Cuối năm 2016, bà Trần Thị Châu Giang, khách hàng mua căn hộ PetroVietnam Landmark đã yêu cầu toà án mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVCLand).
Nguyên nhân là PVCLand (chủ đầu tư) đã chậm bàn giao cho khách hàng gần 6 năm nay và có dấu hiệu mất khả năng tài chính để triển khai tiếp dự án. Trong khi đó, tiền hợp đồng mua căn hộ khách hàng đã thanh toán cho chủ đầu tư từ mấy năm trước.
Dựa theo các giấy tờ, tài liệu liên quan đến yêu cầu mở thủ tục phá sản, xét thấy có các căn cứ chứng minh PVCLand mất khả năng thanh toán nên TAND TP.HCM đã ban hành quyết định trên.
Khách hàng bị động hoàn toàn
Việc TAND TP.HCM vừa ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với PVCLand khiến hàng trăm khách hàng hoang mang. Nhiều người đặt ra câu hỏi nếu doanh nghiệp phá sản, họ cần phải làm gì để đảm bảo tài sản của họ không mất đi.
Về nguyên tắc, khách hàng không mất trắng tài sản, nhưng việc đòi lại được bao nhiêu lại phụ thuộc vào giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi thanh lý.
Chính điều này khiến cho hàng trăm khách hàng của dự án PetroVietnam Landmark đang thực đứng ngồi không yên khi rơi vào thế bị động.
Chị Nguyễn Thị Hằng (một khách hàng) lo lắng cho biết hiện nay chị đã đóng cho chủ đầu tư 90% giá trị căn hộ với số tiền gần 2 tỷ đồng. Chị băn khoăn: "Việc mua bán có hợp đồng đầy đủ theo quy định pháp luật. Nay doanh nghiệp bất ngờ phá sản, ai sẽ trả lại tiền cho chúng tôi?”
Những ngày gần đây, các khách hàng mua căn hộ tại dự án này cũng đang gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên, thanh lý tài sản là bà Nguyễn Thụy Anh ở tại địa chỉ 197/3 Nguyễn Kim, phường 7, quận 3, TP.HCM.
Những động thái này này sẽ ảnh hưởng đến số phận căn hộ mình đã mua nhưng khách hàng của dự án này cũng rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Theo quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng đăng tải thông tin về quyết định mở thủ tục phá sản, các chủ nợ không gửi giấy đòi nợ đến toà án thì được coi là từ bỏ quyền đòi nợ, nên họ không còn sự lựa chọn nào khác.
“Thông tin xấu liên quan đến dự án này dồn dập đến khiến chúng tôi vô cùng bất an. Mới đây, Chi cục Thi hành án Dân sự quận 2 đã ban hành quyết định phong toả trên 15.000 m2 đất thuộc dự án này, giờ thì TAND TP.HCM ra quyết định mở thủ tục phá sản, trong khi chủ đầu tư vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng cho khách hàng”, một khách hàng bức xúc.
Một đại diện của PVCLand cho biết công ty đang làm việc lại với bà Trần Thị Châu Giang (khách hàng đề nghị TAND TP.HCM mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp này).
Sau khi thanh toán khoản tiền nợ 2,2 tỷ đồng, trong đó 1,6 tỷ đồng tiền gốc, còn lại là tiền lãi cho bà Giang, PVLand sẽ đệ đơn lên TAND TP.HCM để xin hủy quyết định mở thủ tục phá sản.
Chủ đầu tư cụt vốn, khách hàng khó thu hồi
Với quyết định trên của tòa án, sắp tới, quản tài viên sẽ xác minh, thu thập tài liệu, lập bảng kê khai tài sản, danh sách chủ nợ, ngăn chặn tất cả việc bán, tẩu tán, chuyển giao tài sản mà không được phép của thẩm phán...
Sau đó, hội nghị chủ nợ sẽ được tổ chức và đề xuất với thẩm phán về việc thu hồi tài sản của doanh nghiệp để bán thanh lý xử lý nợ.
Các khách hàng phải thực hiện ngay theo yêu cầu của tòa án cung cấp tất cả các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết phá sản. Những tài sản của doanh nghiệp mà khách hàng không thể xác minh được có thể yêu cầu quản tài viên xác minh hoặc đề nghị tòa án kiểm toán doanh nghiệp.
Tuy nhiên nếu chủ đầu tư này thông qua việc phá sản thì khách hàng sẽ là đối tượng thiệt thòi nhất
Theo Luật sư Phạm Đình Bắc (Đoàn luật sư TP.HCM), trong Luật phá sản 2014, thứ tự phân chia tài sản cũng được quy định rõ ràng.
Trường hợp thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự ưu tiên. Thứ tự phân chia tài sản sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động sẽ được ưu tiên.
Tiếp theo là nghĩa vụ đối với Nhà nước (nếu có) và khoản nợ trả cho khách hàng... Các thành viên của doanh nghiệp, cổ đông của doanh nghiệp chỉ được hưởng sau khi đã thanh toán hết nợ mà tài sản của doanh nghiệp vẫn còn.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Bắc, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị xem xét lại. Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.
Ngay sau khi nhận được đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị, TAND đã ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản gửi hồ sơ vụ việc phá sản cho tòa cấp trên trực tiếp giải quyết.