Hơn 67.500 tỷ đồng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu nhưng chưa thực hiện, vì đâu?

0:00 / 0:00
0:00
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã có những giải trình cụ thể trước Quốc hội về bốn nhóm nguyên nhân khiến vẫn còn giá trị lớn kiến nghị xử lý tài chính của kiểm toán chưa thực hiện.
Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán là một trong các nội dung trọng tâm được đặt ra tại phiên chất vấn nhóm lĩnh vực kiểm toán sáng 5/6 Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán là một trong các nội dung trọng tâm được đặt ra tại phiên chất vấn nhóm lĩnh vực kiểm toán sáng 5/6

Theo Báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội trước thềm phiên chất vấn về nhóm vấn đề thứ ba trong lĩnh vực kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cho biết, thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, đối với kiến nghị kiểm toán năm 2022 (niên độ kiểm toán năm 2021), đến 31/12/2023 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi NSNN 31.719,05 tỷ đồng đạt tỷ lệ 92%; kiến nghị khác 30.566,16 tỷ đồng đạt tỷ lệ 83%. Ngoài ra, đối với các kiến nghị kiểm toán trước năm 2022, trong năm 2023 các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện thêm 10.302,89 tỷ đồng.

Số kiến nghị chưa thực hiện đến 31/12/2023 là 67.513,03 tỷ đồng (thời điểm 31/3/2023 đã báo cáo Ủy ban Tài chính Ngân sách là 108.180,2 tỷ đồng). Dù ghi nhận sự cải thiện đáng kể, giá trị kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện vẫn rất lớn.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết nguyên nhân hàng đầu thuộc về đơn vị được kiểm toán 39.803,83 tỷ đồng chiếm 59%. Cùng đó, nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 là 16.591,2 tỷ đồng chiếm 24,6 %; nhóm nguyên nhân khác 10.834,93 tỷ đồng chiếm 16%. Cuối cùng, nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của KTNN 283,07 tỷ đồng (KTNN đã và đang rà soát các khiếu nại, kiến nghị) chiếm 0,4%.

Trả lời các câu hỏi của đại biểu quốc hội trong phiên chất vấn sáng 5/6, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã có những giải trình cụ thể về các nhóm nguyên nhân này. Trong đó, đối với số kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện do đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện, vai trò của người đứng đầu tại các đơn vị này được nhấn mạnh.

"Theo Nghị quyết 74 của Quốc hội, những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nói riêng và kỷ cương, kỷ luật tài chính nói chung, ngoài nguyên nhân về vướng mắc cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức thì vướng nhiều ở khâu tổ chức thực hiện. Theo đó, ý thức, tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực của người đứng đầu còn yếu, tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các đơn vị còn hạn chế", Tổng Kiểm toán Nhà nước cho hay.

Đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng trên, theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, trong thời gian tới Kiểm toán nhà nước sẽ quyết tâm, quyết liệt nâng cao kết luận kiến nghị kiểm toán, kiến nghị thật đúng, thật trúng để các đơn vị thuận lợi trong triển khai thực hiện. Đồng thời tăng cường việc đôn đốc công khai danh sách các tổ chức cá nhân chưa thực hiện các kết luận kiểm toán trên trang web của Kiểm toán nhà nước.

Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên có liên quan. Đối với các đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đề nghị cần phát huy vai trò của người đứng đầu. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, thực tiễn cũng cho thấy, nơi nào người đứng đầu có quan tâm, có quyết tâm thì ở đó tỷ lệ thực hiện kết luận kiểm toán đạt như mong muốn.

Về nguyên nhân thuộc về bên thứ 3, đây là các trường hợp còn gặp vướng mắc do chờ phê duyệt của cấp trên, chờ hướng dẫn; hoặc do nhà thầu chây ì, giải thể, phá sản, mất tích… Đề xuất giải pháp vấn đề này trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, Kiểm toán Nhà nước sẽ theo dõi, đôn đốc, công khai và tăng cường kiểm tra, giám sát ở mỗi đơn vị được kiểm toán. Đơn vị được kiểm toán cũng phải kịp thời theo dõi, báo cáo ngay với các cơ quan liên quan về trách nhiệm bên thứ 3 để đôn đốc.

Dù chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng hơn 283 kiến nghị tài chính chưa thực hiện là do nguyên nhân từ chính Kiểm toán Nhà nước. Giải thích cụ thể tại nghị trường, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết các trường hợp này một phần do kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa “tâm phục khẩu phục”, đơn vị được kiểm toán khiếu nại theo quy định của Luật. Ngoài ra, cũng có kiến nghị đúng nhưng chưa thể thực hiện, hoặc do đơn vị chưa thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đặt câu hỏi về việc xử lý các kiến nghị từ năm 2019 trở về trước - Nguồn: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đặt câu hỏi về việc xử lý các kiến nghị từ năm 2019 trở về trước - Nguồn: Quốc hội

“Quan trọng nhất là cần nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán thông qua hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực trình độ của kiểm toán viên, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu…”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh về giải pháp trong thời gian tới.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đánh giá việc thực hiện kết luận kiến nghị xử lý tài chính và xử lý khác các năm gần đây các vấn đề được thực hiện khá sớm và đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, đối với các kiến nghị từ năm 2019 trở về trước, số kiến nghị xử lý tài chính và xử lý khác chưa thực hiện còn khá lớn, tỷ lệ thực hiện thêm khá thấp.

Về nội dung, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết thêm Kiểm toán Nhà nước đang rà soát để sửa đổi bổ sung tại Luật Kiểm toán Nhà Nước để áp dụng với các kiến nghị không thực hiện do đơn vị được kiểm toán đã giải thể, phá sản đối với thể nhân hay chết, mất tích với trường hợp cá nhân.

“Luật Quản lý thuế đã có quy định về nội dung này trong khi Luật Kiểm toán chưa có. Sắp tới, chúng tôi sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa đổi Luật kiểm toán Nhà nước trong việc xác định các trường hợp như thế nào là đã thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước”, ông Tuấn cho hay.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục