HUD1 có nguy cơ mất lợi thế trước thềm Nhà nước thoái vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngoài việc nợ liên tục tăng cao, thông tin Dự án Khu dân cư phía Tây đường Lê Duẩn, xã An Phú, TP. Tuy Hòa (Ký hiệu 0-8) do Liên doanh HUD8 - An Phát -HUD1 đầu tư bị tạm thời dừng triển khai.
HUD1 có nguy cơ mất lợi thế trước thềm Nhà nước thoái vốn

Ngày 9/3 tới, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) thực hiện bán đấu giá 5,1 triệu cổ phần Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng HUD1 (mã chứng khoán: HU1) theo hình thức đấu giá cả lô, giá khởi điểm hơn 75 tỷ đồng. Được biết, HUD1 có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, tương ứng 10 triệu cổ phần. Số cổ phần được HUD đưa ra bán đấu giá chiếm 51% tổng số cổ phần của Công ty.

Trong bản công bố thông tin có nhiều điểm đáng lưu ý trong bức tranh tài chính của HUD 1.

Theo đó, Công ty có các khoản đầu tư dài hạn và công nợ phải thu của tại các công ty con, công ty liên kết gồm khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD 1.02 là 12,75 tỷ đồng và khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Kiến trúc và xây dựng CIC DECOR là 1 tỷ đồng. Việc đầu tư vốn vào công ty con, công ty liên kết đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng trong nhiều năm. Đến thời điểm 30/9/2021, Công ty phải trích lập dự phòng rủi ro cho hoạt động đầu tư vào Công ty HUD 1.02 và Công ty CIC DECOR lần lượt là 4,43 tỷ đồng.

Do hiện nay cả hai đơn vị này đang tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh nên khả năng thu hồi vốn tại các doanh nghiệp này chưa xác định rõ thời gian, công tác thu hồi vốn tạm ứng công trình tại các hạng mục do Công ty HUD 1.02 thực hiện (khoảng 35,29 tỷ đồng) và khoản phải thu tiền cổ tức (1,4 tỷ đồng) vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, khoản đầu tư góp vốn dài hạn với Công ty Đại Thiên Lộc là 13 tỷ đồng để thực hiện dự án Liên Bão - Bắc Ninh kéo dài từ năm 2011 cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về đầu tư.

Đối với Dự án nhà ở sinh viên A5-A6 Pháp Vân do Tổng công ty HUD làm tổng thầu 49,6 tỷ đồng, công trình đã bàn giao chủ đầu tư đưa vào sử dụng từ năm 2015, hết thời gian bảo lãnh nhưng đến nay công trình vẫn chưa được quyết toán và khả năng thu hồi nợ khó khăn, chưa xác định được thời gian nào chủ đầu tư có nguồn vốn hoạch toán.

Đặc biệt, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng HUD 1 mới thực hiện quyết toán thuế đến hết năm 2016 và thực hiện kiểm tra số liệu tài chính năm 2017, các số liệu về nộp thuế ngân sách nhà nước từ năm 2018 đến nay chỉ mới được ghi nhận theo báo cáo tài chính của công ty và có thể được điều chỉnh. Đây cũng là rủi ro tiềm ẩn cho nhà đầu tư.

Cũng theo bản công bố thông tin, ngoài việc nhà đầu tư mua cổ phần phải chịu rủi ro liên quan đến việc thua lỗ vào công ty con và các khoản nợ khó đòi chưa được lập dự phòng, nhà đầu tư còn phải cam kết chịu rủi ro đối với dự án tại Phú Yên của doanh nghiệp.

Cụ thể, dự án Dự án Khu dân cư phía Tây đường Lê Duẩn, xã An Phú, TP. Tuy Hòa (Ký hiệu 0-8) do Liên doanh HUD8 - An Phát - HUD1 đầu tư là dự án đã bị tạm thời dừng triển khai ngay sau thời điểm HUD 1 được định giá để cổ phần. Liên quan đến dự án này, tại Quyết định số 1755/QĐ-UBND ngày 4/12/2021 UBND tỉnh Phú Yên đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho Liên doanh HUD8 - An Phát -HUD1.

Ngày 9/12/20021, UBND tỉnh Phú Yên và Liên danh đã ký biên bản làm việc thống nhất Liên danh tạm ngừng mọi hoạt động liên quan đến việc triển khai Dự án để các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành rà soát lại trình tự, thủ tục, pháp lý và có kết luận về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định và các nội dung khác có liên quan trong thời gian tối đa là 30 ngày làm việc kể từ ngày 9/12/2021. Tuy nhiên, cho tới thời điểm công bố thông tin, đã hết thời hạn 30 ngày làm việc nêu trên, UBND tỉnh Phú Yên vẫn chưa có kết luận về việc lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện Dự án.

Trong giá khởi điểm để bán đấu giá cổ phần HUD1 là 14.716 đồng/cổ phần đã bao gồm giá trị quyền phát triển Dự án Khu dân cư phía Tây đường Lê Duẩn, xã An Phú, TP. Tuy Hòa (tương ứng 276 đồng/cổ phần). Như vậy, "nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro nếu UBND tỉnh Phú Yên không chấp nhận Liên danh HUD8- An Phát HUD1 là Nhà đầu tư thực hiện Dự án và cam kết không có bất kỳ việc kiện tụng, tranh chấp liên quan đến việc thực hiện bán đấu giá và kết quả bán đấu giá lô cổ phần", cáo bạch nêu.

Trước thời điểm thoái vốn, kết quả kinh doanh và việc thực hiện đầu tư các dự án tại HUD 1 không có điểm gì đáng chú ý. Theo BCTC hợp nhất năm 2021, tính đến cuối năm 2021, mặc dù HUD1 ghi nhận 855 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 114% so với năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 3,3 tỷ đồng, gấp 3 lần kết quả của năm 2020 nhưng tổng tài sản của HUD1 đạt 688,1 tỷ đồng, giảm 26% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ phải trả chiếm đến 78,3%, tương đương 539,3 tỷ đồng.

Nợ phải trả của HUD1 liên tục tăng mạnh trong 4 năm trở lại đây. Trong giai đoạn 2017-2020 các hệ số nợ/tổng tài sản và nợ/vốn chủ sở hữu của HUD1 liên tục tăng, lên mức gần 96% và 582% vào năm 2020.

Nguyễn Đoàn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục