Chuyển động FDI 5 tháng đầu năm: Vốn FDI tăng thêm tăng mạnh

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016, song trong khi vốn FDI tăng thêm tăng khá mạnh thì vốn đăng ký mới có dấu hiệu chững lại.     
Lắp ráp xe tại Công ty Ford Việt Nam (tỉnh Hải Dương). Ảnh: Đức Thanh Lắp ráp xe tại Công ty Ford Việt Nam (tỉnh Hải Dương). Ảnh: Đức Thanh

Dùng dằng đi - ở?

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, tính chung trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong số này, có 939 dự án cấp mới, với tổng vốn đăng ký là 5,59 tỷ USD, bằng 73,9% so với cùng kỳ năm 2016; có 437 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,74 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn có 2.061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn là 1,79 tỷ USD, tăng 116,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó, ước tính đến ngày 20/5/2017, các dự án FDI đã giải ngân được 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tốc độ tăng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã bắt đầu có xu hướng chậm dần. Một điều khá rõ là, trong khi vốn tăng thêm vẫn tăng khá mạnh so với cùng kỳ, thì vốn đăng ký mới đã chậm lại đáng kể. Sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn chính là một trong những nguyên nhân khiến vốn FDI đăng ký mới chậm lại.

Thực tế, ngay từ cuối năm ngoái, các chuyên đã kinh tế đã bắt đầu nhắc tới sự “chậm lại” của vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam và coi đó là dấu hiệu cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đang có tâm lý “dùng dằng” sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhưng có thực là như vậy? Có thể, sự giảm sút vốn FDI đăng ký mới chỉ mang tính thời điểm, bởi thông tin cho biết, có thể sắp tới, các dự án xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) ngành điện sẽ được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư và chỉ cần một dự án cũng có thể “thúc” tốc độ tăng vốn FDI đăng ký lên nhanh.

Thêm nữa, ngoại trừ vốn đăng ký mới đang giảm, thì vốn tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng mạnh. “Bất chấp biến động toàn cầu, có TPP hay không, vốn FDI vào Việt Nam sẽ vẫn tăng”, ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Sàng lọc kỹ Dự án ngay từ khâu thẩm định và cấp phép đầu tư, tăng cường kiểm tra, giám sát Dự án sau cấp phép… chính là những biện pháp sẽ được áp dụng để đảm bảo dòng vốn FDI “sạch” và hiệu quả

Một thông tin tích cực là, 11 quốc gia thành viên đã thống nhất việc đàm phán TPP, bất chấp việc Mỹ đã rút khỏi hiệp định này. Thêm nữa, chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ vào tuần tới và tới Nhật Bản vào đầu tháng 6 tới đây được coi là cơ hội to lớn để thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Mỹ và Việt Nam - Nhật Bản. Đây là hai đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam hiện nay.

Hơn nữa, theo khẳng định của ông Nguyễn Nội, ngoài TPP, Việt Nam còn rất nhiều hiệp định FTA quan trọng khác đã và đang được ký kết, như với EU, với Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc… Đó là những điều kiện quan trọng, tạo ưu thế cho Việt Nam trong cạnh tranh thu hút FDI.

“Riêng đối với Mỹ, kể cả không có TPP thì chúng ta cũng vẫn còn những nền tảng quan hệ khác, như Hiệp định Thương mại song phương (BTA) và những cam kết thông qua Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vì thế, đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng”, ông Nội nói.

Chất lượng vẫn phải được quan tâm hàng đầu

Đọc báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội một mặt đánh giá cao kết quả thu hút FDI của Việt Nam, song đồng thời cũng nhấn mạnh câu chuyện chất lượng của dòng vốn này.

“Có ý kiến cho rằng, đây là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chiến lược thu hút FDI cũng bộc lộ những bất cập, khi chúng ta không khai thác hết được lợi thế của khu vực này, việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế, nhất là đối với hình thức 100% FDI. Đồng thời, chiến lược này cũng chứa đựng những rủi ro nếu tiếp nhận các công nghệ cũ do các nước dịch chuyển lên trình độ công nghệ mới”, ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, ông Thanh đề cập chuyện doanh nghiệp trong nước không kết nối được với doanh nghiệp FDI, bởi đầu vào phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp FDI chủ yếu là nhập khẩu. Lên tiếng cảnh báo về việc kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc khá lớn vào các doanh nghiệp FDI, ông Thanh đã nhắc tới “tính tập trung cao” tại một số tập đoàn đa quốc gia lớn và do đó, chứa đựng bất ổn và không bảo đảm tính bền vững.

Thậm chí, nhắc lại sự cố môi trường của Formosa Hà Tĩnh, ông Thanh lưu ý rằng, các cơ quan chức năng, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tiêu chí bảo vệ môi trường trong lựa chọn các dự án đầu tư, kiên quyết không đánh đổi, cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường.

Thực tế, đây là điều đã luôn được khẳng định trong thời gian gần đây. Như khẳng định của ông Nguyễn Nội, trong định hướng thu hút FDI, Chính phủ Việt Nam đã nhất quán quan điểm chú ý thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại; các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến khích các dự án chuyển từ gia công sang sản xuất…

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục