Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK đã chia sẻ như vậy khi nói về kỷ luật thép của nhà quản lý, buộc các CTCK phải tuân thủ.
Trong một câu chuyện khác cũng về TTCK, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM (HOSE) tâm sự, thanh khoản TTCK lên đến vài nghìn tỷ/phiên vừa là áp lực, vừa là niềm vui của Sở GDCK.
"Nhưng niềm vui nhiều hơn mỗi khi nhớ lại cảm giác vỡ òa của cả Sở GDCK TP. HCM - trước đây gọi là Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM - khi thanh khoản toàn thị trường chạm mốc 1 tỷ đồng vào những năm đầu hoạt động", bà Đào kể.
Tháng 11 năm 2014 là tháng đặc biệt với ngành dịch vụ chứng khoán, khi tháng này, có 2 CTCK chạm mốc kỷ niệm 15 năm thành lập. Ngày 26/11/1999, UBCK cấp giấy phép hoạt động số 01 cho CTCK Bảo Việt và giấy phép số 02 cho CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC).
Tiếp đó, UBCK cấp phép cho 4 CTCK nữa là CTCK Sài Gòn, CTCK Đệ Nhất, CTCK MB và CTCK ACBS. Đây là những CTCK tiên phong phát triển ngành dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam, mở đường cho hàng chục CTCK khác ra đời trong những năm sau này.
Những năm đầu tiên, thanh khoản 1 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam đã ghi kỷ lục, thì nay, thanh khoản 4.000 tỷ đồng/phiên được thực hiện an toàn, suôn sẻ là điều mà theo bà Đào, không ai hình dung được trong những ngày đầu xây dựng thị trường. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, ngoài nỗ lực của các thành viên, còn có cả kỷ luật thép của nhà quản lý, buộc TTCK đi vào nề nếp và lành mạnh.
3 văn bản trụ cột gồm Thông tư 226/2012/TT-BTC về an toàn tài chính, Quyết định 105/2013 về quy chế hướng dẫn và thiết lập hệ thống quản trị rủi ro cho CTCK và Quyết định 617/2013/QĐ-UBCK về xếp loại CTCK đã được UBCK xây dựng, buộc khối CTCK phải hoạt động minh bạch, an toàn.
Mặc dù trong lòng thị trường còn nhiều CTCK yếu kém, nhưng sự yếu kém của khối CTCK được nhận diện công khai, được cảnh báo rõ ràng theo quy chuẩn pháp lý, đã khiến nhà đầu tư vững tin hơn và khối CTCK hoạt động trong môi trường cạnh tranh công bằng hơn.
Ngoài chế tài từ UBCK, việc Trung tâm Lưu ký chứng khoán kiên quyết nêu tên các CTCK mắc lỗi về thanh khoản, dù lỗi nhỏ, cũng tạo áp lực buộc các CTCK phải cẩn trọng tối đa, "sai một ly" có thể "đi cả uy tín". Bản thân các Sở GDCK cũng kiểm soát rất chặt các CTCK, đặc biệt là hoạt động môi giới khi quy định, với CTCK tự nguyện rút tư cách thành viên Sở, sau ít nhất 2 năm mới được đăng ký lại, còn CTCK bị rút cưỡng bức tư cách thành viên Sở, sau 5 năm mới được đăng ký lại, tạo áp lực buộc CTCK phải cẩn trọng nhiều hơn.
Sau "kỷ luật thép", khối CTCK đang tạo ấn tượng đẹp khi hàng ngày, hàng nghìn tỷ đồng chảy trên TTCK một cách an toàn, suôn sẻ. Dù hiệu quả của khối CTCK chưa vượt trội (78% CTCK có lãi, phần còn lại vẫn lỗ), nhưng tính cẩn trọng để an toàn cho chính mình và cho TTCK chắc chắn đang vượt trội thị trường.