Vừa qua tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, ông Yogendra Vekaria, Giám đốc điều hành Công ty Vekaria Healthcare LLP của Ấn Độ cùng với ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen của Việt Nam đã ký Bản Thỏa thuận giữ bí mật (Non-Disclosure Agreement, NDA) nhằm phục vụ chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vắc-xin Nanocovax.
Sự kiện được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Chứng kiến lễ ký kết có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, các cán bộ của Đại sứ quán cùng một số đại diện các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực y tế, vắc-xin, dược phẩm của Ấn Độ.
Việc ký thỏa thuận NDA sẽ là cơ sở để hai bên tiến tới thảo luận sâu hơn về các nội dung hợp tác cụ thể liên quan đến sản xuất, phân phối vắc-xin Nanocovax quy mô lớn khi các cơ quan chức năng cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Nanocovax là ứng viên vắc-xin Covid-19 do Công ty Nanogen của Việt Nam nghiên cứu, phát triển. Vắc-xinđang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam và bước đầu cho kết quả tích cực.
Hiện Công ty Nanogen đang phối hợp các cơ quan trong nước thúc đẩy quá trình thử nghiệm để có thể sớm tiến hành thủ tục xin cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam.
Trước đó, Nanogen đã ủy quyền cho Đại sứ Phạm Sanh Châu đại diện cho công ty đàm phán với các đối tác Ấn Độ về chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vắc-xinNanocovax.
Nói về triển vọng của việc bắt tay hợp tác giữa Nanogen và Công ty Vekaria Healthcare LLP, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, chương trình hợp tác giữa hai doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành ở Ấn Độ, Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.
"Việc sớm đưa Nanocovax vào thử nghiệm, sản xuất và phân phối trên quy mô lớn sẽ góp phần đẩy lùi đại dịch. Đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ chiến lược, hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia, và là bước triển khai cụ thể tuyên bố về tầm nhìn giữa hai Thủ tướng ký kết tháng 12/2020", Đại sư Phạm Sanh Châu nêu.
Được biết, Công ty Vekaria Healthcare LLP là công ty con của Tập đoàn Vekaria của Ấn Độ, có trụ sở tại bang Gujarat và là tập đoàn đa ngành kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.
Đối với lĩnh vực vắc-xin phòng chống Covid-19, Vekaria Healthcare LLP đã nghiên cứu, tìm hiểu nhiều vắc-xin Covid-19 tiềm năng và quyết định lựa chọn Nanocovax do Công ty Nanogen của Việt Nam nghiên cứu, phát triển để hợp tác.
Theo đánh giá của đại diện Công ty Vekaria Healthcare, vắc-xin Nanocovax được nghiên cứu, phát triển trên nền tảng công nghệ protein tái tổ hợp, các báo cáo nghiên cứu ban đầu cho thấy vắc-xin Nanocovax có nhiều triển vọng.
Liên quan tới việc sản xuất vắc-xin Nano Covax, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa cso văn bản giao Bộ trưởng Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vắc-xin Nanocovax theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính.
Trước đó, ngày 1/8, Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản của GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng chuyên môn Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, kiến nghị về việc cấp phép sử dụng vắc-xin trong tình huống khẩn cấp.
Kết quả thử nghiệm giai đoạn 1-2-3 đến nay cho thấy vắc-xin an toàn, giai đoạn 1 theo dõi với các phản ứng phản vệ từ độ 1, không ghi nhận trường hợp phản ứng. Giai đoạn 2-3 ghi nhận 1 trường hợp phản vệ độ 2. Còn lại là các phản ứng thông thường như đau tại vết tiêm, sưng vết tiêm, sốt nhẹ.
Tỉ lệ người tiêm gặp các phản ứng từ thông thường đến nặng đều thấp hơn các vắc-xin đang lưu hành. Ở giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng, nhóm nghiên cứu đã hoàn tất tiêm mũi 2 cho 1.000 người tham gia thử nghiệm giai đoạn 3a và đã lấy mẫu gửi đánh giá độc lập tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. 12.000 người tiêm giai đoạn 3b đã hoàn tất mũi 1, hiện đang tiêm mũi 2 và trước 15/8 sẽ hoàn tất mũi 2.
Riêng về chỉ số hiệu lực bảo vệ của vắc-xin, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục theo dõi. Thông thường mỗi vắc-xin cần thời gian phát triển trong 5-10 năm, nhưng đây là vắc-xin phát triển nhanh để chống dịch.
Báo cáo cũng có so sánh kháng thể bảo vệ ở người được tiêm vắc-xin Nano Covax và kháng thể ở nhóm bệnh nhân mắc Covid-19 đã khỏi bệnh. Kết quả cho thấy kháng thể sau 42 ngày tiêm mũi 1 (D42) ở người tiêm Nano Covax cao gấp 10 lần so với người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh.
Về vắc-xin Nano Covax, đã có 5 tỉnh thành có đề nghị được tham gia tiêm thử nghiệm Nano Covax, trong đó Bình Dương đề nghị số lượng tham gia tiêm nhiều nhất với khoảng 200.000 người để phòng chống dịch.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, quy định hiện hành không cho phép "dùng thử" vắc-xin, nếu tham gia thử nghiệm phải tuân thủ quy trình và đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Dự kiến trong tuần này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục họp một phiên nữa liên quan vắc-xin Nano Covax, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh và các cơ quan cũng tiếp tục họp, trước khi cho phép nhóm nghiên cứu và nhà sản xuất có báo cáo và hồ sơ đệ trình xin đăng ký trong điều kiện khẩn cấp.