Hơn 190.000 người chết vì nCoV toàn cầu

Thế giới ghi nhận hơn 190.000 người chết trong hơn 2,7 triệu ca nhiễm nCoV, các điểm nóng vẫn ở Mỹ và châu Âu.
Nhân viên y tế nhận đồ bảo hộ tại bệnh viện Bellevue, New York hôm 20/4. Ảnh: Reuters. Nhân viên y tế nhận đồ bảo hộ tại bệnh viện Bellevue, New York hôm 20/4. Ảnh: Reuters.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 210 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận tổng cộng 2.708.590 ca nhiễm nCoV, trong đó 190.303 người tử vong, tăng lần lượt 88.011 và 7.400 trường hợp so với một ngày trước. 744.866 người đã bình phục. 

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 873.137 ca nhiễm và 49.748 người chết.

Tổng thống Donald Trump hôm qua ký sắc lệnh đình chỉ một phần hoạt động nhập cư vào Mỹ hôm 22/4, chưa đầy 48 giờ sau khi bất ngờ công bố quyết định trên Twitter.

Dù không cấm hoàn toàn hoạt động nhập cư hợp pháp theo mong muốn của Trump, sắc lệnh này vẫn ảnh hưởng tới hàng nghìn người đang tìm cách đến Mỹ.

Ông chủ Nhà Trắng cũng thông báo tàu bệnh viện USNS Comfort sẽ rời New York dù mới chỉ tiếp nhận 178 bệnh nhân trong gần một tháng hỗ trợ thành phố chống Covid-19.

Thống đốc New York Andrew Cuomo xác nhận ông nói với Trump rằng New York không cần tàu bệnh viện USNS Comfort nữa khi số ca nhiễm và chết do nCoV hàng ngày tại đây đang có chiều hướng giảm.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 440 người chết vì nCoV, cao hơn 5 trường hợp hôm qua, nâng số ca tử vong toàn quốc lên 22.157.

Số ca nhiễm tăng thêm 4.635 trường hợp lên 213.024. Tây Ban Nha hiện là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới nhưng xếp thứ ba về số người chết, sau Mỹ và Italy.  

Quan chức y tế Tây Ban Nha tin rằng đại dịch tại nước này đã qua đỉnh hôm 2/4, gần ba tuần sau khi chính phủ áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, buộc gần 47 triệu người dân ở nhà để làm chậm virus lây lan.

Italy ghi nhận 2.646 ca nhiễm và 464 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 189.973 và 25.549.

Nước này là vùng dịch lớn thứ ba thế giới nhưng ghi nhận số ca tử vong lớn thứ hai. Nhiều bác sĩ tin rằng số người chết thực tế ở Italy cao hơn đáng kể vì hầu hết trường hợp chết trong viện dưỡng lão không được đưa vào thống kê và không rõ bao nhiêu ca tử vong ngoài bệnh viện.

Pháp xác nhận thêm 2.323 ca nhiễm và 516 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 158.183 và 21.856.

Pháp áp lệnh phong tỏa từ 17/3 đến 11/5, khi số người nhiễm và tử vong vì nCoV liên tục tăng. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa kéo dài làm gia tăng căng thẳng giữa người dân và lực lượng cảnh sát Pháp.

Tình trạng bất ổn lan rộng sau vụ một người đi môtô tốc độ cao không đội mũ bảo hiểm tông vào cửa xe cảnh sát đang đỗ ở đèn đỏ khu Villeneuve-la-Garenne, ngoại ô phía bắc Paris hôm 18/4.

Tại một quận ở Lyon, nhóm 30 thanh niên đã phá hủy một nhà chờ xe buýt, đốt thùng rác, đập vỡ kính vài ôtô, phá hủy cổng nhà trẻ với lý do "đòi công lý cho Villeneuve-la-Garenne".

Ở những thành phố khác như Toulouse, Strasbourg, Bordeaux, Versailles cũng xuất hiện các vụ phá hoại tương tự.

Đức báo cáo thêm 1.136 ca nhiễm và 126 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 151.784 và 5.404.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài.

So với phần lớn các nước châu Âu khác, Đức đã đối phó Covid-19 tốt hơn khi thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng và có hệ thống y tế được chuẩn bị tốt. Tuy nhiên, bà Merkel cảnh báo Đức vẫn đang đi trên "băng mỏng".  

Trong khi toàn bộ 16 bang của Đức bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở các cửa hàng và giao thông công cộng, một số biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế Covid-19 đã được giảm bớt.

