Bộ Công Thương vừa đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn doanh nghiệp về chứng từ chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa nhập khẩu từ EU về Việt Nam để hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định EVFTA.
Để tạo thuận lợi cho việc thực thi Hiệp định EVFTA (đã có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2020), Bộ Công Thương tiếp tục có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính căn cứ thông báo tại công thư số Ares(2020) 1982973 của Ủy ban châu Âu ( EC), chỉ đạo Tổng cục Hải quan sớm có hướng dẫn cho các cơ quan hải quan địa phương và doanh nghiệp về thủ tục nhập khẩu và chứng từ tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa nhập khẩu từ EU về Việt Nam để hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định EVFTA.
Trước đó, từ tháng 4 năm 2020, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương có công văn số 0360/XNK-XXHH gửi Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính thông báo công thư của Ủy ban châu Âu (EC) về cơ chế chứng nhận xuất xứ mà EU áp dụng trong Hiệp định EVFTA, đề nghị Tổng cục Hải quan nghiên cứu, triển khai.
Theo thông báo chính thức của EC, EU sẽ áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ theo quy định tại khoản 1(c), Điều 15, Nghị định thư 1 của Hiệp định EVFTA, cụ thể là tự chứng nhận xuất xứ theo hệ thống REX (Registered Exporter System). Quy định này được hướng dẫn tại khoản 1 (c), Điều 19, Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA.
EU đồng thời thông báo không áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ được quy định tại khoản 1 (a) và khoản 1 (b), Điều 15, Nghị định thư 1 của Hiệp định EVFTA (được hướng dẫn tại khoản 1 (a) và khoản 1 (b), Điều 19, Thông tư số 11/2020/TT-BCT).
Với thông báo này của EC, Việt Nam sẽ cho hưởng ưu đãi đối với lô hàng có xuất xứ từ EU trên cơ sở chứng từ tự chứng nhận xuất xứ được phát hành bởi nhà xuất khẩu đã đăng ký mã số REX hoặc bởi bất kỳ nhà xuất khẩu nào chứng nhận cho lô hàng trị giá không quá 6.000 Euro.
Theo cam kết của EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO hoặc không cam kết.
Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ EU đạt 14,9 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2018, chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dược phẩm; hàng tiêu dùng; ô tô nguyên chiếc, sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép, hàng thủy sản…