213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 16.613.540 ca nhiễm và 655.557 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 219.951 và 4.054 sau 24 giờ, trong khi 10.212.395 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 4.426.041 ca nhiễm và 150.333 người chết, tăng lần lượt 60.545 và 561 ca so với một ngày trước đó.
Nhiều bang dừng hoặc rút lại kế hoạch tái mở cửa khi ca nhiễm tăng mạnh trở lại. Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường đã được áp dụng tại hàng loạt địa phương.
Thị trưởng Washington D.C. Muriel E. Bowser ngày 22/7 ra lệnh người từ hai tuổi trở lên phải đeo khẩu trang khi rời nhà và nhiều khả năng tiếp xúc với người khác.
Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia kiêm Cố vấn Y tế cho ủy ban chống Covid-19 của Nhà Trắng, hôm 24/7 nói rằng Mỹ nên noi gương các quốc gia châu Á và châu Âu trong chiến lược phong tỏa ngăn Covid-19 như giảm số ca nhiễm hàng ngày xuống mức chấp nhận được trước khi dỡ bỏ các lệnh hạn chế, thay vì vội vàng tái mở cửa khi chưa kéo giảm được số người nhiễm mới.
Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 87.618 sau khi ghi nhận thêm 614 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 22.474 trong 24 giờ qua lên 2.442.375. Giới chuyên gia cho rằng số ca nhiễm ở Brazil có thể cao hơn nhiều do xét nghiệm hạn chế.
Thành phố Rio de Janeiro thông báo lễ đón giao thừa chứng kiến hàng triệu người tụ tập trên bãi biển Copacabana đã bị hủy trong năm nay.
Lễ kỷ niệm "không thể tồn tại trong kịch bản đại dịch này nếu không có vaccine", văn phòng du lịch của thành phố cho biết, lưu ý rằng lễ kỷ niệm Carnival nổi tiếng thế giới, thường được tổ chức vào tháng 2, cũng có thể bị hủy. Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, đã hoãn vô thời hạn lễ hội carnival.
Công đoàn đại diện hơn một triệu y bác sĩ Brazil hôm 27/7 gửi hồ sơ, kêu gọi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) điều tra cách chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro ứng phó Covid-19.
"Chính quyền đã phạm tội cẩu thả trong xử lý đại dịch Covid-19, đe dọa mạng sống của nhân viên y tế và người dân Brazil. Chúng tôi tin rằng đây là vụ kiện đầu tiên nhằm vào một chính phủ do thất bại trong quản lý y tế công cộng dẫn tới lượng lớn người chết và bị bệnh", nhóm công đoàn viết trong hồ sơ gửi ICC.
Mexico đang là vùng dịch lớn thứ hai Mỹ Latinh và lớn thứ sáu thế giới với 390.516 và 43.860 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 5.480 và 306 ca. Các trường học vẫn phải đóng cửa. Cửa hàng, nhà hàng và quán bar mở cửa một phần, trong khi giao thông công cộng hoạt động bình thường.
Mexico siết chặt hạn chế tại những điểm thu hút khách du lịch. Giới chức ở Tulum, thị trấn nổi tiếng với các bãi biển, cảnh báo phạt hoặc bắt những người không tuân thủ quy định đeo khẩu trang.
Bang Yucatan áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm, rút ngắn thời gian hoạt động của các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, cấm bán rượu và đóng cửa bến du thuyền.
Peru hiện ghi nhận 384.797 ca nhiễm và 18.229 ca tử vong, tăng lần lượt 4.913 và 199 trường hợp. Nước này hồi tháng 3 áp lệnh phong tỏa để ngăn nCoV lây lan, nhưng quá trình thực thi gặp nhiều khó khăn do tổn hại kinh tế ngày càng gia tăng.
Peru đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm vực dậy nền kinh tế, bất chấp những rủi ro của đại dịch.
Các trung tâm thương mại mở cửa với số lượng khách nhất định. Peru nối lại hàng không nội địa và xe buýt liên tỉnh từ 16/7, tất cả hành khách phải đeo khẩu trang.
Chile xếp thứ tám thế giới với 347.923 ca nhiễm và 9.187 ca tử vong, tăng lần lượt 2.133 và 75 ca so với hôm trước.
Các trường học, nhà hàng và quán bar tại nước này vẫn đóng cửa. Giao thông công cộng cũng chỉ nối lại một phần trong những khung giờ nhất định và chỉ những cửa hàng bán đồ thiết yếu mới được phép tái mở cửa.
Bộ trưởng Y tế Enrique Paris thông báo một số phần của thủ đô Santiago sẽ được dần dần mở lại từ ngày 28/7.
Cư dân ở vùng ngoại ô phía đông ít dân cư và giàu có hơn của thủ đô sẽ được phép tụ tập thành các nhóm nhỏ và rời khỏi nhà mà không cần sự cho phép của cảnh sát như trước đây.
Nam Phi là vùng dịch thứ năm thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh tại châu Phi với 452.529 ca nhiễm và 7.067 ca tử vong, tăng lần lượt 7.096 và 298 ca. Giới chuyên gia lo ngại châu Phi sẽ là điểm nóng dịch bệnh tiếp theo.
Tổng thống Cyril Ramaphosa áp lệnh phong tỏa hồi tháng 3, nhưng bắt đầu nới lỏng một số hạn chế vào tháng 6 để cho phép hoạt động kinh tế tiếp tục.
Ramaphosa ngày 24/7 thông báo trường công sẽ đóng cửa 4 tuần, từ 27/7 đến 24/8. Năm học năm nay sẽ được kéo dài đến cuối năm 2020.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 85 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 13.354. Số ca nhiễm tăng thêm 5.635, lên 818.120.
Chính phủ Nga thông báo đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu.
Nga lên kế hoạch nối lại một số chuyến bay quốc tế từ ngày 1/8, nhưng danh sách các điểm đến ban đầu chỉ bao gồm Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.
Các nhà hàng, phòng gym và đi lại nội địa ở Nga được phép mở lại nhưng cần tuân thủ các chỉ thị về giãn cách xã hội. Rạp hát ở Moskva sẽ mở lại từ 1/8 sau 4 tháng đóng cửa nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất.
Tây Ban Nha hiện ghi nhận 325.862 ca nhiễm và 28.434 ca tử vong. Trong hai tuần qua, Tây Ban Nha phát hiện gần 20.000 ca nhiễm mới, gần một nửa ở Catalonia, nơi có thành phố du lịch Barcelona nhộn nhịp, buộc chính quyền hạn chế số lượng người được đến bãi biển trong tuần này vì số ca nhiễm tăng. Tỷ lệ nhiễm nCoV ở hai khu vực đông bắc là Aragon và Navarra cũng cao.
Tuy nhiên, chính phủ Tây Ban Nha nói rằng tình hình trong nước đang "trong tầm kiểm soát" và sự gia tăng ca nhiễm mới không phải là "làn sóng thứ hai", đồng thời loại trừ khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp mới.
Tây Ban Nha từng là một trong những vùng dịch lớn nhất ở châu Âu và đã áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong ba tháng để ngăn chặn virus lây lan. Nhưng khi lệnh phong tỏa được dỡ tháng trước, nước này bắt đầu chứng kiến xu hướng tăng ca nhiễm tương tự Mỹ, với nhiều người nhiễm là thanh niên.
Anh báo cáo thêm 685 ca nhiễm và 7 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 300.111 và 45.759.
Theo báo cáo công bố hôm 14/7 của viện Khoa học Y khoa Anh, làn sóng Covid-19 thứ hai ở nước này có thể khiến 120.000 người chết từ tháng 9 tới tháng 6 năm sau "trong trường hợp xấu nhất".
Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson bị chỉ trích phản ứng chậm với đại dịch, đáng lẽ nên phong tỏa sớm hơn và phải duy trì quá trình truy vết lây nhiễm.
Tại Trung Đông, thống kê của Iran ghi nhận thêm 2.434 ca nhiễm, nâng tổng số lên 293.606, trong đó 15.912 người chết, tăng 212 ca so với hôm qua.
Ca nhiễm mới tại Iran có xu hướng tăng kể từ đầu tháng 5, khiến chính phủ ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín, đồng thời cho phép những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Arab Saudi ghi nhận thêm 1.993 ca nhiễm và 27 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 268.934 và 2.760.
Arab Saudi tuyên bố chỉ cho phép khoảng 1.000 tín đồ đã có mặt tại nước này tham gia cuộc hành hương Hajj vào cuối tháng, trong khi nghi thức này năm ngoái thu hút hơn 2,5 triệu người Hồi giáo khắp thế giới.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 46.484 ca nhiễm và 636 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.482.503 và 33.448.
Phần lớn ca nhiễm tại Ấn Độ tập trung ở Mumbai và New Delhi. Tuy nhiên, virus cũng đang lây lan tại những thành phố nhỏ hơn, buộc chính quyền địa phương phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Quan chức tại một số bang phàn nàn về việc thiếu các thuốc quan trọng để điều trị cho bệnh nhân.
Trung Quốc chưa công bố số liệu.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 100.303 ca nhiễm, tăng 1.525 trường hợp so với hôm trước, trong đó 4.838 người chết, tăng 57 ca.
Tổng thống Joko Widodo cho biết đại dịch tại Indonesia có thể đạt đỉnh vào tháng 8 hoặc tháng 9, muộn hơn 2-3 tháng so với dự báo trước đó.
Ông nói thêm rằng đang thúc đẩy nội các hoạt động tích cực hơn nhằm kiềm chế nCoV. Chính phủ Indonesia cũng đang xem xét biện pháp trừng phạt những người vi phạm hướng dẫn y tế, như không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai trong khu vực, ghi nhận 82.040 người nhiễm và 1.945 người chết, tăng lần lượt 1.657 và 13 trường hợp trong 24 giờ.
Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Ano cho biết giới chức và cảnh sát nước này sẽ tiến hành tìm kiếm người nhiễm nCoV tại từng hộ gia đình nhằm ngăn chặn virus lây lan, đồng thời kêu gọi công chúng báo cáo các ca nhiễm trong khu dân cư của họ. Bất cứ ai nhiễm nCoV từ chối hợp tác đều phải đối mặt với án tù.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng người không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn và làm lây lan nCoV là "tội phạm nghiêm trọng".
Ông đề nghị cảnh sát không do dự khi bắt và đưa người vi phạm tới giam ở đồn để họ "nhận được bài học". Duterte nói thêm sẽ yêu cầu lực lượng hành pháp nghiêm khắc hơn và thực hiện những biện pháp khiến người vi phạm phải ghi nhớ mãi mãi.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 50.838 người nhiễm, tăng 469 ca, trong đó 27 người chết.
Singapore dự kiến hoàn tất xét nghiệm nCoV với những lao động nhập cư sống trong ký túc xá vào ngày 7/8, khoảng 4 tháng sau khi chính quyền bắt đầu cách ly hàng chục nghìn lao động do dịch bùng phát mạnh.
Số ca nhiễm tại Singapore sau mốc này dự kiến giảm từ giữa tháng 8 nhưng giới chức nhấn mạnh cuộc chiến chống Covid-19 chưa kết thúc
Singapore đang nới dần các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn. Nước này và Malaysia dự kiến nối lại đi lại cho mục đích chính thức và kinh doanh thiết yếu vào tháng tới.
Nước này cũng siết chặt quy định nhập cảnh với người đi từ hay gần đây đến những vùng dịch đang tăng nhiệt trở lại, bao gồm Hong Kong, Nhật và bang Victoria của Australia. Những người này sẽ không được tự cách ly mà phải cách ly tập trung và hầu hết phải chi trả chi phí.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
Mike Ryan, người phụ trách mảng phản ứng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng đóng cửa biên giới không phải chiến lược có thể duy trì lâu dài.
"Các nước gần như không thể duy trì phong tỏa biên giới quá lâu, nền kinh tế cần mở cửa trở lại, người dân cần được đi làm và nối lại giao thương", ông nói, nhưng thừa nhận không thể có chiến lược đồng nhất trên toàn cầu vì Covid-19 lây lan theo cách khác nhau ở từng quốc gia.