Thủ tướng Đức cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường xét nghiệm và không nên đánh đổi những thành quả đã đạt được, nhấn mạnh đại dịch chỉ có thể chấm dứt khi vaccine được phát triển thành công.

Đức cũng đang trải qua sụt giảm kinh tế do hậu quả của các hạn chế để ngăn chặn nCoV. Merkel nói với các nghị sĩ việc thực thi các hạn chế xã hội là một trong những quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của bà.

Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 139.246 ca nhiễm và 18.791 ca tử vong, tăng lần lượt 5.751 và 691. Thống kê ca tử vong tại Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện, số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người chết tại nhà và viện dưỡng lão.

Iran hiện là vùng dịch lớn nhất châu Á với 87.026 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 90 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 10 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng tổng số người chết lên 5.481.

Trung Quốc chưa báo cáo số liệu mới.

Dịch đang có dấu hiệu bùng phát mạnh mẽ tại Ấn Độ khi nước này ghi nhận 1.669 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 23.039. Số ca tử vong là 721, tăng 40 ca.

Theo Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), chỉ 31% các bệnh nhân nCoV được xét nghiệm có triệu chứng, 69% còn lại không có triệu chứng nào.

Bộ Y tế Ấn Độ cho hay họ đang sử dụng phương pháp truy vết tiếp xúc và giám sát cộng đồng nhằm đối phó với các ca nhiễm không triệu chứng.

"Bằng cách đó, chúng tôi có thể xác định bệnh nhân bị nhiễm ở giai đoạn sớm, điều trị cho họ và giảm tỷ lệ tử vong", quan chức Bộ Y tế Lav Aggarwal hôm qua nói.

Tại Đông Nam Á, Singapore báo cáo thêm 1.037 ca nhiễm, gồm 21 công dân và thường trú nhân, còn lại là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá.

Nước này là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với tổng cộng 11.178 ca nhiễm, trong đó 12 người đã chết.

21 ký túc xá cho lao động nhập cư ở Singapore được tuyên bố là khu vực cách ly. Công nhân tại đây phải được cách ly trong phòng 14 ngày.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố gói giải pháp "cầu dao" để ngăn chặn Covid-19 lây lan sẽ gia hạn đến 1/6, trong khi các quy tắc hiện hành được thắt chặt hơn trong hai tuần tới. 

Indonesia ghi nhận thêm 357 ca nhiễm và 11 ca tử vong do nCoV, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 7.775 và 647, trong khi 960 người đã hồi phục.

Quan chức Bộ Y tế Achmad Yurianto cho biết Indonesia đã xét nghiệm cho hơn 48.600 người. 

Chính phủ Indonesia từng khước từ các biện pháp phong tỏa hoàn toàn do lo ngại ảnh hưởng đến kinh tế.

Tuy nhiên, Tổng thống Joko Widodo đang kêu gọi xem xét mở rộng khẩn cấp những biện pháp nhằm ngăn chặn Covid-19. Thủ đô Jakarta thông báo sẽ kéo dài "cách biệt cộng đồng" đến 22/5. 

Philippines, vùng dịch lớn thứ ba Đông Nam Á, báo cáo thêm 271 ca nhiễm và 16 ca tử vong do nCoV, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên 6.981 và 462. Thêm 29 bệnh nhân hồi phục, đưa số người hồi phục lên 722. 

Để ngăn chặn virus lây lan, chính phủ Philippines đã áp đặt các biện pháp kiểm dịch cộng đồng ở đảo chính Luzon hơn một tháng qua, đình chỉ hầu hết hoạt động kinh doanh, trường học và giao thông công cộng để mọi người ở nhà.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sắp tới sẽ quyết định dỡ bỏ hoặc gia hạn các biện pháp kiểm dịch ở Luzon khi thời hạn 30/4 đã cận kề.

Malaysia ghi nhận 5.603 ca nhiễm và 95 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 71 ca nhiễm và hai ca tử vong trong 24 giờ qua. Chính phủ Malaysia đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc, đi kèm với loạt biện pháp cách biệt cộng đồng để kiềm chế đại dịch.

Thái Lan báo cáo thêm 13 ca nhiễm và một ca tử vong do nCoV, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.839 và 50.

Dù số ca nhiễm mới đã giảm trong những ngày gần đây, giới chức nước này vẫn thận trọng với việc nới lỏng các biện pháp chống dịch.

Tình hình Covid-19 tại các quốc gia Đông Nam Á còn lại không biến động. Đông Timor và Lào vẫn là hai nước chịu ít ảnh hưởng nhất, với lần lượt 23 và 19 ca nhiễm nCoV. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào chưa ghi nhận ca tử vong nào.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục