HSBC ra báo cáo đánh giá về tác động của TPP tới kinh tế Việt Nam

(ĐTCK) Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) vừa công bố bản báo cáo về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
HSBC: Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép

Theo HSBC, Hiệp định TPP đạt thỏa thuận vào thời điểm quan trọng khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục có dấu hiệu trì trệ. Trong khi đó, TPP là một hiệp định thương mại siêu lớn, bao trùm 40% GDP của toàn thế giới và thúc đầy mức độ tự do thương mại rất lớn. Do vậy:

Thứ nhất, đây là một hiệp định bao trùm một khu vực kinh tế lớn hàm ý về một tín hiệu tích cực. Một chính sách rộng lớn và kết nối đại diện cho một bước tiến về phía các cải cách thể chế đang rất cần thiết đối với các nền kinh tế và cho thấy tính khả thi của những ý tưởng tương tự trong bối cảnh hiện tại của kinh tế toàn cầu.

Thứ hai, khi được phê chuẩn, Hiệp định sẽ kéo dài trong một số năm, kéo theo việc tạo lập một chương trình tự do hóa trong trung tới dài hạn. Điều này sẽ góp phần hình thành kỳ vọng và dẫn tới những cải cách sâu rộng hơn về các vấn đề sẽ phát sinh hoặc tại các nền kinh tế sẽ tham gia mới.

Thứ ba, việc tích cực mở rộng thị trường thông qua cải cách chính sách thương mại theo quy mô lớn như vậy có thể thúc đẩy tăng trưởng theo một phương thức hòa hợp (bao hàm ý nghĩa về những hiệu ứng năng động).

Việc mở rộng thị trường có thể đem lại cơ hội về kinh tế dựa trên quy mô và chuyên môn hóa.

Việc tiếp cận các nguyên liệu đầu vào cạnh tranh có thể giúp các doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn, trong khi việc mở rộng thị trường sẽ đặt họ vào cuộc cạnh tranh lớn hơn. Kết quả là sự đổi mới và năng suất được cải thiện.

Thứ tư, TPP sẽ đem lại những lợi ích trực tiếp và trong thời gian ngắn đối với người tiêu dùng xét về khả năng tiếp cận các sản phẩm cạnh tranh. Các nhà sản xuất cũng sẽ thu lợi từ thuế thương mại hạ xuống. Việc thúc đẩy thương mại sẽ giúp giảm các tổn thất phát sinh từ quan liêu tại hay xuyên biên giới liên quan tới các sản phẩm thương mại.

Theo Báo cáo, TPP đã thể hiện sự đóng góp tích cực trong việc thay đổi các cuộc đối thoại kinh tế mang tầm vóc toàn cầu. Bước tiếp theo sẽ là một cuộc thảo luận công khai về các điều khoản thực tế và tiến trình phê duyệt. Có thể sẽ có những thách thức liên quan tới những điều này. Việc gia tăng mở cửa thông qua TPP sẽ bao hàm những điều chỉnh và những quan ngại có liên quan sẽ cần được giải quyết như một phần của các cuộc thảo luận.

"Tuy nhiên, ngay khi các quốc gia phê duyệt và TPP được đưa vào thực hiện, những lợi ích lâu dài của hiệp định sẽ bắt đầu tích lũy một cách liên tục (Petri et al, 2012, dự kiến những lợi ích này trị giá khoảng 300 tỷ USD tùy vào các tình huống)", Báo cáo cho biết.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, đây là một bước tiến mang ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế toàn cầu trong một thế giới đang trở nên không chỉ ngày càng kết nối mà còn phụ thuộc lẫn nhau.

Là một ngân hàng luôn ủng hộ thương mại, HSBC chào đón TPP, một hiệp định sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. TPP sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á - nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực.

“Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép. Theo nghiên cứu của Khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020. Phần còn lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này. Tôi tin tưởng vững chắc rằng TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn”, ông Hải nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục