Hợp sức phát triển thị trường trên nền tảng công nghệ mới

(ĐTCK) Tại Hội nghị thành viên của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cuối tuần qua, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD cho biết, năm 2020 là có nhiều đổi mới. Một trong số đó là VSD sẽ tập trung nghiên cứu để triển khai hàng loạt giao dịch mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, pre-funding… trên nền tảng hệ thống công nghệ mới của thị trường. Các giao dịch mới nhằm giảm thiểu rủi ro, đồng thời tạo điều kiện để  thị trường nâng hạng.
Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn vinh danh 10 thành viên tiêu biểu trong hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở năm 2019. Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn vinh danh 10 thành viên tiêu biểu trong hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở năm 2019.

Nhìn lại năm 2019

Báo cáo tổng kết hoạt động thành viên 2019, ông Nguyễn Công Quang - Phó tổng giám  đốc VSD cho biết, mặc dù thị trường có nhiều biến động, nhưng các thành viên về cơ bản đã tuân thủ quy định tại các quy chế hoạt động nghiệp vụ của VSD.

Trong năm 2019, VSD đã cấp mới giấy chứng nhận thành viên lưu ký cho 3 công ty chứng khoán (CTCK) và ngân hàng thương mại (NHTM), nâng tổng số thành viên lưu ký lên 95 thành viên (trong đó có 82 CTCK và 13 ngân hàng lưu ký); ngoài ra còn có 26 NHTM mở tài khoản trực tiếp để tham gia giao dịch trên thị trường trái phiếu chuyên biệt.

VSD mong muốn các thành viên phối hợp chặt chẽ để chuyển đổi dữ liệu, kiểm thử hệ thống, rà soát và nâng cấp hệ thống Core để có thể kết nối với hệ thống mới của VSD để đảm bảo hệ thống đi vào vận hành an toàn, thông suốt

- Ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD

Trên thị trường phái sinh, VSD cũng thực hiện cấp mới giấy chứng nhận thành viên bù trừ cho 4 công ty chứng khoán, nâng tổng số thành viên bù trừ (TVBT) lên 17 thành viên.

Về kết nối với VSD, đến thời điểm hiện tại có 50 thành viên lưu ký (TVLK) đã thực hiện kết nối cổng giao tiếp trực tuyến với VSD; đối với các TVLK chưa kết nối với cổng giao tiếp trực tuyến, VSD khuyến nghị kết nối với cổng giao tiếp trực tuyến mới thuộc dự án hệ thống công nghệ thông tin mới.

Lãnh đạo VSD cũng cho biết, trong năm 2019, VSD chính thức triển khai các dịch vụ để hỗ trợ thị trường bao gồm: i) dịch vụ bỏ phiếu điện tử cho các thành viên Ban đại diện quỹ/Hội đồng quản trị của tổ chức phát hành; ii) cung cấp dịch vụ cho sản phẩm chứng quyền có đảm bảo từ ngày 28/06/2019; iii) Cung cấp dịch vụ bù trừ thanh toán cho sản phẩm HÐTL TPCP kỳ hạn 5 năm, từ ngày 04/07/2019 và thực hiện thanh toán đáo hạn theo phương thức chuyển giao vật chất lần đầu tiên vào ngày 18/09/2019 một cách an toàn thuận lợi.

Năm 2020, nhiều đổi mới khi Luật mới có hiệu lực

Năm 2020, bên cạnh việc phối hợp tích cực, chặt chẽ với thành viên trong xử lý hoạt động nghiệp vụ phát sinh, lãnh đạo VSD cho biết sẽ tập trung vào một số công tác trọng tâm với đề nghị thành viên cùng phối hợp thực hiện.

Hợp sức phát triển thị trường trên nền tảng công nghệ mới ảnh 1

Trong 10 tháng đầu năm 2019, số lượng tài khoản nhà đầu tư tăng hơn 9%, đạt trên 2,3 triệu tài khoản; số dư chứng khoán lưu ký tăng gần 7%, đạt trên 89 tỷ đơn vị; giá trị giao dịch hơn 3,2 triệu tỷ đồng; có hàng ngàn đợt thực hiện quyền cổ phiếu, trái phiếu… 

Cụ thể là sửa đổi quy chế, quy trình nghiệp vụ để phù hợp với Luật Chứng khoán mới; phát triển hệ thống công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ; tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin mới đáp ứng được các yêu cầu của hệ thống nghiệp vụ mới của VSD...

