Động thái theo kế hoạch này được cho là có thể bắt đầu ngay sau tháng 9. Theo đó, thị trường chứng khoán Hồng Kông với quy mô 4.200 tỷ USD (32.800 tỷ đô la Hồng Kông) sẽ không còn ngừng giao dịch trong trường hợp bão và mưa lớn.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông thường tạm dừng giao dịch khi có tín hiệu bão hoặc khi “cảnh báo mưa bão đen” được ban hành.
Theo đài quan sát Hồng Kông, có 11 cơn bão nhiệt đới đạt cường độ bão cuồng phong trở lên vào năm 2023 - thấp hơn mức trung bình trong 60 năm là khoảng 15 cơn bão từ năm 1961 đến năm 2020.
Theo Bloomberg, Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông dự kiến sẽ công bố khuôn khổ được đề xuất trong vài tuần tới, tuy nhiên kế hoạch vẫn đang được hoàn thiện và có thể có những thay đổi vào phút chót.
Trao đổi với Bloomberg, người phát ngôn của Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông cho biết rằng, đề xuất này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao dịch được tiếp tục và “củng cố vị thế của Hồng Kông như một cửa ngõ hai chiều giữa thị trường quốc tế và đại lục, đồng thời củng cố khả năng cạnh tranh của chúng tôi với tư cách là một trung tâm tài chính quốc tế… Mục tiêu của chúng tôi vẫn là công bố chi tiết triển khai có liên quan cũng như thời gian biểu vào giữa năm nay”.
Báo cáo cho biết, các quan chức hàng đầu của chính quyền Hồng Kông đã nỗ lực hết sức để thực hiện kế hoạch này càng sớm càng tốt và thời gian chuẩn bị kéo dài 3 tháng được xem là khả thi.
Tuy nhiên, trong thời gian chuẩn bị kéo dài 3 tháng đồng nghĩa với việc kế hoạch có thể được triển khai vào giữa mùa bão.
Hiện tại, Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông sẽ hủy phiên giao dịch buổi sáng nếu điều kiện thời tiết khắc nghiệt kéo dài quá 9 giờ sáng theo giờ Hồng Kông và trước 11 giờ sáng. Giao dịch cả ngày sẽ bị hủy nếu điều kiện thời tiết khắc nghiệt kéo dài quá 12 giờ trưa.
Theo cơ sở dữ liệu khí hậu World Info, mùa bão ở Thái Bình Dương thường bắt đầu với những cơn bão ít nghiêm trọng hơn vào tháng 4 và kéo dài cho đến tháng 11, với những cơn bão dữ dội nhất thường xảy ra vào tháng 8 và tháng 9.