“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lý do để giúp chúng ta lạc quan về triển vọng phát triển trung hạn của Việt Nam. Tính hiệu quả trong một số lĩnh vực cần được cải thiện, ví dụ như giá cả đang dần được tự do hoá để khuyến khích sản xuất và giảm thiểu những tổn thất ở một vài lĩnh vực như điện lực. Các dự án đầu tư công sẽ có mục tiêu rõ ràng hơn”, Báo cáo nhận xét.
Trong ngắn hạn, HSBC kỳ vọng, lĩnh vực sản xuất sẽ phát triển nhờ vào sự hỗ trợ của nhu cầu nước ngoài được cải thiện và hoạt động đầu tư ngày càng tăng. Nhu cầu nội địa cũng sẽ phục hồi khi tăng trưởng tín dụng tăng. Tuy vậy, trong khi triển vọng về mặt trung hạn đang dần tươi sáng hơn, thì tốc độ phục hồi chậm chạp sẽ níu chân tăng trưởng trong năm 2014 và 2015. Cả tăng trưởng và lạm phát đều dưới mức 6% trong năm 2014.
Lạm phát cơ bản (bao gồm tất cả các thành phần ngoại trừ thực phẩm và năng lượng) đều giảm sâu trong tháng 4 xuống 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 5,7% trong tháng 3. Ngay cả khi hoạt động trong nước phục hồi nhờ vào các biện pháp như giảm lãi suất, lạm phát toàn phần cũng chỉ tăng rất nhẹ từ nay đến hết năm. Kể cả với giả định chi phí dịch vụ xã hội và giá điện sẽ tăng thêm trong tháng 8 và tháng 9, HSBC vẫn cho rằng, lạm phát năm nay cũng sẽ dừng lại ở mức 5,6% so với năm ngoái.
Với các gói tín dụng hỗ trợ bất động sản và các ngành sản xuất ưu tiên, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay đã đạt 1% từ mức tăng trưởng âm trong quý I/2014. NHNN cũng đang xây dựng nền tảng, cơ sở pháp lý để giúp Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) có thể bán các khoản nợ xấu đã mua cho các nhà đầu tư nước ngoài.
“HSBC không kỳ vọng vấn đề nợ xấu sẽ được giải quyết ngay, điều này có nghĩa rằng, tăng trưởng tín dụng mặc dù có tăng, nhưng sẽ thấp khi nhu cầu tiêu dùng vẫn còn yếu”, Báo cáo nhấn mạnh.