Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi là để hội nhập quốc tế, khi hiện nay, các nước ASEAN đang hướng đến thống nhất các loại giấy tờ, công dân Việt Nam có thể đi lại các nước trong khu vực bằng căn cước công dân.
Tại phiên họp thứ 21, sáng 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung 2 dự án luật, trong đó có Luật Căn cước công dân sửa đổi vào Chương trình xây dựng luật năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến dự án luật này tại kỳ họp thứ 5 và thông qua kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023). Một trong các chính sách mới là bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban này và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với đề xuất tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ căn cước công dân trong dự thảo luật.
Song, các cơ quan của Quốc hội lo ngại việc đưa nhiều thông tin cá nhân vào thẻ căn cước công dân dẫn đến tăng nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân. Từ đó, cơ quan thẩm tra lưu ý cần có giải pháp chỉ cấp quyền đọc thông tin tích hợp trong thẻ căn cước công dân phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể, bảo đảm bí mật đối với những thông tin không trực tiếp liên quan đến yêu cầu quản lý, giao dịch cụ thể đó.
Về đề nghị bổ sung quy định cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi, đa số ý kiến trong Thường trực cơ quan thẩm tra và Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị cân nhắc.
Lý do, độ tuổi dưới 14 tuổi, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thể chất, thay đổi nhanh về ngoại hình, khuôn mặt…, nên thông tin nhân dạng nếu không được cập nhật thường xuyên sẽ thiếu chính xác.
Mặt khác, phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự, nhất là các giao dịch đòi hỏi phải có thẻ căn cước công dân, thường phải có cha, mẹ hoặc người giám hộ đại diện.
Hồ sơ đề nghị chưa làm rõ, đánh giá đầy đủ về nhu cầu cấp thẻ căn cước công dân của lứa tuổi này, trong khi việc cấp thẻ cho dù là theo yêu cầu tự nguyện, nhưng vẫn phát sinh kinh phí sản xuất thẻ và chi phí khác cho cả công dân và cơ quan nhà nước, gây tốn kém không nhỏ. Mặt khác, khi xem xét, thông qua Luật Căn cước công dân năm 2014, vấn đề này đã được thảo luận, nhưng Quốc hội quyết định chỉ cấp thẻ căn cước công dân cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên - ông Tùng nhấn mạnh.
Về đề nghị thay thế giấy chứng minh nhân dân vẫn còn thời hạn để chuyển sang hoàn toàn sử dụng bằng thẻ căn cước công dân, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bỏ sổ hộ khẩu giấy, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá tác động kỹ về vấn đề này (làm rõ số lượng giấy chứng minh nhân dân đang còn thời hạn sử dụng theo quy định, chi phí phát sinh, tác động đối với người dân...) để từ đó xác định lộ trình thay thế phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tránh gây xáo trộn, bức xúc cho công dân.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói, việc sửa Luật là theo sự chỉ đạo của Đảng.
“Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ dân số Việt Nam được quản lý trong hệ thống dân cư quốc gia thống nhất, đây là chỉ đạo rất quan trọng. Giờ đã giữa nhiệm kỳ, nếu không hoàn thành sớm rất khó đạt mục tiêu”, ông Lâm nêu rõ.
Theo Bộ trưởng, việc quản lý, quản trị xã hội trên nền tảng đó sẽ rất cải cách. Với việc quản lý này, công dân cũng mong muốn có giấy tờ pháp lý xác nhận, không ai không mong muốn có giấy tờ pháp lý điện tử.
Liên quan đến quy định cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi, Bộ trưởng nêu thực tế rất nhiều trẻ em phải rà soát thông tin.
Bộ trưởng thông tin, vừa qua, làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này và có thể cung cấp cho Bộ, các địa phương số liệu một xã, một phường có bao nhiêu trẻ em nhờ việc này. Trong đó, có bao nhiêu trẻ em đang cư trú có hoặc không có hộ khẩu, bao nhiêu tạm trú, vắng tại địa bàn. Từ đó, tính toán hệ thống giáo dục đào tạo, phục vụ rất tốt cho các kỳ thi.
"Chúng ta kêu gọi Chính phủ điện tử thì các cháu cũng phải được giao dịch. Bây giờ, điện thoại, sim điện thoại phải có căn cước thế thì các cháu dưới 14 tuổi có được dùng điện thoại không, hay phải đăng ký của bố mẹ để dùng. Trẻ có được tham gia các hoạt động trên môi trường mạng không, hoàn toàn được”, Bộ trưởng đặt vấn đề và cho rằng cần phải hoàn thiện những vấn đề này.
Cạnh đó, Bộ trưởng còn nêu, trẻ em hiện ngoài hộ chiếu và giấy khai sinh, thì không có giấy tờ gì để giao dịch, dẫn đến rất nhiều bất cập như trong việc tuyển sinh, hay đơn giản chỉ là đi máy bay.
"Việc cấp căn cước công dân cho trẻ em là để hội nhập quốc tế, khi hiện nay, các nước ASEAN đang hướng đến thống nhất các loại giấy tờ, công dân Việt Nam có thể đi lại các nước trong khu vực bằng căn cước công dân", Bộ trưởng phát biểu.
Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, không cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi là khoảng trống khiến công dân không có giấy tờ để hội nhập quốc tế.
Hồi âm băn khoăn được cơ quan thẩm tra nêu là trẻ em thay đổi nhanh về ngoại hình, ông Lâm cho hay, Bộ Công an dự kiến thời hạn căn cước công dân không phải như người lớn là 10 năm, mà chỉ khoảng 5 năm phải đổi một lần.
Trong hệ thống quản lý đồng bộ thì không sợ có sự cố. Mục tiêu 100% nhân dân giao dịch được trên môi trường điện tử.
Sau rất nhiều lý do về sự cần thiết, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi phải luận rất kỹ gắn với đời sống thực tế ngoài xã hội đặt ra, và với cơ quan quản lý thực tế quản lý thì vô cùng tiện lợi.
Cho biết, hiện nay đã cấp được khoảng 60 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip, số còn lại Bộ Công an sẽ tiếp tục cố gắng với mục tiêu 100% người dân có căn cước, ông Lâm nhấn mạnh "chúng ta không nên để lỡ cơ hội này trong quản lý, quản trị xã hội, không để khoảng trống ở đây".
Cuối phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết, đồng ý bổ sung dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi vào Chương trình xây dựng luật năm 2023.