Hồng Kông biến sân bay thành bất động sản hạng sang hàng tỷ USD

(ĐTCK) Sân bay Kai Tak - sân bay cũ mang tính biểu tượng của Hồng Kông (Trung Quốc) đang trở thành khu vực nóng nhất trên thị trường bất động sản tại thành phố này khi các bất động sản hạng sang trị giá hàng tỷ USD dần hình thành.
Hồng Kông biến sân bay thành bất động sản hạng sang hàng tỷ USD

Sân bay Kai Tak được mệnh danh là “phi trường khó hạ cánh nhất thế giới” đã ngừng hoạt động từ năm 1988. Từ đó cho tới nay, biểu tượng này của Hồng Kông chưa có nhiều thay đổi cho tới khi được chấp nhận khai thác để trở thành các bất động sản hạng sang với mức giá cao ngất ngưởng.

Trong tuần trước, China Resources Land Ltd và Poly Property Group Co đã trả 12,9 tỷ HKD (1,7 tỷ USD) cho một lô đất tại khu vực sân bay Kai Tak, động thái chưa từng có tiền lệ từ các nhà phát triển bất động sản Đại lục, dù đây vốn là đối tượng đã mua tới 60% diện tích đất được bán ra bởi chính quyền Hồng Kông nửa đầu năm 2019.

Với diện tích gần bằng công viên trung tâm tại New York (341 ha), nhô ra phía cảng Victoria và gần đối diện đảo Hồng Kông, Kai Tai mang tới cơ hội hiếm có cho các nhà phát triển bất động sản tại một trong những đô thị đông dân bậc nhất hành tinh.

Trước đó, năm 2018, nhà phát triển bất động sản nổi tiếng tại Hồng Kông là Sun Hung Kai Properties Ltd đã trả 25,2 tỷ HKD cho 1 lô đất tại sân bay Kai Tak. Điều này đồng nghĩa với việc, các căn hộ được bán ra tại đây sẽ có giá vào khoảng 2.265 USD/m2 và một căn hộ 2 phòng ngủ sẽ có giá khoảng 2,5 triệu USD, theo Thomas Lam, Giám đốc cấp cao tại Knight Frank LLP. Mức giá này tương đương giá một căn hộ 3 phòng ngủ tại khu vực bất động sản đắt đỏ bậc nhất New York là Upper East Side.

Kể từ khi chính quyền Hồng Kông chào bán đất tại sân bay Kai Tak cho tới nay, tổng số tiền thu được là 173 tỷ HKD, theo số liệu của Savills. Trong khi đó, theo ước tính của Knight Frank, giới chức thành phố này sẽ còn thu về thêm khoảng 110 tỷ HKD nữa khi các lô đất được bán hết.

Một khi toàn bộ dự án sân bay Kai Tak được hoàn thành, dự kiến vào giữa những năm 2020, chính quyền Hồng Kông kỳ vọng đây sẽ là nơi sinh sống của 90.000 cư dân, cùng với các khách sạn, tòa nhà văn phòng, sân vận động và khu công viên…

Hiện tại, việc biến chuyển mục đích sử dụng của một số bất động sản tại Hồng Kông là cách chính quyền nơi đây có được nguồn đất sạch để cung cấp thêm nhà ở ra thị trường và kiềm chế đà tăng nóng của giá nhà. Bên cạnh việc bán đất tại khu vực sân bay Kai Tak, Hồng Kông đang cân nhắc chuyển đổi mục đích sử dụng của một số khu vực đất nông nghiệp sang thành đất dân cư, thậm chí lấy lại một phần đất tại sân golf lớn nhất thành phố để xây nhà.

Đáng chú ý, một trong những dự án tham vọng nhất, đồng thời cũng gây tranh cãi nhất là dự án “Lantau Tomorrow Vision” với đề xuất cải tạo 1.000 ha đất rừng thuộc đảo Lantau với mức vốn đầu tư 80 tỷ USD. Dự án này đối diện sự phản đối từ cư dân Hồng Kông bởi nhiều khả năng sẽ hủy hoại môi trường tự nhiên tại khu vực này.

Thực tế, chính quyền Hồng Kông đang đối diện nhiều áp lực trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở cho người dân sinh sống, trong khi sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng, nhấn mạnh tới những bất công xã hội tại thị trường bất động sản đắt đỏ bậc nhất thế giới này.

​Lâm Phong (Theo báo chí nước ngoài)
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục