Nguồn chia cổ tức là gần 1.500 tỷ đồng lợi nhuận để lại cho đến thời điểm này. Nếu được ĐHCĐ thông qua, HĐQT HSG sẽ thực hiện trong vòng 6 tháng.
Năm 2015, HSG đã có thặng dư 100 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu quỹ và HSG hiện nay không còn cổ phiếu quỹ nào.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG cho biết, kinh doanh trong những năm gần đây có nhiều thách thức, nhưng HSG trong gần 10 năm qua đã vươn lên với doanh thu gấp 10 lần, trở thành tập đoàn hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á trong lĩnh vực tôn thép. Nhân sự của HSG năm vừa qua đã tăng từ 5.000 người lên 6.000 người. HSG phát triển không chỉ nhanh mà còn bền vững và sạch.
Vấn đề đầu tiên mà cổ đông đặt câu hỏi với HSG là thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP.
Trả lời câu hỏi này, ông Minh Trí, Phó tổng giám đốc cho biết, xuất khẩu chiếm khoảng 40% cơ cấu sản phẩm của HSG. HĐQT đã nhận định xuất khẩu cực kỳ rủi ro do nhiều yếu tố không kiểm soát, nên đã đẩy mạnh tiêu thụ ở nội địa với tăng trưởng sản lượng khoảng 30%/năm song song với đẩy mạnh xuất khẩu.
Tại thị trường Mỹ đã áp thuế chống phá giá với 5 cường quốc về thép là cơ hội cho HSG. HSG đã xuất nhiều đơn hàng sang Mỹ thời điểm giao hàng vào tháng 2-3. Gần đây, Indonesia đã áp thuế chống bán phá giá với hàng tôn lạnh.
Tại Úc, chính phủ nước này đã dừng điều tra phá giá với HSG do HSG đã trả lời đầy đủ và đúng pháp lý các yêu cầu.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG nhấn mạnh, HSG lấy thị trường nội địa làm chính, còn thị trường xuất khẩu là kiếm thêm.