Hứa hẹn “hàng khủng”, vốn FDI sẽ đột phá

Sẽ có thêm nhiều dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư trong thời gian tới, hứa hẹn sự đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam.
Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội) do Tập đoàn Ciputra (Indonesia) là chủ đầu tư. Ảnh: Chí Cường Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội) do Tập đoàn Ciputra (Indonesia) là chủ đầu tư. Ảnh: Chí Cường

Thêm “hàng khủng”

Chỉ trong vòng 10 ngày qua, hàng loạt thỏa thuận hợp tác đầu tư đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Indonesia và Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Một trong số đó là thỏa thuận được ký giữa PT Intra Asia (Indonesia) và Hong Phat Coal and Resources, để xây dựng một cảng nhập than tại Việt Nam. Dự án dự kiến có vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, với công suất 15 - 20 triệu tấn than/năm, giúp cắt giảm chi phí vận chuyển than nhập khẩu từ Indonesia.

“Việc xây dựng bến cảng sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành xuất khẩu than từ Indonesia sang Việt Nam và giúp đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện”, ông Lutfi Ismail, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PT Intra nói.

Một thỏa thuận khác đã được ký giữa Tập đoàn Superblock PCL của Thái Lan và một đối tác trong nước nhằm phát triển dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Thông tin cho biết, Superblock PCL của Thái Lan, một trong những nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á, đã lên kế hoạch đầu tư tới 20 tỷ baht (602 triệu USD) mỗi năm để mở rộng sản xuất trong và ngoài nước, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng xanh ngày càng gia tăng.

8 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã lên tới 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số này, vốn đăng ký mới là 13,45 tỷ USD, tăng 37,4%; vốn tăng thêm là 6,4 tỷ USD; còn vốn góp thông qua mua cổ phần là 3,5 tỷ USD, tăng 101,3% so với cùng kỳ năm 2016. Nghĩa là, cả vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và đặc biệt là đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.    

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Theo kế hoạch, trong vòng 3 - 4 năm tới, Superblock PCL sẽ nâng công suất phát điện của mình lên khoảng 2.000 MW. Trong đó, các dự án điện gió dự kiến được phát triển tại Việt Nam sẽ có công suất khoảng 700 MW. Superblock PCL cũng không loại trừ kế hoạch đầu tư vào năng lượng mặt trời.

Trong khi đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhiều thỏa thuận lớn đã được ký kết. Đó là bản thỏa thuận pháp lý để triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị giữa Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương Việt Nam) và Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi); bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn SCG Thái Lan (SCG) về thúc đẩy Dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn và hợp tác nghiên cứu phát triển các dự án hóa dầu khác tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn có biên bản ghi nhớ giữa SCG và các đơn vị khâu sau của PVN như Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí; thỏa thuận hợp tác giữa Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC và Ngân hàng Kasikorn Thái Lan…

Trong số những dự án trên, ít nhất đã có 2 dự án tỷ USD. Đó là Nhiệt điện BOT Quảng Trị, vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD. Dự án này dự kiến được khởi công vào giữa năm 2019. Dự án thứ hai là Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, vốn đầu tư 5,4 tỷ USD. Trong dự án này, Tập đoàn SCG đóng góp tới 71% cổ phần.

Nếu các thỏa thuận trên sớm được thực hiện, sẽ có thêm “hàng khủng” cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Dấu ấn đột phá

Việt Nam đang chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI. Sẽ là một dấu ấn đẹp khi dự kiến, vốn FDI vào Việt Nam sẽ có bước đột phá trong năm nay.

Nếu như cuối năm ngoái và đầu năm nay, khi dòng vốn FDI vào Việt Nam chậm lại, không ít ý kiến cho rằng, đó là hệ lụy của nguy cơ tan vỡ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì những gì đang diễn ra trong thực tế đã và đang chứng minh điều ngược lại. Vốn FDI vẫn chảy vào Việt Nam, thậm chí ngày càng mạnh hơn.

Các chuyên gia kinh tế đã đúng khi cho rằng, không có TPP, Việt Nam còn có hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác đã ký kết. Và với nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam vẫn là điểm đến được lựa chọn.

Trong một báo cáo gần đây về vấn đề này, Hãng kiểm toán hàng đầu thế giới PwC đã khẳng định rằng, Việt Nam đang ở “điểm bùng phát” trong tiến trình phát triển, nhờ hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết và môi trường kinh doanh ngày càng tự do, thông thoáng. Đó là lý do vì sao, Việt Nam đã vượt Thái Lan, Malaysia về thu hút FDI trong thời gian gần đây.

“Trong tương lai, môi trường kinh doanh với chi phí thấp và một triển vọng kinh tế mạnh mẽ sẽ tiếp tục làm Việt Nam trở thành một địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài”, PwC dự đoán.

Thực tế, đó là điều đã được khẳng định lâu nay. Tuy nhiên, cùng với dòng vốn đăng ký đang tăng nhanh, thì điều quan trọng là, vốn giải ngân cũng phải tăng tương ứng. Mặc dù vậy, 8 tháng qua, vốn FDI giải ngân chỉ đạt 10,3 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng chưa đạt kỳ vọng của Việt Nam, trong bối cảnh Chính phủ đang hối thúc giải ngân vốn đầu tư, bao gồm cả vốn đầu tư từ ngân sách, vốn ODA và cả vốn FDI, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Như Báo Đầu tư đã thông tin, để thúc đẩy giải ngân vốn FDI, cũng như chuẩn bị cho việc tổng kết 30 năm thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chuẩn bị các đoàn công tác để rà soát các dự án FDI quy mô lớn chậm giải ngân, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, song cũng không loại trừ khả năng thu hồi các dự án quá chậm trễ để dành cơ hội cho các nhà đầu tư có tiềm lực khác.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục