Thủy sản - Điểm sáng ngành nông nghiệp 2017
Chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ là một trong những điểm nổi bật, góp phần đưa nông nghiệp từ một ngành thường xuyên đối mặt với những rủi ro của thiên tai, bão lũ vươn lên phát triển. Năm nay, thay vì làm nông nghiệp đơn thuần, người Việt dồn trọng tâm vào những lĩnh vực mũi nhọn, đem lại lợi nhuận cao.
Diện tích đất nông nghiệp chuyển sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm, cây ngắn ngày tăng đột biến. 9 tháng đầu năm 2017, tại Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích đất trồng lúa chuyển sang nuôi trồng thủy sản đạt 8.100 ha, còn tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc Trung Bộ, con số này là 1.700 ha. Như vậy, tính chung cả 3 khu vực, quỹ đất nuôi trồng thủy sản có thêm gần 10.000 ha.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đà tăng trưởng ngoạn mục của quý III có sự đóng góp lớn của ngành thủy sản. Đây là điểm sáng trong khu vực nông nghiệp, mà giá trị đem lại là nhờ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ trông lúa sang nuôi trồng thủy sản.
Ngành nông nghiệp đang và sẽ chuyển mạnh hơn sang hướng hàng hóa tập trung, đưa các tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao. Bất cứ khu nào có điều kiện ứng dụng đều có thể thực hiện nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở đưa hàm lượng khoa học, tổ chức quy mô hàng hóa và được thực hiện trên tinh thần khuyến khích, tạo mọi điều kiện, không có rào cản nào
- Ông Nguyễn Xuân Cường,Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
“Giá trị từ 1 ha trồng lúa có thể tăng gấp 4-5 lần khi chuyển sang nuôi trồng thủy sản”, ông Lâm nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, trái với những dự báo về một năm nhiều khó khăn và biến động do các chính sách áp thuế chống bán phá giá hay sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp cùng khu vực, thủy sản Việt đã có những bước đi đầy nỗ lực và tăng trưởng đột biến trong 9 tháng đầu năm nay, trở thành lĩnh vực mũi nhọn, đưa toàn ngành đi lên.
Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản 9 tháng 2017 ước đạt 5,12 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2016, trong đó cá đạt 3,7 triệu tấn, tăng 4,1%; tôm đạt 603.000 tấn, tăng 8%. Nhờ đó, lĩnh vực thủy sản tăng trưởng 5,42%, cao nhất ngành và đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành.
Cùng với đó, nông nghiệp Việt cũng chuyển hướng sang trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Theo đó, diện tích đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm cũng gia tăng mạnh. Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc Trung Bộ, diện tích trồng lúa chuyển sang trồng cây hàng năm là 2.800 ha, cây lâu năm là 1.500 ha. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích chuyển sang trồng cây lâu năm là 7.900 ha, trồng cây hàng năm là 540 ha.
Với kết quả tích cực của 3 quý đầu năm, các chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp nhiều khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra cho cả năm là 3,05%. Trong đó, các mặt hàng nông sản chủ lực đều tăng về khối lượng và giá trị, riêng xuất khẩu nông sản 9 tháng đạt 27 tỷ USD trên kế hoạch cả năm là 34 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2016.
Để nông nghiệp Việt “cất cánh” bền vững
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển từ một nước nhập khẩu lương thực thành một nước xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản, với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 lên tới hơn 30 tỷ USD, trong đó có 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng kết quả này là một động lực để ngành nông nghiệp Việt Nam bước tiếp theo con đường đổi mới, đưa công nghệ cao đến mọi vùng.
Một lần đến thăm Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam, người viết rất ấn tượng với các sản phẩm rau, củ, quả mà trung tâm này trồng bằng nguồn giống tốt, kỹ thuật tiên tiến, quy trình chăm sóc chuẩn mực. Phần lớn sản phẩm sẽ được xuất khẩu và phân phối tại các siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài.
Làm thế nào để ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là trăn trở của nhiều địa phương, doanh nghiệp. Câu chuyện của tỉnh Lâm Đồng, địa phương luôn có những sáng tạo trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp là một ví dụ điển hình.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, dựa trên cơ sở điều kiện sinh thái nông nghiệp, Tỉnh phối hợp với các tổ chức thực hiện dự án theo hình thức hợp tác công - tư, với mục tiêu trở thành trung tâm nông nghiệp có giá trị cao của Đông Nam Á và là thương hiệu nông nghiệp số 1 Việt Nam.
Để hiện thực hóa dự án, Lâm Đồng đã thành lập và đưa vào sử dụng trung tâm nông nghiệp quy mô và hiện đại từ tháng 8/2016. Hiện nay. Lâm Đồng được đánh giá là tỉnh có nhiều thành tựu nổi bật trong nông nghiệp, đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành một sản phẩm thu hút du lịch.
“Chúng tôi áp dụng mô hình ‘4K (như lời ông Phạm S - PV)’ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đó là khuyến khích các thành phần kinh tế, khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, kết nối nông sản và tiết kiệm tài nguyên, lao động, qua đó tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân”, ông Phạm S chia sẻ.
Tại Nam Định, khi VinEco của Tập đoàn Vingroup triển khai dự án Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 120 ha tại xã Xuân Hồng và Xuân Châu (huyện Xuân Trường) đã nhận được nhiều sự kỳ vọng của người dân. Bên cạnh kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, người dân địa phương và các chuyên gia của VinEco cùng tham gia vào hoạt động sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp.
Vingroup là một trong những doanh nghiệp hiện đang đầu tư mạnh vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với các dự án ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hương An (Thừa Thiên Huế), Củ Chi (TP.HCM), Long Thành (Đồng Nai), Quảng Ninh… Sự xuất hiện của các tên tuổi như Vingroup, PAN Group, Hòa Phát, Lộc Trời, Hoàng Anh Gia Lai… đang góp phần đem lại diện mạo mới cho nông nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch PAN Group nhận định, điều là “mỏ vàng” của nông nghiệp Việt Nam và được đánh giá có chất lượng tốt nhất thế giới. Hiện nay, Việt Nam có hơn 300.000 ha đất trồng điều, chủ yếu tập trung ở Bình Phước. Mục tiêu doanh số xuất khẩu năm 2017 đạt 3,3 tỷ USD và sẽ tăng lên trong những năm tới.
“Sản lượng điều xuất khẩu của Việt Nam hiện chiếm 50% toàn cầu, nhưng chỉ chủ động được hơn 30% nguyên liệu, còn lại phải nhập khẩu. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, giải quyết”, ông Hưng chỉ rõ.
Tại một hội thảo về phát triển ngành điều diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng, để tương lai ngành điều sáng hơn, bên cạnh nguồn tài chính, kỹ thuật nuôi trồng, nhân lực và đất đai sẵn có, Việt Nam cần làm chủ thị trường tiêu thụ song song với tham gia thị trường hàng hoá thế giới.
“Để phát triển ngành điều nói riêng, nông nghiệp Việt Nam nói chung theo hướng bền vững, có thể cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp của các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cần phải chủ động được nguồn nguyên liệu bằng cách chuyển sang hình thức tái canh, đồng thời có những giải pháp đồng bộ, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất...”, một chuyên gia kiến nghị.
Chia sẻ góc nhìn thực tế qua những lần tiếp xúc với doanh nghiệp, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư U&I cho biết, để nông nghiệp Việt phát triển mạnh mẽ hơn, các doanh nghiệp Việt nên làm việc trực tiếp với các tập đoàn kinh doanh nông sản thế giới, bảo đảm 100% sản phẩm nông nghiệp được làm từ công nghệ cao, giá thành cạnh tranh, tránh bán phá giá...
“Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các ưu đãi về đầu tư nông nghiệp. Các doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ, các cơ quan, ban ngành triển khai mạnh mẽ hơn những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giảm tối đa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh... để doanh nghiệp có thể tự tin hội nhập và phát triển”, ông Tín nói.
Ngoài các vấn đề nêu trên, những bất cập khác mà nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là vướng mắc về vốn và hạn điền. Do đó, để ngành này duy trì vững đà tăng trưởng, theo các chuyên gia, những giải pháp như đẩy mạnh giải ngân tín dụng nông nghiệp, xóa bỏ hạn điền… cần phải được thực thi rốt ráo hơn nữa trong thời gian tới.
“Cùng với đó, muốn nông nghiệp Việt chuyên nghiệp hơn, Nhà nước nên ban hành chương trình hành động quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông nghiệp trên cơ sở hợp tác công tư chặt chẽ, nâng cao năng lực chính phục thị trường, xây dựng vùng canh tác chế biến kiểu mẫu từ cách thức sản xuất, phấn phối, đến xây dựng thương hiệu thế mạnh cho mặt hàng…”, một chuyên gia khuyến nghị.
Trước đó, tại Diễn đàn Cách mạng công nghệ 4.0, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh rằng, cần tiếp tục nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Theo Thủ tướng, với chủ trương dành hơn 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, ngành nông nghiệp Việt sẽ khai thác được thế mạnh vốn có, việc cần làm trong thời gian tới là giải ngân gói hỗ trợ này một cách tích cực và hiệu quả.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ những điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan thành lập Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Kỳ 4: Công nghiệp và xuất khẩu, 2 mũi “giáp công” tiến đích