Ngoài ra, trong 2020, VSD sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trên bộ chỉ số mới, hợp đồng quyền chọn; nghiên cứu triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường giao ngay; nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về; dịch vụ quản lý tài sản thế chấp tập trung và hoạt động giao dịch bảo đảm tại VSD…

Tại Hội nghị, đại diện nhiều thành viên như CTCP Chứng khoán VNDIRECT, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (Việt Nam), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam... cho rằng, VSD luôn lắng nghe ý kiến, chia sẻ vướng mắc, khó khăn với thành viên, đặc biệt luôn tích cực đổi mới theo kịp sự phát triển của thị trường.

Hợp sức phát triển thị trường trên nền tảng công nghệ mới ảnh 2

Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn trao vinh danh 5 thành viên tiêu biểu trong hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh 2019.

Các thành viên cũng góp ý, VSD nên nghiên cứu triển khai điện tử hóa chứng từ để giảm tải hóa chứng từ giấy, giảm bớt chi phí về in ấn và lưu chuyển chứng từ; mở rộng phạm vi áp dụng nghiệp vụ trên cổng kết nối trực tuyến STP trong thời gian tới; đổi mới các hoạt động nghiệp vụ như mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ vay và cho vay chứng khoán, ứng dụng e-voting cho tổ chức phát hành, nhà đầu tư; thực hiện quyền, phân bổ quyền…

Hợp sức phát triển thị trường trên nền tảng công nghệ mới ảnh 3

Đại diện 3 ngân hàng thanh toán tiền giao dịch chứng khoán nhận vinh danh tại Hội nghị thành viên của VSD.

Hợp sức phát triển thị trường trên nền tảng công nghệ mới ảnh 4

Tổng giám đốc VSD Dương Văn Thanh trao vinh danh cho 10 thành viên tiêu biểu trong hoạt động lưu ký chứng khoán năm 2019.

Chia sẻ với các thành viên, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HÐQT VSD cho biết, sau khi có Luật Chứng khoán mới, VSD sẽ có nhiều thay đổi, từ tên gọi đến chức năng, tiềm lực tài chính.

Theo đó, VSD có thể sẽ thành lập Ðối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) để không chỉ bù trừ thanh toán cho các giao dịch chứng khoán trên thị trường phái sinh mà còn cho thị trường cơ sở.

Bên cạnh đó, VSD sẽ trở thành tổ chức đăng ký giao dịch đối với chứng khoán nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính cho thị trường, đồng thời hướng tới cung cấp các dịch vụ gia tăng khi các ngân hàng cần cầm cố chứng khoán.

Cũng theo ông Sơn, trong năm 2020, VSD sẽ phối hợp với thành viên, công ty quản lý quỹ vận hành hệ thống Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện sau khi các Quỹ này được Bộ Tài chính phê duyệt.

Năm 2020 sẽ là năm VSD sẽ tập trung nghiên cứu để triển khai hàng loạt giao dịch mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, pre-funding trên nền tảng hệ thống công nghệ mới của thị trường.

Theo đó, ông Sơn cho biết, VSD sẽ phối hợp với cơ quan quản lý, các thành viên thị trường và các tổ chức có liên quan để bổ sung sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan đến các giao dịch mới nhằm giảm thiểu rủi ro cho thị trường đồng thời tạo điều kiện để nâng hạng thị trường.

Ðồng thời, VSD cũng sẽ tập trung vào đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ như phát triển Blockchain, Big data, e-passbook và xây dựng cổng giao tiếp điện tử với các tổ chức phát hành nhằm cung cấp các tiện ích và giảm thiểu thủ tục hành chính cho thành viên, tổ chức phát hành, nhà đầu tư trên thị trường.

VSD chủ trương sẽ phối hợp với các Trung tâm Lưu ký trong khu vực để mở các cuộc Hội thảo tập huấn cho các thành viên thị trường về các ứng dụng công nghệ thông tin, sản phẩm dịch vụ mới trên thế giới.

Hợp sức phát triển thị trường trên nền tảng công nghệ mới ảnh 5

Tại Hội nghị thành viên VSD, Phó Chủ tịch UBCK Phạm Văn Hoàng cho biết, sẽ có 4 nghị định và hơn 10 thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán mới.

Tại hội nghị thành viên của VSD, ông Phạm Văn Hoàng - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ghi nhận các ý kiến đóng góp của thành viên đặc biệt là những ý kiến vướng mắc về mặt pháp lý như chứng quyền, cho vay margin..., đồng thời cho biết sẽ có lộ trình để xử lý các vấn đề nay.

Hiện nay, Luật Chứng khoán mới dự kiến sẽ được ban hành trong kỳ họp quốc hội lần này. Sau khi Luật ban hành, UBCK dự kiến sẽ tập trung xây dựng 4 Nghị định và hơn 10 Thông tư hướng dẫn Luật.

Năm 2020, Phó chủ tịch UBCK đề nghị VSD và các thành viên của VSD tích cực phối hợp với UBCK để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung vào 6 điểm chính.

Thứ nhất, xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua.

Thứ hai, chủ động phối hợp trong việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường, riêng phía VSD cần sớm hoàn tất các phần việc liên quan đến hệ thống đăng ký, lưu ký và hệ thống bù trừ thanh toán, đảm bảo chuyển đổi hệ thống an toàn, không gián đoạn.

Thứ ba, tăng cường đầu tư cho hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là công tác bảo mật hệ thống, nâng cấp hệ thống công nghệ để sẵn sàng kết nối với hệ thống công nghệ thông tin mới của toàn thị trường.

Thứ tư, tiếp tục thắt chặt kỷ luật thanh toán, đảm bảo hoạt động thanh toán của toàn thị trường được an toàn, hiệu quả và bảo mật.

Thứ năm, phối hợp nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin để giảm bớt các thủ tục, giấy tờ trong hoạt động lưu ký và thứ sáu là phối hợp chặt chẽ trong hoạt động nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ sau giao dịch theo đúng lộ trình nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Hợp sức phát triển thị trường trên nền tảng công nghệ mới ảnh 6

Góp ý liên quan đến chứng quyền, ETF và hợp đồng tương lai

Ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam

Liên quan đến chứng quyền có bảo đảm, quỹ đầu tư chỉ số (ETF) và hợp đồng tương lai, chúng tôi có một số góp ý với các cơ quan quản lý, VSD và Sở giao dịch chứng khoán như sau:

Một là, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ phát hành chứng quyền, thành viên lập quỹ, nhà tạo lập thị trường. Việc rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ sẽ giúp công ty chứng khoán cung cấp được sản phẩm nhanh và kịp thời cho nhu cầu của nhà đầu tư cũng như phù hợp với tình hình thị trường.

Hai là, mở rộng danh mục cổ phiếu cơ sở cho chứng quyền. Việc mở rộng danh mục cổ phiếu cơ sở sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng quyền và làm nhà đầu tư quan tâm đến sản phẩm này.

Ba là, có giải pháp cho phép công ty chứng khoán nước ngoài mua cổ phiếu đã hết room nhằm phòng ngừa rủi ro cho hoạt động chứng quyền và tạo lập thị trường ETF, chẳng hạn chứng chỉ lưu ký chứng khoán không có quyền biểu quyết.

Tiếp theo, cần tăng số lượng vị thế tối đa nắm giữ của nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường giao dịch hợp đồng tương lai từ 10.000 hợp đồng lên 20.000 hợp đồng.

Cùng với đó là mở rộng dịch vụ vay và cho vay cổ phiếu, chứng chỉ quỹ giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư.

Nên sử dụng chứng từ điện tử trong công tác kế toán

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank

Với vai trò là ngân hàng thanh toán cho thị trường chứng khoán phái sinh, VietinBank đã thiết kế xử lý giao dịch hoàn toàn tự động, phản hồi cập nhật kết quả giao dịch tức thời cho VSD và các tổ chức thành viên, đồng thời phát triển các chương trình giám sát tình hình hoạt động của hệ thống, cảnh báo tức thời cho cán bộ kỹ thuật và nghiệp vụ khi có tình huống phát sinh.

Với hệ thống và giải pháp đa kênh của VietinBank, Ngân hàng mở rộng hợp tác với các công ty chứng khoán, cung ứng các dịch vụ tiện ích cho nhà đầu tư như xây dựng giải pháp nộp/rút tiền chứng khoán bằng phương thức điện tử, cho phép các công ty cập nhật thông tin nộp tiền chứng khoán và ghi nhận tăng tiền tức thời trên tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư.

Đồng thời, căn cứ yêu cầu chi hộ của công ty chứng khoán, VietinBank sẽ tự động thực hiện chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của nhà đầu tư tại VietinBank hoặc tại ngân hàng khác.

Giải pháp này đã được triển khai với 5 công ty: SSI, VNDIRECT, CTS, BVSC và AIS. VietinBank đang tiếp tục kiểm thử hệ thống với 2 công ty chứng khoán.

VietinBank mong muốn VSD nghiên cứu phương án triển khai sử dụng chứng từ điện tử trong công tác kế toán căn cứ trên các mẫu điện đã được truyền nhận qua hệ thống kết nối thanh toán để giảm bớt việc in ấn và lưu chuyển chứng từ thủ công.

Bên cạnh đó, các công ty thành viên cần đẩy mạnh hợp tác với VietinBank để gia tăng tiện ích cho nhà đầu tư.

Cần Tăng tỷ lệ trực tuyến hóa

Bà Lê Phương Hạnh, Giám đốc điều hành vận hành CTCK VNDIRECT

Với mục đích tăng thêm tỷ lệ trực tuyến hóa và giảm bớt công việc hành chính trong các giao dịch với VSD, chúng tôi muốn đóng góp 2 ý kiến.

Thứ nhất liên quan tới các hồ sơ, chứng từ giấy trong giao dịch hàng ngày. VNDIRECT đang phục vụ gần 400.000 khách hàng cá nhân, mỗi tháng trung bình có khoảng 5.000 tài khoản mở mới và hàng nghìn giao dịch lưu ký, nên việc xử lý các nhóm hồ sơ, chứng từ thực sự là một khối lượng công việc không nhỏ đối với đội ngũ vận hành.

Mặt khác, các doanh nghiệp nói chung và VNDIRECT nói riêng đều đang chuyển dịch để tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, vì vậy những thay đổi nhỏ trong hồ sơ, chứng từ cũng có ý nghĩa rất lớn với khách hàng và góp phần đưa chứng khoán tiếp cận được với đông đảo người dân hơn nữa.

Hiện tại đã có nhiều nghiệp vụ được kết nối trực tuyến, nhưng vẫn cần hoàn thiện hồ sơ giấy để chuyển lên VSD. Vì vậy, chúng tôi đề xuất xem xét giảm bớt số lượng hồ sơ giấy.

Thứ hai liên quan đến kế hoạch triển khai hệ thống core giao dịch mới.  Về bộ điện mẫu, Công ty mong VSD sớm cung cấp tiếp bộ điện mẫu đầy đủ và các file CSV để có thể thực hiện kiểm thử hệ thống được thuận tiện.

Để Các nghiệp vụ giữa thành viên lưu ký và VSD thuận tiện hơn

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Về sự phối hợp nghiệp vụ giữa thành viên lưu ký và VSD, chúng tôi đề xuất một số vấn đề sau.

Thứ nhất là về mã BICODE. VSD mới hướng dẫn cách tạo mã BICODE, nhưng chưa cung cấp danh sách mã BICODE, nên thành viên gặp vướng mắc khi nhập mã này.

Trường hợp công ty chứng khoán đổi tên thì sẽ không biết tạo mã BICODE như thế nào.

Thứ hai là vấn đề đối chiếu thanh toán điện tử đối với nghiệp vụ chứng quyền. Quy chế hiện hành có nêu về mẫu biểu và mốc thời gian để gửi báo cáo và đối chiếu giữa VSD - thành viên lưu ký qua cổng giao tiếp điện tử, thực tế triển khai có mặt hạn chế là mất thời gian thao tác, không đối soát chi tiết từng nhà đầu tư.

Do đó, SHS đề xuất, thành viên lưu ký được thực hiện qua cổng kết nối trực tuyến (STP), đảm bảo việc đối soát chi tiết từng nhà đầu tư chính xác và nhanh hơn.

Thứ ba là vấn đề quyền cổ tức bằng tiền. Chúng tôi mong VSD cung cấp danh sách điều chỉnh thông tin phân bổ nhận quyền qua cổng giao tiếp điện tử để thành viên chủ động lấy dữ liệu.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục