Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 1.844.410 ca nhiễm và 113.948 ca tử vong do nCoV tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 76.555 và 5.667 ca so với hôm qua. 421.497 người đã hồi phục.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 554.226 ca nhiễm nCoV, tăng 29.323 trường hợp so với hôm qua, trong đó 21.994 người chết.
Chuyên gia y tế cảnh báo số người chết tại Mỹ có thể tăng lên 200.000 vào mùa hè nếu các biện pháp hạn chế đi lại và cách biệt cộng đồng được gỡ bỏ sau 30 ngày.
Tổng thống Donald Trump hôm 10/4 nói ông đang đối mặt với quyết định khó khăn nhất sự nghiệp chính trị của mình, đó là xác định thời điểm mở cửa lại nền kinh tế Mỹ.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.804 ca nhiễm và 603 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 166.831 và 17.209.
Nước này là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Chính phủ Tây Ban Nha đã ra lệnh kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 25/4 và có thể gia hạn dù tình hình dịch bệnh có nhiều tín hiệu tích cực.
Khẩu trang sẽ được phát miễn phí tại trạm tàu điện ngầm và ga xe lửa từ ngày 13/4 khi một số công ty mở cửa trở lại sau thời gian "ngủ đông" hai tuần, Bộ trưởng Y tế Ana Mato cho hay.
Italy phát hiện 4.092 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 156.363, trong đó 19.899 người chết, tăng 431 ca.
Italy từ ngày 9/3 phong tỏa toàn quốc, yêu cầu dân chúng ở nhà và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu.
Thủ tướng Giuseppe Conte ngày 11/4 gia hạn phong tỏa đến 3/5, nhưng cho phép một số loại cửa hàng mở lại vào tuần tới, như hiệu sách, tiệm văn phòng phẩm và cửa hàng bán quần áo trẻ em. Conte cho biết ông sẽ tiếp tục đánh giá xu hướng Covid-19 hàng ngày và "hành động phù hợp" nếu điều kiện cho phép.
Pháp là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới với 132.591 người dương tính nCoV và 14.393 người chết, tăng lần lượt 2.937 và 561 ca so với hôm trước.
Pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3, dự kiến kéo dài đến 15/4. Tuy nhiên, chính quyền Pháp được cho là sẽ gia hạn phong tỏa vì biện pháp này đang cho thấy tính hiệu quả trong kiềm chế dịch.
Đức báo cáo thêm 2.402 ca nhiễm, nâng tổng số người dương tính nCoV lên 127.854, trong đó 3.022 người chết.
Chính phủ Đức đã đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến 19/4. Nước này dự kiến ra mắt ứng dụng điện thoại theo dõi các chuỗi lây nhiễm vào cuối tháng.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho hay Covid-19 sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự Liên minh châu Âu (EU) khi Đức đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của khối trong 6 tháng cuối năm nay.
Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 84.279 người nhiễm. Số ca tử vong trong 24 giờ qua tăng thêm 737, nâng số người chết vì nCoV lên 10.612.
Các chuyên gia Mỹ cảnh báo Anh sẽ trở thành quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng lớn nhất vì Covid-19 ở châu Âu, có thể chiếm hơn 40% ca tử vong ở châu lục.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 12/4 xuất viện ở London và sẽ tiếp tục điều trị Covid-19 tại nhà nghỉ dưỡng ở vùng ngoại ô Chequers.
Trong video đăng trên Twitter sau khi rời bệnh viện, ông gửi lời cảm ơn tới Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Anh vì đã "cứu mạng mình".
Thủ tướng Johnson đồng thời cảm ơn mọi người dân Anh vì đã tuân thủ hướng dẫn về cách biệt cộng đồng, nói thêm rằng ông tin tưởng những nỗ lực mà quốc gia đã theo đuổi sẽ được đền đáp. "Chúng ta sẽ đánh bại nCoV và đánh bại nó cùng nhau", ông nói.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa báo cáo số ca nhiễm và tử vong mới.
Iran là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 71.686 ca nhiễm và 4.474 người chết.
Tại Đông Nam Á, Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 4.683 ca nhiễm và 76 ca tử vong. Indonesia là nước có số người chết cao nhất khu vực với 373 trường hợp, tăng 46 ca so với hôm trước, trong tổng số 4.241 ca nhiễm.
Singapore phát hiện thêm 233 ca nhiễm, nâng tổng số lên 2.532, trong đó 8 người tử vong, không thay đổi so với hôm trước.