Kể từ khi để lọt mất thương vụ IPO "khủng" của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba vào tay Sàn GDCK New York (NYSE) vào năm 2014, Sàn GDCK và lưu ký Hồng Kông (HKEx) phải trải qua quãng thời gian hoạt động đi xuống vì mất dần động lực từ các cuộc IPO.
Tuy nhiên, 2018 có thể là năm đánh dấu sự khởi sắc của HKEx nhờ việc “cởi mở” hơn trong các quy định, trong khi chính quyền Đại lục thắt chặt hơn nữa hoạt động niêm yết tại thị trường chứng khoán.
Chấp thuận cổ phiếu 2 tầng
Theo quy định hiện tại, HKEx chỉ chấp nhận loại cổ phiếu thông thường (1 cổ phiếu = 1 quyền bỏ phiếu). Tuy nhiên, vào tháng 12/2017, Charles Li, Giám đốc HKEx cho biết, sàn giao dịch này sẽ tiến hành cải tổ, trong đó chấp thuận các công ty với cổ phiếu 2 tầng (dual-class) được niêm yết tại đây. Dạng thức thường gặp nhất của cổ phiếu 2 tầng là phân hạng A và B.
Trong đó, hạng A là cổ phiếu tương đương 1 quyền bỏ phiếu, hạng B là cổ phiếu với quyền bỏ phiếu lớn hơn. Cổ phiếu hạng A dành cho các cổ đông thông thường, trong khi hạng B dành cho các cá nhân như người sáng lập, giám đốc và quản lý doanh nghiệp.
Cuộc tranh luận về việc có nên cho phép cổ phiếu 2 tầng được niêm yết đã diễn ra trong thời gian dài tại HKEx, bởi việc phân hạng cổ phiếu có thể giúp những nhân vật lãnh đạo duy trì sự kiểm soát ngay cả khi doanh nghiệp đã trở thành công ty đại chúng niêm yết.
Tuy nhiên, hiện tại, nhiều doanh nghiệp tiến hành niêm yết ngay cả khi chưa có ghi nhận lợi nhuận. Đây thường là các công ty khởi nghiệp với chiến lược dài hạn, chấp nhận hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn. Với trường hợp này, việc lãnh đạo doanh nghiệp nắm các cổ phiếu có quyền biểu quyết lớn hơn là cần thiết. Theo đó, việc HKEx chấp thuận cổ phiếu 2 tầng là phù hợp, nâng cao sức cạnh tranh với các sàn GDCK khác, thu hút nhiều hơn các đối tượng mới lên sàn.
Tucker Highfied, Giám đốc - người đứng đầu bộ phận Thị trường chứng khoán châu Á của Credit Suisse nhận định, việc nới lỏng các quy định, trong đó có chấp thuận cổ phiếu 2 tầng, sẽ giúp HKEx nâng cao chất lượng của hàng hóa trên sàn này, gia tăng giá trị thị trường và khối lượng giao dịch.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến sự phục hồi của Hồng Kông trong năm 2018”, Tucker Highfied nói.
Nhiều thương vụ hứa hẹn
Hiện tại, đã có gần 160 công ty nộp hồ sơ IPO tại HKEx và ít nhất 5 trong số đó là các thương vụ với giá trị rất lớn. Cụ thể, Xiaomi, nhà sản xuất smartphone Trung Quốc, đang chuẩn bị tiến hành việc niêm yết với giá trị kỳ vọng đạt ít nhất 50 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ IPO lớn nhất thế giới thuộc lĩnh vực công nghệ, gấp đôi quy mô của Alibaba.
Bên cạnh đó, một số cái tên đáng chú ý khác là Didi Chuxing, doanh nghiệp chia sẻ xe đang trở thành đối thủ hàng đầu của Uber; trang tin tổng hợp
Toutiao, Meituan Dianping - dịch vụ đặt chỗ từ nhà hàng cho tới bệnh viện, trang video iQiyi của Baidu, Tencent Music...
Bối cảnh thị trường tích cực
Thị trường chứng khoán Hồng Kông nhận trợ lực từ cả nhu cầu của Đại lục và toàn cầu. Trong đó, việc thiết lập mối liên kết với sàn chứng khoán Thẩm Quyến và Thượng Hải đã giúp thu hút thêm một lượng lớn nhà đầu tư tới từ Đại lục đến với thị trường chứng khoán Hồng Kông. Chưa dừng lại ở đây, ông Charles Li đã thông báo kế hoạch thúc đẩy chương trình mới mang tên “Primary Connect”, nhằm giúp nhà đầu tư Đại lục dễ dàng mua cổ phiếu từ các thương vụ IPO tại Hồng Kông hơn nữa.
Trong khi đó, các nhà đầu tư toàn cầu vẫn đang để mắt tới các tài sản đầu tư tại Trung Quốc. Bên ngoài New York, Hồng Kông chính là điểm đến đầu tiên mà giới đầu tư thế giới lựa chọn để thâm nhập vào thị trường châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng.
“Chúng tôi cho rằng, sẽ ngày càng nhiều nhà đầu tư tới từ các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu tiếp cận thị trường Hồng Kông, gia tăng hoạt động đầu tư tại đây. Điều này kết hợp với nhu cầu đầu tư gia tăng tại Trung Quốc sẽ giúp thị trường Hồng Kông khởi sắc hơn trong năm 2018”, Tucker Highfield nhận định.