Hơn 27,7 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Thế giới ghi nhận hơn 27,7 triệu người nhiễm, gần 901.000 người chết do nCoV, sóng Covid-19 thứ hai đang đe dọa nhiều quốc gia.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho một người dân ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 7/9. Ảnh: Reuters. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho một người dân ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 7/9. Ảnh: Reuters.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 27.710.423 ca nhiễm và 900.634 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 235.090 và 4.326 ca sau 24 giờ, trong khi 19.801.850 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.509.310 ca nhiễm và 193.934 người chết, tăng lần lượt 24.082 và 423 ca so với một ngày trước đó.

Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington ước tính đến ngày 1/1 năm sau, 410.000 người sẽ chết vì nCoV ở Mỹ, tức là hơn 220.000 người chết trong 4 tháng tới, nếu xu hướng tránh đeo khẩu trang vẫn tiếp diễn.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, cho rằng "rất ít khả năng" nước này sẽ có vaccine Covid-19 trước ngày bầu cử 3/11.

Nhận định của ông trái ngược với tuyên bố mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 7/9 rằng nhà chức trách sẽ sẵn sàng phân phối vaccine Covid-19 trước ngày bầu cử.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, số ca tử vong tăng lên 127.464 sau khi ghi nhận thêm 463 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 14.279 trong 24 giờ qua, lên 4.367.436.

Bộ Y tế Brazil nhận định số ca nhiễm nCoV ở nước này gần đây giảm nhẹ và hy vọng đã đạt đỉnh dịch sau những tháng ghi nhận ca tử vong trung bình hàng ngày là hơn 1.000 người.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình hình dịch ở Brazil có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương và khu vực nhượng bộ trước áp lực từ các doanh nghiệp để mở cửa lại nền kinh tế quá sớm, cũng như không siết các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ bảy thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 640.441 ca nhiễm và 15.086 ca tử vong, tăng lần lượt 1.079 và 82 ca.

Dù ca nhiễm và tử vong do nCoV đang có xu hướng giảm, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết ông vẫn lo lắng về nguy cơ xuất hiện sóng Covid-19 lần hai như các quốc gia khác.

Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng cảnh báo ca nhiễm có thể gia tăng trở lại nếu người dân lơ là cảnh giác. Chính phủ Nam Phi đã dần nới lỏng hạn chế để cho phép hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế mở cửa trở lại.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 122 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 17.993. Số ca nhiễm tăng 5.099, lên 1.035.789. Nga dự kiến tiêm chủng hàng loạt vaccine Sputnik V cho nhóm dân số có nguy cơ nhiễm nCoV cao sẽ bắt đầu vào tháng 11-12.

Bộ Y tế Nga cho biết lô vaccine Sputnik V đầu tiên, do trung tâm Gamaleya nghiên cứu và phát triển, đã được đưa vào lưu hành từ hôm 7/9.

Nga hôm 31/8 bắt đầu dỡ bỏ hạn chế ngăn dịch ở phần lớn các khu vực của đất nước khi hàng triệu học sinh bước vào năm học mới giữa đại dịch.

Website thông tin về chống Covid-19 của chính phủ cho hay học sinh sẽ không bị bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học, nhà ăn hoặc giờ nghỉ trưa, song sẽ được kiểm tra thân nhiệt khi tới trường.

Pháp ghi nhận thêm 6.544 ca nhiễm, nâng tổng số lên 335.524, trong đó 30.764 người chết, tăng 38 trường hợp.

Ca nhiễm ở Pháp tăng trở lại sau một quãng thời gian kiềm chế được dịch, nhưng chủ yếu tập trung ở người trẻ có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nên không tạo ra áp lực mới với hệ thống bệnh viện.

Chính phủ Pháp hôm 6/9 nâng mức cảnh báo tại các thành phố lớn như Lille, Strasbourg và Dijon khi ca nhiễm mới nCoV liên tục tăng cao. Giới chức Pháp trước đó tuyên bố đóng cửa 22 trường học do phát hiện các ca nhiễm chỉ vài ngày sau khi học sinh quay trở lại lớp học.

Iran báo cáo 22.542 người chết sau khi ghi nhận thêm 132 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.302, lên tổng cộng 391.112 ca.

Đây là mức tăng ca nhiễm mới cao nhất trong 10 ngày qua tại Iran, trong bối cảnh chính phủ nước này quyết mở cửa trường học dù nhiều chuyên gia y tế và phụ huynh tỏ ý lo ngại dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo 89.852 ca nhiễm và 1.107 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 4.367.436 và 73.923.

Ấn Độ gần đây nới lỏng nhiều hạn chế hơn để giảm bớt áp lực kinh tế và đã cho phép tàu điện ngầm ở khu vực đô thị hoạt động trở lại từ ngày 7/9.

Tại thành phố Bengaluru, hàng nghìn quán rượu được phép phục vụ rượu cho khách hàng từ 1/9 sau khoảng gần 6 tháng hoạt động này bị cấm. Họ vẫn phải đảm bảo quy định về giãn cách xã hội và chỉ được hoạt động với 50% công suất.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 241.987 ca nhiễm và 3.916 ca tử vong, tăng lần lượt 3.260 và 26 ca.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt ngăn Covid-19 tại thủ đô Manila và khu vực lân cận, trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng bên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi công chúng tuân thủ những biện pháp giữ an toàn.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 200.035 ca nhiễm, tăng 3.046 trường hợp so với hôm trước, trong đó 8.230 người chết, tăng 100 ca.

Tổng thống Joko Widodo hôm 1/9 nói dịch ở Indonesia nhiều khả năng đạt đỉnh vào tháng này, đồng thời cho biết ông "rất tự tin" về khả năng tiếp cận vaccine an toàn và hiệu quả vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Nghiên cứu Indonesia Bambang Brodjonegoro tháng trước cho biết nước này cũng đang phát triển vaccine cải tiến của riêng mình, được gọi là vaccine "đỏ và trắng" theo màu quốc kỳ.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 57.091 người nhiễm, tăng 47 ca, và 27 người chết. Giới chức lại phát hiện ổ dịch mới ở khu ký túc xá cho lao động nước ngoài, sau khi tuyên bố hồi tháng trước rằng tất cả công nhân sống trong ký túc xá đã hồi phục hoặc đã làm xét nghiệm.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 2/9 thừa nhận nước này có nhiều thiếu sót trong nỗ lực ứng phó Covid-19.

Ông cho rằng nếu có cơ hội làm lại, chính phủ Singapore sẽ ban hành lệnh bắt buộc đeo khẩu trang sớm hơn, đồng thời cách ly toàn bộ công dân từ nước ngoài về, thay vì chỉ áp dụng với những người nhập cảnh từ một số quốc gia nhất định.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng thế giới cần chuẩn bị tốt hơn cho những đại dịch tiếp theo và đầu tư nhiều hơn vào hệ thống y tế cộng đồng.

"Đây sẽ không phải đại dịch cuối cùng. Lịch sử dạy chúng ta rằng các đợt dịch bệnh là thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, thế giới cần sẵn sàng khi đại dịch tiếp theo tấn công, phải sẵn sàng hơn lần này", ông nói.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục