Hợp sức đưa con tàu kinh tế về đích tăng trưởng (Kỳ 2): Du lịch Việt Nam tự tin về đích năm 2017

(ĐTCK) Chính sách miễn thị thực thêm cho một số nước và thí điểm cấp visa điện tử cho công dân của 40 quốc gia đã tạo ra cú hích lớn cho du lịch Việt bứt phá. Với các tiềm năng được đánh thức, ngành du lịch đang tạo ra những giá trị đáng kể, góp sức đưa con tàu kinh tế Việt Nam về đích tăng trưởng.
Trong 9 tháng năm 2017, Việt Nam đã đón gần 9,4 triệu lượt khách quốc tế Trong 9 tháng năm 2017, Việt Nam đã đón gần 9,4 triệu lượt khách quốc tế

Động lực từ chính sách

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, anh Trần Việt Dũng, hướng dẫn viên tour inbound (khách nước ngoài tới Việt Nam) cho biết, anh đang chuẩn bị đón đoàn khách quốc tế thứ 10 tính từ đầu tháng 8 tới nay. Chưa khi nào vào khoảng thời gian được xem là mùa thấp điểm của ngành du lịch mà công việc bận rộn tới vậy, bởi nhiều lượt khách vẫn nườm nượp tới Việt Nam.

"Công việc của chúng tôi ngày càng sôi động hơn. Khách du lịch từ mọi nơi tới Việt Nam để tìm đến những thắng cảnh đẹp, họ không ngại đi xa vào Nam ra Bắc", anh Dũng cho biết.

Những chia sẻ này đã bổ sung thêm phần nào vào bức tranh lạc quan chung của ngành du lịch Việt Nam một vài năm trở lại đây. Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên toàn cầu, nhiều danh thắng được bình chọn là điểm đến yêu thích của du khách quốc tế, được các tờ tạp chí quốc tế lớn đánh giá cao. Theo đó, Sự chuyển mình mạnh mẽ, thay đổi qua từng giai đoạn và hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng ở mức cao là những điểm sáng tích cực của lĩnh vực dịch vụ quan trọng này.

Việt Nam sở sữu tiềm năng du lịch biển lớn khi đứng thứ 27/156 quốc gia có biển trên thế giới, đường bờ biển dài hơn 3.260km và hơn 3.000 hòn đảo, 125 bãi biển, trong đó có nhiều bãi biển đẹp hàng đầu thế giới. 

Để có những bước chuyển mình như vậy, động lực chính đến từ chính sách. Đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2017/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Việc triển khai thí điểm áp dụng cấp visa điện tử từ ngày 1/1/2017 cho công dân 40 nước được các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp lữ hành đánh giá là một bước tiến mới về cải cách thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách visa, kích cầu thu hút khách quốc tế.

Riêng trong 9 tháng năm 2017, Việt Nam đã đón gần 9,4 triệu lượt khách quốc tế (tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Với đà tăng trưởng này, nhiều khả năng ngành du lịch sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao năm 2017 so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ du khách quốc tế tăng, trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2016, 2017, lượng khách du lịch nội địa cũng tăng đột biến. Nếu trước đây, các gia đình Việt thường chỉ đi nghỉ một lần trong năm (chủ yếu vào mùa hè), thì hiện tại, họ có nhiều chuyến đi hơn, nhờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng, dịch vụ, giao thông.

Hợp sức đưa con tàu kinh tế về đích tăng trưởng (Kỳ 2): Du lịch Việt Nam tự tin về đích năm 2017 ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam từng chia sẻ, chính sách cấp visa điện tử là khởi đầu cho những đột phá để ngành du lịch tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đưa ra những quan điểm, tư tưởng đổi mới, là cơ sở quan trọng giúp xã hội nhìn nhận đúng đắn hơn về ngành du lịch, mở đường cho du lịch phát triển lâu dài.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Công ty Du lịch và Tiếp thị GTVT (Vietravel) nhận định, ngành du lịch đang phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều nỗ lực được thực hiện nhằm thúc đẩy ngành, từ việc gia hạn thêm việc miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu nên lượt khách từ các quốc gia này tăng so với cùng kỳ (tăng trưởng trên 20%), đến việc hướng tới miễn thị thực song phương thêm một số quốc gia và khu vực, miễn thị thực cho thành viên tổ máy bay hãng hàng không nước ngoài…

Chưa kể, trong thời gian qua, Việt Nam đã thu hút được nguồn vốn FDI tăng trưởng mạnh vào các dự án du lịch, nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển và khách sạn 5 sao đã được các tập đoàn lớn nước ngoài mạnh tay đầu tư. Tại mỗi địa phương, nhận thức được du lịch là ngành kinh tế tăng trưởng nhanh nên công tác đầu tư đã được cấp chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, hướng đến các hoạt động liên kết, gia tăng giá trị. Nhiều hội thảo phát triển du lịch đã được triển khai sâu rộng để bàn luận về việc đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đáng chú ý, hình ảnh du lịch của Việt Nam trở nên thân thiện hơn khi công tác quản lý và thanh tra địa phương được tăng cường để bảo vệ khách du lịch quốc tế trước tình trạng chèo kéo, cướp giật.

Đích đến 13 triệu lượt khách quốc tế

Ngành du lịch đang có những bước đi mạnh mẽ, đóng góp vào tăng trưởng nền kinh tế nói chung. Nếu năm 2016, ngành này đóng góp trực tiếp 6,6% vào GDP, thì năm 2017, với những khởi sắc ấn tượng, con số trên có thể đạt 7,5% GDP và năm 2020 chạm mốc hơn 10% GDP.

Năm 2017, ngành du lịch xác định sẽ lập kỷ lục khi đón 13 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt được 25 tỷ USD. Ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng giám đốc Công ty Du lịch APT Travel cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này, bởi kể từ tháng 10, du lịch bắt đầu bước vào mùa cao điểm, thu hút lượng lớn du khách quốc tế, mức tăng trưởng của ngành trong giai đoạn này có thể lên đến 200% thậm chí 400%.

Tuy nhiên, để du lịch Việt tiếp tục tăng trưởng mạnh, thu hút nhiều du khách nước ngoài hơn nữa, lãnh đạo APT Travel kiến nghị cần đẩy mạnh tiếp thị sang các thị trường mới như Bắc Âu, châu Mỹ La Tinh. Đối với du lịch, nếu không liên tục có các hoạt động quảng bá thì sẽ đi vào trạng thái bị bão hòa, khiến hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Cùng quan điểm, bà Phạm Bích Ngọc, Công ty TNHH Vietrantour  cho rằng, để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn cần tiếp tục mở rộng việc miễn thị thực, bởi đây là giải pháp quan trọng. Trong đó, nên miễn thị thực có thời hạn dài từ 3 - 5 năm cho khách du lịch ở thị trường trọng điểm, có nhu cầu chi trả cao như châu Âu, Mỹ, Úc, New Zealand, Canada..., miễn thị thực cho khách quá cảnh trong vòng 48 hoặc 72 giờ. Bên cạnh đó, bà Ngọc nhấn mạnh, cần có những chương trình quảng bá thương hiệu và phân bổ chính sách hợp lý, hiệu quả.

Thực tế, chính sách visa có liên quan mật thiết đến thu hút khách quốc tế. Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), việc miễn visa tại các nước ASEAN làm tăng số khách du lịch lên thêm từ 3% - 5,1%, tăng số việc làm trực tiếp thêm từ 1,6% - 3,1%.

Hợp sức đưa con tàu kinh tế về đích tăng trưởng (Kỳ 2): Du lịch Việt Nam tự tin về đích năm 2017 ảnh 2

“Việt Nam hiện miễn thị thực cho 23 quốc gia, nhưng phần lớn miễn 15 ngày, trong khi thời gian lưu trú của khách thường hơn 15 ngày nên cần gia hạn thêm, có thể lên tới 30 ngày. Bên cạnh đó, nên tập trung miễn thị thực cho 7 thị trường chính, 14 quốc gia được quy hoạch và điều chỉnh hợp lý về chính sách thị thực”, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch kiến nghị.

Tăng trưởng dài hạn: Mạnh tay kích cầu, quảng bá

Mục tiêu 13 triệu khách du lịch quốc tế năm 2017 có thể đạt được, nhưng trong dài hạn, để du lịch thực sự trở thành nền kinh tế mũi nhọn, phải có sự đầu tư, quy hoạch đồng bộ. “Chúng ta đang thiếu “nhạc trưởng” cho ngành du lịch để chỉ huy việc xây dựng chiến lược chung và liên kết các cơ quan ban ngành thực hiện theo kế hoạch tổng thể”, lãnh đạo Vietravel nhận định.

Báo cáo gần đây nhất của tổ chức Bloom Counsulting về xếp hạng thương hiệu quốc gia 2017 trong ngành du lịch và thương mại (Country brand ranking) đánh giá, Việt Nam xếp hạng thứ 47 so với thế giới (tăng 10 bậc) và xếp hạng thứ 15 châu Á (tăng 2 bậc) so với năm 2015 và thuộc vào nhóm có sự vượt hạng ấn tượng.

Tuy nhiên, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam lại “đuối” so với nhiều quốc gia khác. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, để cải thiện chỉ số cạnh tranh, cần xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia bài bản, quảng bá tập trung, có trọng điểm, đồng thời kết nối các quỹ xúc tiến du lịch trung ương và địa phương. Cùng với đó, xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá điểm du lịch xanh - sạch - đẹp. Các địa phương nên quan tâm đầu tư sản phẩm dịch vụ du lịch từ 6h chiều đến 2h đêm, vốn đang rất thiếu, thậm chí chưa có.

Hợp sức đưa con tàu kinh tế về đích tăng trưởng (Kỳ 2): Du lịch Việt Nam tự tin về đích năm 2017 ảnh 3

Một bất cập của du lịch Việt là sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm chưa được đầu tư bài bản, thiếu đột phá, sáng tạo. Trong khi chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, lại có thêm các vấn nạn về "chặt chém" du khách, ô nhiễm môi trường… Các rào cản này cần được tháo gỡ để góp phần giữ chân và thu hút du khách quay trở lại.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Chúng ta có thể tiến nhanh, vững chắc hơn nữa nếu những điểm nghẽn được khơi thông. Cần có chính sách kêu gọi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ hạ tầng hiệu quả”.

Một giải pháp quan trọng khác là đầu tư quảng bá hình ảnh về đất nước Việt Nam, với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo tới khách du lịch quốc tế. Đây chính là cây cầu nối ngắn nhất thu hút thêm khách nước ngoài tới Việt Nam.

Hiện Việt Nam đã chú trọng các hoạt động quảng bá nhằm đưa hình ảnh đất nước đến gần hơn với du khách trên toàn cầu thông qua các sự kiện mang tầm quốc tế như Đại hội Thể thao bãi biển châu Á, liên hoan ẩm thực quốc tế, giải quần vợt Vietnam Open 2016, WSC, sắp đến là sự kiện APEC 2017. Việc các đoàn phim nước ngoài tới Việt Nam làm phim như “Kong Skull Island” cũng góp phần tích cực, hiệu quả đưa hình ảnh đẹp của Việt Nam ra thế giới, gây được sự chú ý của truyền thông quốc tế. Những hoạt động như vậy cần được duy trì thường xuyên hơn, để vẻ đẹp tiềm ẩn của du lịch Việt được tỏa sáng.

Kỳ 3: Công nghệ cao đưa nông nghiệp Việt "cất cánh".

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục