213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 5.581.290 ca nhiễm và 347.530 ca tử vong, tăng lần lượt 90.097 và 1.204 trường hợp so với hôm qua, trong đó 2.360.911 người đã bình phục.
Tổng ca nhiễm và tử vong ở Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, là 1.705.668 và 99.782, tăng lần lượt 19.232 và 482 trường hợp, giảm đáng kể so với thời kỳ cao điểm của Covid-19.
Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở các cấp độ khác nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 22/5 ban hành lệnh cho phép tụ tập tối đa 10 người ở bất kỳ bang nào, miễn họ duy trì hướng dẫn cách biệt cộng đồng. Mỹ đã cấm nhập cảnh với toàn bộ người nước ngoài từng ở Brazil, vùng dịch lớn nhất Nam Mỹ, trong vòng 14 ngày trước đó.
Trump hôm qua nói đã ngừng dùng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine, sau đó cảnh báo sẽ dời nơi tổ chức Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa khỏi bang Bắc Carolina nếu Thống đốc Roy Cooper không sớm gỡ lệnh phong tỏa.
Brazil ghi nhận thêm 11.280 ca nhiễm và 757 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 374.898 và 23.473, tiếp tục là vùng dịch thứ hai thế giới. Giới chuyên gia cho rằng ca nhiễm thực tế có thể cao hơn 15 lần số liệu được công bố do năng lực xét nghiệm hạn chế tại quốc gia Nam Mỹ này và dịch bệnh ở Brazil phải đến tháng 6 mới đạt đỉnh.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm 24/5 xuất hiện cùng đám đông ủng hộ liên tục vẫy cờ Brazil và ca ngợi ông là "huyền thoại" bên ngoài cung điện Planalto ở thủ đô Brasilia. Bolsonaro không đeo khẩu trang, tạo dáng chụp ảnh, bắt tay mọi người và thậm chí còn bế một bé trai trên vai, đi ngược hoàn toàn khuyến cáo cách biệt cộng đồng để ngăn Covid-19 của các chuyên gia.
Nhiều cuộc tuần hành ủng hộ Tổng thống Bolsonaro dự kiến tiếp tục diễn ra tại Sao Paulo, thành phố đông dân nhất Brazil và cũng là tâm dịch Covid-19 của cả nước.
Ca nhiễm và tử vong do nCoV tại Nga là 353.427 và 3.633, tăng lần lượt 8.946 và 92 trong 24 giờ qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay gặp trực tiếp lãnh đạo công ty Đường sắt Nga, đánh dấu lần đầu tiên ông xuất hiện tại Điện Kremlin từ hôm 9/5. Động thái này diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV mới tại Nga đang giảm dần, tạo tiền đề cho nước này dỡ bỏ một số hạn chế.
Anna Popova, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và Nhân quyền Liên bang Nga (Rospotrebnadzor), hôm qua cho biết 44 trong tổng số hơn 80 vùng tại Nga đủ điều kiện nới lỏng biện pháp phong tỏa xã hội, cho phép người dân ra ngoài đi dạo và một số cửa hàng không thiết yếu được hoạt động trở lại.
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu có nhiều cải thiện khi phần lớn các nước đã qua đỉnh dịch. Tây Ban Nha điều chỉnh lại số liệu, cho biết 26.834 người đã chết do Covid-19, thấp hơn gần 2.000 so với một ngày trước đó. Số ca nhiễm cũng được điều chỉnh còn 235.400, thấp hơn gần 400 ca so với ngày 24/5.
Anh ghi nhận 261.184 ca nhiễm và 36.914 ca tử vong, tăng lần lượt 1.625 và 121. Giới chức Anh thông báo kể từ 8/6 sẽ cách ly những người nhập cảnh vào nước này trong hai tuần. Những người vi phạm yêu cầu cách ly có thể bị phạt tới hơn 1.200 USD.
Nữ hoàng Anh Elizabeth đầu tuần này xác nhận Anh hủy điều tra dân số năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh. Anh cũng khuyến khích người dân quay trở lại làm việc nếu công việc của họ không thể làm từ xa, như ngành sản xuất hoặc xây dựng.
Italy ghi nhận thêm 300 ca nhiễm và 92 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 230.158 và 32.877. Chính phủ Italy dự kiến cho phép tự do đi lại từ ngày 3/6, mở cửa trở lại toàn bộ sân bay, biên giới với các nước láng giềng và gỡ quy định cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh.
Ca nhiễm và tử vong do nCoV tại Pháp hiện là 182.942 và 28.432, tăng lần lượt 358 và 65, cao gấp đôi so với một ngày trước đó. Pháp nới phong tỏa từ ngày 11/5, song giới chức y tế tiếp tục khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến thăm nhà nhau và khử trùng các bề mặt như tay nắm cửa.
Đức ghi nhận thêm 461 ca nhiễm và 57 ca tử vong vì nCoV, nâng số người nhiễm và chết do đại dịch ở quốc gia này lên 180.789 và 8.428. 16 bang của Đức từng bước dỡ lệnh hạn chế ở các mức độ khác nhau từ 20/4. Đức nới lỏng kiểm soát biên giới với một số nước láng giềng hôm 16/5 và đặt mục tiêu khôi phục tự do đi lại ở châu Âu từ giữa tháng 6.
Peru là vùng dịch lớn thứ hai tại Mỹ Latinh, sau Brazil, với 123.979 ca nhiễm và 3.629 ca tử vong, tăng lần lượt 4.020 và 173 trường hợp. Hệ thống y tế của Peru trên bờ vực sụp đổ với các bệnh viện công phải đối mặt tình trạng thiếu thiết bị nghiêm trọng. Dịch bệnh cũng khiến nền kinh tế Peru bị tê liệt.
Peru áp lệnh phong tỏa từ ngày 16/3, là một trong những nước áp lệnh phong tỏa sớm nhất Mỹ Latinh. Tổng thống Martin Vizcarra tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và huy động cảnh sát, quân đội thực thi kiểm dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh ngày càng trầm trọng hơn sau hai tháng. Giới quan sát nhận định các biện pháp do chính phủ đưa ra nghiêm ngặt nhưng ý thức tuân thủ của người dân lại rất thấp.
Chile và Mexico là hai vùng dịch lớn tiếp theo ở Nam Mỹ. Chile ghi nhận 73.997 ca nhiễm và 761 ca tử vong, trong khi Mexico ghi nhận 68.620 ca nhiễm và 7.394 ca tử vong.
Tỷ lệ tử vong ở Chile thấp, trong khi tỷ lệ tử vong tại Mexico cao hơn nhiều do bệnh nhân mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì.
Tại Trung Đông, Iran báo cáo thêm 2.023 ca nhiễm và 34 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 137.724 và 7.451. Một báo cáo của trung tâm nghiên cứu thuộc quốc hội Iran cho rằng số ca nhiễm và tử vong thực tế ở nước này có thể gần gấp đôi so với công bố của Bộ Y tế. Tuy nhiên, chính phủ đã nới lỏng hầu hết các hạn chế do lo ngại nền kinh tế bị tàn phá.
Arab Saudi ghi nhận thêm 2.235 ca nhiễm và 9 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 74.795 và 399. Arab Saudi đã phong tỏa toàn quốc trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr từ 23/5 đến 27/5 để ngăn virus lây lan. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo thêm 822 ca nhiễm và 3 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 30.307 và 248.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 144.941 ca nhiễm và 4.172 ca tử vong, tăng lần lượt 6.405 và 148. Ấn Độ cho phép nối lại các chuyến bay nội địa từ ngày 25/5 sau hai tháng ngừng hoạt động. Một số chuyến tàu liên bang đã hoạt động trở lại một tuần trước.
Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 31.960 ca nhiễm, tăng 334, trong đó 23 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Singapore sẽ cho phép hành khách quá cảnh ở sân bay Changi kể từ 2/6.
Indonesia xếp thứ hai với 22.750 ca nhiễm và 1.391 người chết, tăng lần lượt 479 và 19.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.