HSBC điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống còn 6,6%

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Việt Nam đã chứng minh được khả năng phục hồi kinh tế của mình trong suốt thời kỳ đại dịch khi là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương, với GDP năm 2020 đạt 2,9%.

Ảnh Internet Ảnh Internet

Khối Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC vừa gửi báo cáo triển vọng kinh tế châu Á quý II/2020 nhận định, mặc dù có một làn sóng bùng dịch lần thứ ba trước Tết vào tháng 2/2021, nhưng nhìn chung tình hình đã được kiểm soát trong vòng một tháng, giúp Việt Nam bắt đầu năm 2021 một cách ổn định.

Theo HSBC, GDP quý I/2021 của Việt Nam tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn nhờ các hoạt động đối ngoại diễn ra tích cực.

Xuất khẩu trong quý I tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu đối với các mặt hàng thiết bị điện tử và máy móc tăng. Đặc biệt, xuất khẩu đã được hưởng lợi từ một chu kỳ công nghệ toàn cầu gia tăng mạnh mẽ và sự quan tâm dành cho các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài diễn ra khá ổn định.

Trong khi đó, các chỉ số thường kỳ cũng chỉ ra rằng lĩnh vực sản xuất truyền thống cũng xuất hiện những dấu hiệu phục hồi mới. Xu hướng đáng khích lệ này sẽ tiếp tục đi song song với nhu cầu toàn cầu được cải thiện.

Bất chấp khả năng phục hồi từ bên ngoài, chuyển biến của nhu cầu trong nước vẫn còn khá đình trệ do việc tái áp dụng các biện pháp ngăn cách xã hội nghiêm ngặt bị kéo dài. Trên thực tế, các chỉ số thể hiện việc di chuyển đi lại của người Việt Nam đã giảm xuống, dẫn đến tăng trưởng dịch vụ bị giảm sút.

Cùng với những lo ngại liên tục về thị trường lao động yếu kém, dữ liệu thu được nhiều khả năng chỉ ra mức tiêu thụ chậm lại. Tuy nhiên, khi làn sóng bùng phát dịch lần thứ ba đã được kiểm soát, nhu cầu trong nước có khả năng sẽ hồi sinh trong thời gian tới.

Nhìn chung, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa điều chỉnh giảm tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống còn 6,6%, cho thấy mức độ phục hồi của quý I/2021 kém hơn dự kiến.

Trong khi đó, áp lực lạm phát tiếp tục giảm nhẹ, chỉ tăng trung bình 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2021, một phần do những tác động cơ bản. Giá thực phẩm đang được điều chỉnh do giá thịt lợn đã quay trở lại mức bình thường, điều này khả năng sẽ bù đắp những tác động của giá dầu cao hơn.

Ngoài ra, HSBC cho rằng, đồng tiền ổn định sẽ làm giảm bớt lo ngại về tỷ giá hối đoái cao chuyển sang chỉ số giá tiêu dùng. Xem xét tất cả những yếu tố trên, Khối Nghiên cứu Kinh tế cũng dự đoán lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm 2021 sẽ ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với mức trần 4% do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đề ra. Một khi lạm phát không còn là một vấn đề đáng lo ngại thì NHNN có thể linh hoạt hơn để giữ nguyên chính sách tiền tệ của mình trong năm 2021.

Các vấn đề về chính sách

Trong bối cảnh chính sách tài khóa tại Việt Nam bị hạn chế, HSBC cho rằng, chính sách tiền tệ vẫn đóng vai trò chủ đạo thực hiện hầu hết các biện pháp nặng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế trong năm 2020. NHNN đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn hàng năm từ 6% xuống còn 4%.

"Do đà phát triển mạnh mẽ của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục sau những biện pháp hiệu quả của việc ngăn chặn dịch COVID-19, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ tăng 6,6%, phù hợp với mục tiêu 6,5% do Chính phủ đề ra.

Cùng với áp lực lạm phát nhẹ, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách cho đến quý II/2022 trước khi có thể đưa ra mức tăng lãi suất 25 điểm vào quý III/2022. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 4,25% vào cuối năm 2022”, chuyên gia kinh tế của HSBC nhận định.

Trong khi chính sách tài khóa của Việt Nam bị hạn chế do nợ công tăng cao, HSBC cho rằng, vẫn cần một số biện phát hỗ trợ ngắn hạn và có mục tiêu cho các lĩnh vực và cá nhân đang gặp khó khăn để gia tăng quá trình phục hồi.

Trên thực tế, Bộ Tài chính đã đề xuất một gói gia hạn thuế và tiền thuê đất với tổng trị giá 115 triệu đồng (tương đương 1,7% GDP). Điều này bao gồm gia hạn 5 tháng tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) và gia hạn 3 tháng thuế thu nhập doanh nghiệp.

"Sau khi tạm dừng một thời gian ngắn trong năm 2020, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực củng cố tài khóa trong năm 2021. Chúng tôi dự báo thâm hụt tài khóa sẽ giảm từ 5,2% GDP trong năm 2020 xuống còn 4,7% vào năm 2021, đưa nợ công xuống dưới 60% GDP", theo HSBC.

Những nguy cơ thách thức

Theo Báo cáo của HSBC, mặc dù Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi kinh tế nhanh chóng nhưng vẫn có những rủi ro đáng chú ý.

Đầu tiên và quan trọng nhất là việc triển khai tiêm chủng có nguy cơ bị kéo dài mà có thể làm chậm quá trình phục hồi dịch vụ du lịch của đất nước. Việt Nam dự kiến ​​sẽ nhận được 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số vào năm 2021.

Những bất ổn vẫn còn tồn tại, đặc biệt là sự chậm trễ trong việc cung cấp vaccine gần đây. Lô hàng vaccine đầu tiên từ sáng kiến ​​COVAX đã bị trì hoãn từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4. Tuy nhiên, cũng có những sáng kiến ​​sản xuất vaccine trong nước: vaccine Nanocovax do Việt Nam sáng chế đầu tiên dự kiến ​​sẽ có mặt trên thị trường trong quý IV/2021 và đưa vào sử dụng vào năm 2022 có khả năng sẽ đẩy nhanh việc tung ra vaccine.

Về trong nước, thị trường lao động yếu vẫn là một lực cản cho việc hồi phục tiêu dùng cá nhân. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm kể từ quý III/2020 một phần lớn thị trường lao động của Việt Nam vẫn nằm trong khu vực phi chính thức, điều này có thể không được thể hiện trong số liệu thống kê việc làm chính thức. Do đó, hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động dễ bị tổn thương vẫn là nhiệm vụ trọng tâm.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục