The HoREA, qua 3 tháng đầu năm 2019, Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản rất lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, không được xem xét, giải quyết kịp thời.
Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung - cầu sẽ kéo theo việc tăng giá bất động sản; Làm giảm cơ hội tạo lập nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị, tác động đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Bên cạnh đó, làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản; Doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản; Môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do đã có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại (hồi tố).
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, những vướng mắc nêu trên có nguyên nhân từ hệ thống pháp luật vẫn còn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Ngoài ra, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo, dẫn đến cơ chế "xin-cho", tiêu cực. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là công tác thực thi pháp luật còn rất nhiều hạn chế, kém hiệu lực, hiệu quả.
Trong quý II/2019, HoREA sẽ đề xuất với UBND thành phố nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể, HoREA đề xuất đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước;
Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, mời gọi đầu tư vào 255 dự án trên địa bàn thành phố (HoREA phối hợp với các Sở, ngành);
Đề xuất cơ chế để doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố;
Đề xuất cơ chế để doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình chỉnh trang, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn thành phố;
Đề xuất cơ chế để doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình phát triển nhà ở xã hội;
Thiết chế công đoàn (Khu nhà ở công nhân khu công nghiệp); Nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, lao động, người nhập cư;
Đề xuất cuộc gặp với các doanh nghiệp FDI bất động sản.