể xập xệ, san sát nhà tầng và chật cứng người ở phố thị. Sống mãi ở quê thế này bảo sao toàn người vừa vui vừa khỏe.

Thỉnh thoảng về quê tôi cũng hay bị người làng ghẹo, sống ở thành phố phồn hoa muốn ăn có ăn, muốn mặc có mặc, sướng hơn gái làng cấy lúa nhiều. Nhưng họ đâu có hiểu, sự mơ ước của người này, là sự chán ghét của người kia. Suy cho cùng, sướng hay khổ, vui hay buồn cũng chỉ có một mình ta biết mà thôi.

3. Xong công việc phơi rơm, u lại dặn tôi sang nhà ông nội lấy lợn đụng. Ba mươi tháng Chạp năm nào nhà ông cũng mổ lợn để chia cho cả họ. Chú lợn hôm nay được thím tôi vỗ béo múp míp từ 2-3 tháng trước chờ ăn Tết.

Từ sáng sớm, đám đàn ông đã tập trung hết ở nhà ông. Trẻ con cũng thức giấc đi theo để hóng phần. Tôi sang đến nơi thì lợn đã mổ xong và đang chia phần cho từng nhà. Cứ tính theo đầu người mà chia. Nhà nào cũng được một mẹt đủ các loại thịt. Nào là thăn, sườn, chân giò, mông, vai… Bộ lòng thì luộc lên đem đánh tiết canh ăn luôn tại nhà ông nội. Cái thủ lợn luộc qua cho hết mùi hôi để đưa sang nhà thờ tổ cúng gia tiên khi giao thừa.

Vậy là chỉ còn chừa cái đuôi lợn. Thường thì bộ phận cuối cùng này sẽ được chia cho đứa bé nhất họ. Mấy đứa lớn cứ đứng nhìn theo mà thèm thuồng, mà tiếc hùi hụi. Nếu như mấy Tết trước thì cái đuôi kia xong với chúng nó từ lâu rồi.

Tôi bê mẹt thịt về đến nhà thấy u đang ngồi ngâm mộc nhĩ. Mộc nhĩ gặp nước nóng nở xòe như hoa đào bén nắng. U dặn tôi vớt hết ra, thái chỉ mỏng như sợi tóc rồi lấy miếng thịt vai nào ngon ngon thái nhỏ cho vào nấu đông. Chiếc chảo gang trên bếp đã đỏ rực, u cho thịt vào trước làm mỡ reo lên xèo xèo như gió bấc lùa qua mái rạ. Tay u đảo đều không ngơi đến khi miếng thịt săn lại thì cho mộc nhĩ, hạt tiêu, hành, mùi…vào sau rồi đổ ra từng bát chờ đông.

4. Em gái tôi về đến nhà khi trời đã ngả về chiều. Chờ nó nghỉ ngơi qua loa thì u tôi tiếp tục phân  công thật rành rọt mỗi người một việc trong chiều Tất niên. Tôi phụ trách quét dọn nhà cửa, em tôi phụ nấu ăn, thầy lau đồ thờ và bày mâm ngũ quả. Còn đồ lễ tổ tiên sáng u ra chợ sắm sửa đủ cả rồi, không mượn chúng tôi phải lo đến.

Cỗ cúng Tất niên mỗi nơi một khác, nhưng nhất thiết phải có bánh trưng, giò lụa, dưa hành, nem rán và thịt đông. Con gà cúng được u tôi chuẩn bị kỹ nhất. Đó phải là con gà trống hoa, màu lông đỏ, mào thẳng đứng, mỏ vàng, chân vàng. Quan trọng nhất là chưa đạp mái thì lời thỉnh cầu mới linh nghiệm. Đối với đám bắp cải, su hào, u cũng chọn những cây tốt nhất, củ to nhất trong vườn.

Trước khi bày ban thờ, thầy tôi cẩn thận vớt từng cặp bánh trưng đang sôi ùng ục ra. Hơi của cặp bánh vừa vớt làm ấm cả lưng chiều. Rồi thầy lúi húi ra vườn hái lá trầu, quả cau, tỉ mẩn rửa sạch, hong khô, xếp vào đĩa đặt trên ban thờ thắp hương.

Sau khi vớt bánh, nồi nước luộc sẽ trở thành nồi nấu nước tắm cho cả nhà. U đưa cho tôi nắm lá thơm và bó mùi già dặn thả vào nồi nước đang sôi. Mùi sả, chanh, hương nhu, lá bưởi… cuộn lên theo từng làn khói làm lòng tôi bỗng rưng rưng như đang ôm tất cả linh hồn của những chiều Tất niên tận quá khứ vào lòng mình.

Tôi bỗng nhớ đến bà ngoại. Ngày còn sống, bà thường bảo tắm Tất niên bằng các loại cây lá có hương thơm sẽ giúp rũ hết mọi rủi ro của năm cũ, xóa đi mọi khúc mắc, mọi oan nghiệt để thân thể được sạch sẽ, tâm hồn thư thái mà đón xuân vào nhà.

Bà tôi còn nói thêm, thiếu gì thì được, chứ không thể thiếu mùi vì nó vừa thơm, vừa trừ được tà ma quẩn quanh con người. Hương mùi tựa lá xông, khiến cơ thể thông thoáng đầu óc, toàn thân thư giãn, thả lỏng. Hương mùi vuốt ve dịu dàng. Hương mùi già chiều cuối năm như tấm lòng mẹ ấm áp chở che, như mùa xuân đang về bên hiên nhà.

Sau khi bà mất, u tôi vẫn giữ nguyên thói quen tắm lá của ngày Tất niên cũ, vẫn không quên cho vào đó một nắm mùi già như để tưởng nhớ đến bà.

5. Tắm táp xong trở vào nhà là tôi đã thấy ban thờ bày đã xong. Giò xào, bánh khảo, quả cam, mâm ngũ quả cây nhà lá vườn… dâng lên kính cẩn mời tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu. Khói trầm vẽ vòng trên bàn thờ rèm đỏ, quyện vào hương nước mùi già sau bếp xua đi chút mưa rét còn sót lại của mùa đông. Mùa Xuân như đã vừa vào đến tận cửa nhà.

Thắp hương xong, thầy mang quyển sách kinh Phật ra ngồi vào ghế, quay mặt lên phía ban thờ lẩm nhẩm đọc. Tôi nhìn thầy u, lòng lâng lâng cảm xúc. Tôi cứ muốn ghi lại mãi cái khoảnh khắc này, bởi “người già như trái chín cây”. Biết đâu… Ước gì thầy u ở mãi với chị em tôi, để chiều ba mươi năm nào tôi cũng đều được ngắm họ như chiều nay.

Chờ hương tàn thì thầy ra hiệu sắp cơm cả nhà cùng ăn. Chiếc giò xào no tròn, mỡ chảy tong tong ra ngoài lớp lá chuối. Thầy lấy con dao làm một miếng thật to để cả nhà ăn cho đã. Miếng giò xào giòn sựt, thoảng mùi hạt tiêu thơm lựng, chấm với nước mắm ngọt lừ, ăn với cơm mới dẻo dính. Hương vị Tết tan ra trên đầu lưỡi. Ăn chỉ biết no mà đứng dậy chứ không biết chán.

6. Bây giờ, đời sống vật chất phát triển, cái ăn không còn là yếu tố trung tâm. Tất cả mọi thực phẩm ngày Tết đều có thể mua sắm, làm mất đi cái không khí náo nức mỗi khi Xuân về. Việc sắm Tết không khác ngày thường là mấy, chỉ cần vào siêu thị một buổi là xong. Từ “ăn Tết”, người Việt chuyển dần sang “chơi Tết”.

Vì thế, bữa cơm tất niên chiều 30 Tết, chiều cuối cùng của năm cũ với những hạnh phúc bình dị như hôm nay, được cùng cả nhà tự tay chuẩn bị cơm cúng tổ tiên, tự thay lau rửa chiếc lá dong, ngâm từng hạt gạo để gói bánh dâng lên bàn thờ dễ gì ai còn giữ cho được.

7. Hai chị em tôi giờ đã lớn, đứa vào Nam, đứa ở Bắc, mỗi người phiêu dạt một phương. Khó khăn lắm mới có những buổi chiều Tất niên gia đình sum họp đông đủ như hôm nay. U bảo, năm sau có về thì nhớ mang theo các cháu. Ngày Tết nhà có tiếng trẻ con ngôi nhà cũng đỡ hiu quạnh. Nghe u nói, tôi trút vào hư vô tiếng thở dài. Không hiểu tiếng thở dài của tôi có cộng hưởng theo luồng gió đi ngang hay không mà rặng chuối ngoài vườn nghiêng ngả, cành lá rũ tung tơi tả rối bời chiều cuối năm.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thùy Linh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục