Diễn biến mới nhất là ngày 12/8, HOSE cấp phép cho CTCP Đầu tư và sản xuất Thống Nhất niêm yết và hiện đang xem xét 3 hồ sơ của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình; CTCP Dây và cáp điện Việt Nam và CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển.
Trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự khởi sắc, thị trường chứng khoán diễn biến giằng co, nỗ lực lên sàn của các doanh nghiệp là rất đáng ghi nhận, nhưng thực tế, đây chỉ là những doanh nghiệp chỉ “tầm tầm bậc trung”, khó có thể tạo ra sức hút thu hút dòng vốn đầu tư rõ nét khi niêm yết.
Triển vọng hàng mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thấy rõ khi đối tượng doanh nghiệp bị sức ép lên sàn rõ nhất là các ngân hàng đại chúng, vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận áp lực phải minh bạch và giá trị doanh nghiệp bị đong đếm hàng ngày. Triển vọng tiếp theo là các doanh nghiệpNN lớn cổ phần hóa và niêm yết cũng mờ mịt không kém, khi dường như quá trình cổ phần hóa mới chỉ mạnh ở quyết tâm người chỉ đạo. Những tên tuổi lớn được kỳ vọng sẽ sớm bán cổ phần và lên sàn như VietnamAirlines, MobiFone… chắc chắn sẽ không thể lên sàn trong năm nay.
Khi không có hàng hóa mới, dòng tiền đầu tư chủ yếu “chạy quanh” 30 mã thanh khoản nhất trên sàn. Thống kê cho thấy, 30 mã thanh khoản nhất trên 2 sàn thường xuyên có giá trị giao dịch khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng/phiên, tức là chiếm trên 80% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Tất cả các cổ phiếu niêm yết còn lại (trên 600 mã), chia nhau gần 20% giá trị giao dịch thị trường. Xu hướng tích tụ thanh khoản cộng với tâm lý đầu tư lướt sóng là chính, lại càng làm tình trạng lệch thanh khoản thêm trầm trọng.
Nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém lại được giao dịch hàng triệu cổ phiếu/phiên, trong khi nhiều doanh nghiệp có hoạt động tốt, nhưng cổ phiếu không trong vòng quay thanh khoản, lại không mấy thu hút được dòng tiền.
Hai chức năng quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tạo kênh huy động vốn và tạo thanh khoản cho chứng khoán luôn đặt ra những bài toán mới cho nhà quản lý. Khi thanh khoản quá tập trung như hiện nay, định giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ khó có thể khách quan và hợp lý. Tuy nhiên, để thay đổi hiện trạng này là một vấn đề không đơn giản.
Cả hai Sở GDCK đã từng dành nhiều nỗ lực xây dựng các chỉ số chứng khoán theo ngành, theo quy mô…, nhằm “bật sáng” các nhóm hàng hóa theo nhiều cách, để góp phần thu hút và đa dạng hóa dòng tiền đầu tư, tuy nhiên, thực tế giao dịch vẫn đã và đang lệch nghiêm trọng.
Cùng với nỗ lực của nhà quản lý, bản thân doanh nghiệp cũng cần nhiều nỗ lực để tự “bật sáng” cổ phiếu trên sàn. Bởi thực tế, chỉ khi cổ phiếu thu hút được sự quan tâm của các dòng tiền đầu tư, doanh nghiệp mới có cơ hội huy động vốn qua thị trường chứng khoán với đặc tính ưu việt là dài hạn và chi phí thấp.