Hơn 15% cổ phần Eximbank mà SMBC sở hữu sẽ về tay ai?

0:00 / 0:00
0:00
Eximbank (mã EIB) sẽ tiến hành ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vào tháng 4/2022. ĐHĐCĐ lần này sẽ quyết định nhiều vấn đề đột phá phát triển của Ngân hàng này.
Hơn 15% cổ phần Eximbank mà SMBC sở hữu sẽ về tay ai?

Cuộc chiến “vương quyền” tại Eximbank đã chấm dứt?

Nhân sự cấp “thượng tầng” Eximbank dần ổn định khi cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ hai thành công trong ngày 15/2/2022 bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới.

Trong đó, đáng quan tâm nhất là cuộc họp cổ đông ngày 15/2 của đã chốt xong danh sách 7 ứng viên trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ VII (2022-2025) theo tỷ lệ phiếu từ cao xuống thấp, gồm có: ông Võ Quang Hiển; ông Nguyễn Hiếu; Lê Hồng Anh; Đào Phong Trúc Đại; Lương Thị Cẩm Tú; Nguyễn Thanh Hùng; Đỗ Hà Phương.

Như vậy, sau gần 1 thập kỷ tranh chấp và ròng rã 4 năm mới có thể họp ĐHĐCĐ thành công và bầu được HĐQT. Đáng chú ý, bà Lương Thị Cẩm Tú đã được bầu vào ghế "nóng" Chủ tịch Eximbank.

Điều này kỳ vọng cục diện tại ngân hàng Eximbank sẽ thay đổi trong thời gian tới, chấm dứt cuộc tranh chấp giữa các cổ đông kéo dài.

Cụ thể, HĐQT Eximbank vừa họp bầu Chủ tịch HĐQT vào chiều 17/2/2022. Theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú, Thành viên HĐQT được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.

Trước đó, bà được bầu làm thành viên HĐQT Eximbank trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 diễn ra vào ngày 15/2, với tỷ lệ phiếu bầu 62,2%. Đáng chú ý, bà cũng là thành viên HĐQT duy nhất của nhiệm kỳ cũ có tên trong danh sách ứng cử và đề cử vào HĐQT mới.

Trong 5 năm ở Eximbank, từ năm 2018 tới nay, bà Tú nhận được sự ủng hộ của đa số các cổ đông và cán bộ nhân viên ngân hàng. Vào tháng 3/2019, bà còn được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay thế cho ông Lê Minh Quốc.

Với vai trò là thành viên HĐQT, lại là thành viên nữ duy nhất, bà Tú được đánh giá là người có vai trò trung hòa trong các mối quan hệ giữa các nhóm cổ đông ở Eximbank. Để đi đến quyết định bổ nhiệm nhân sự quan trọng này, HĐQT Eximbank đã tổ chức họp theo đúng quy định.

Bà Lương Thị Cẩm Tú nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của toàn thể thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) với 7/7 phiếu bầu. Qua đó, HĐQT Eximbank đã thể hiện sự thống nhất, đồng lòng và đoàn kết cao trong việc hoàn chỉnh bộ máy lãnh đạo vì sự phát triển của ngân hàng, lợi ích của khách hàng và cổ đông cùng toàn thể cán bộ nhân viên.

Bà Lương Thị Cẩm Tú sinh năm 1980, có trình độ Cử nhân Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Văn Lang, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Griggs. Bà từng là một trong những lãnh đạo ngân hàng trẻ tuổi nhất hệ thống ngân hàng khi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Nam A Bank vào năm 2015 - lúc đó bà 35 tuổi.

Trước khi làm Tổng giám đốc Nam A Bank, bà từng được biết đến là một trong những lãnh đạo tiềm năng của Sacombank.

Ngoài tên tuổi gắn với ngân hàng, bà từng là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa, được nhận Giải thưởng Doanh nhân ASEAN tiêu biểu năm 2015; từng là thành viên HĐQT Công ty Đường Ninh Hòa...

Bên cạnh ổn định HĐQT, Eximbank đã chốt Trưởng BKS nhiệm kỳ 2020-2025. Căn cứ kết quả biểu quyết, BKS đã thông qua việc bầu ông Ngô Tony giữ chức danh Trưởng BKS Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025) từ ngày 15/2.

Trưởng Ban kiểm soát vừa trúng cử - ông Ngô Tony - là người được đề cử bởi CTCP Đầu tư và Dịch vụ Helios, CTCP Thắng Phương, bà Lê Thị Mai Loan, và ông Nguyễn Hồ Nam.

Trước đó, sóng gió tại Eximbank chính thức nổi lên từ năm 2019 khi bà Lương Thị Cẩm Tú bất ngờ được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank vào tháng 3/2019, thay thế ông Lê Minh Quốc, nhưng ông Quốc không công nhận.

Giữa lúc tranh chấp “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT căng thẳng, ĐHĐCĐ lần 1 năm 2019 không được tiến hành khi không đủ túc số. ĐHĐCĐ lần 2 năm 2019 đủ điều kiện tiến hành nhưng xảy ra cuộc tranh cãi nảy lửa, một số nhóm tuyên bố không công nhận chủ tọa cuộc họp và không tin vào ban kiểm phiếu khiến cuộc họp do đó phải dừng lại giữa chừng.

Cuộc chiến “vương quyền” kéo dài những năm qua khiến 2 năm liền Eximbank trống ghế Tổng giám đốc, mãi đến ngày 8/9/2021 mới chính thức bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc, sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Tuy nhiên, HĐQT lục đục với những lần bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch trong giây lát. Chỉ trong 1 năm (2019-2020), Eximbank có tới 4 người lên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch: Ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh.

Năm 2021, Eximbank có 2 Chủ tịch chỉ trong 1 giờ. Ngân hàng bất ngờ miễn nhiệm ông Yasuhiro Saitoh khỏi “ghế nóng” ngày 13/4 và bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời thay thế, nhưng ngay sau đó lại tái bổ nhiệm lãnh đạo người Nhật (không phải là đại diện phần vốn của SMBC).

Đại hội cổ đông Eximbank luôn là điểm nóng dù họp bất thành trong 4 năm trước khi tiến hành thành công trong ngày 15/2/2022.

Còn về cơ cấu của đông của Eximbank được công bố công khai hiện có SMBC đang sở hữu 15% vốn Eximbank, nhưng mới đây, Ngân hàng đã chấm dứt trước hạn thỏa thuận liên minh chiến lược với SMBC, kết thúc 14 năm hợp tác..

Ngoài ra, cổ đông Eximbank, còn có Vietcombank đang nắm giữ 4,5% cổ phần tại Eximbank, VOF Investment Limited sở hữu 4,97%.

Cơ cấu cổ đông Eximbank đã có thay đổi đáng kể trong những năm trở lại đây với bóng dáng của một số nhóm cổ đông mới - cũng là doanh nghiệp lớn trên thị trường.

Mặc dù trước đó các thông tin đưa ra khó có thể xác định được liên minh nào đang trầm trịch Eximbank, song tân Chủ tịch Eximbank đã nhận được sự tín nhiệm của các nhóm cổ đông và phía sau có một ngân hàng từng là cổ đông nắm trên 35% cổ phiếu Eximbank.

Đồng thời, cũng là nơi Chủ tịch Eximbank từng công tác ở vị trí điều hành cao nhất, cho dù trước đó nhà băng này tiết lộ đã thoái phần vốn nắm giữ tại Eximbank để tập trung phát triển bằng nội lực.

Trong khi đó, một nguồn tin khác cho rằng, một tập đoàn bất động sản lớn đã nhận chuyển nhượng tổng cộng khoảng 38-40% cổ phần Eximbank trong các đợt giao dịch thỏa thuận gần đâ và đang hoàn tất thủ tục còn lại.

Vì thế, tập đoàn bất động sản trên vẫn chưa cử người tham gia Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát Eximbank. Ngoài ra, theo quy định trong lĩnh vực ngân hàng, bên mua cần nắm giữ cổ phiếu tối đa 6 tháng mới được quyền đề cử người tham gia Hội đồng Quản trị.

Đối tác ngoại thương thảo chuyển nhượng cổ phần tại Eximbank

Ngày 18/3/2022, Ngân hàng Nhật Bản Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC) đã chính thức có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank.

Dù chấm dứt liên minh với Eximbank, định chế tài chính này cho biết, vẫn tiếp tục nâng cao hơn nữa chiến lược phát triển tại Việt Nam, không chỉ thông qua các chi nhánh hiện tại của tổ chức này tại Hà Nội, TP.HCM mà còn thông qua việc hợp tác với VPBank SMBC Finance (FE Credit).

Trước đó, cuối năm 2021, SMBC đã mua 49% vốn của công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu Việt Nam FE Credit. Thương vụ này có giá trị lên tới 150 tỷ yên, tương đương 1,26 tỷ USD.

Eximbank và SMBC đã tham gia vào liên minh chiến lược từ năm 2007, và sau đó SMBC đã mua lại 15% vốn cổ phần của ngân hàng. Cả hai đã tham gia hợp tác trong nhiều hoạt động tại Việt Nam. "Tuy nhiên, những thay đổi quan trọng trong môi trường kinh doanh đã dẫn đến việc cả 2 bên đồng ý ngưng liên minh", SMBC cho biết.

Theo đó, hai bên sẽ dừng hợp tác kinh doanh ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam, chấm dứt việc cùng hỗ trợ các khách hàng Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, việc hợp tác phát triển tài trợ thương mại, hỗ trợ kỹ thuật cho Eximbank.

Nhưng SMBC hiện vẫn sở hữu hơn 185,3 triệu cổ phiếu EIB, chiếm 15,07% vốn cổ phần ngân hàng. "Các cuộc thảo luận liên quan đến tương lai của số cổ phiếu trên đang được tiến hành. Hiện chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra ở thời điểm này", nội dung thông cáo viết.

Trước đó, hồi đầu tháng 2, Eximbank cũng đã thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh với cổ đông Nhật Bản SMBC. Tại ĐHĐCĐ thường niên hôm 15/2, Cựu Chủ tịch Eximbank - ông Yasuhiro Saitoh cho biết, SMBC đã giảm bớt lượng nhân viên biệt phái từ đầu năm nay và đã chấm dứt thỏa thuận liên minh, không còn là cổ đông chiến lược từ đầu năm 2021.

Tuy nhiên, đơn vị này vẫn còn năm giữ 15% vốn và sẽ tiếp tục là cổ đông Eximbank trong thời gian tới. SMBC cũng đề cử ông Võ Quang Hiển (SN 1969), Giám đốc điều hành Bộ phận Tài trợ thương mại toàn cầu Ngân hàng Sumitomo Mitsui – Chi nhánh Singapore tham gia vào HĐQT của ngân hàng. Ông Hiển được nhiều cổ đông ủng hộ nhất.

Việc SMBC chấm dứt liên minh với Eximbank khiến thị trường đồn đoán nhà đầu tư Nhật Bản cũng sẽ thoái 15% vốn tại Eximbank để mở đường rót vốn vào VPBank - nhất là sau khi mối quan hệ hai bên trở lên gắn bó sau thương vụ FE Credit.

Sự kỳ vọng này càng được củng cố khi VPBank đã chốt room ngoại ở mức 17,5% để chuẩn bị phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, và lãnh đạo VPBank cũng nhiều lần chia sẻ SMBC là đối tác tiềm năng.

Ở chiều hướng ngược lại, việc SMBC thoái vốn khỏi Eximbank cũng sẽ đem lại cơ hội cho nhóm cổ đông muốn nắm quyền chi phối lớn tại Eximbank nếu nhận chuyển nhượng 15% vốn này. Điều quan trọng là việc đàm phán về vấn đề giá chuyển nhượng.

Tuy nhiên, cổ đông, nhà đầu tư và thị trường vẫn kỳ vọng Eximbank sớm ổn định để từng bước đưa ngân hàng phát triển trở lại. Bởi chính bất ổn “thượng tầng” trong thời gian dài đã khiến Eximbank từ ngân hàng tư nhân top đầu tụt sâu xuống dưới.

Thực vậy, lợi nhuận năm 2021 của Eximbank chỉ còn đứng thứ 19 trong hệ thống, thấp hơn nhiều ngân hàng nhỏ, ngân hàng tầm trung.Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng Eximbank ghi nhận chỉ đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.340 tỷ đồng.

Bước sang trang mới, HĐQT Eximbank đề ra mục tiêu tổng tài sản năm 2022 đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Huy động vốn dự kiến đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5% đạt 115.700 tỷ đồng.

Trong đó đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự kiến là 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021. Thu nhập ngoài lãi tăng 216 tỷ đồng lên 1.159 tỷ đồng.

Nhưng kế hoạch trên Eximbank vẫn phải chờ đại hội cổ đông thường niên 2022 diễn ra trong tháng 4 tới để trình cổ đông thông qua.

HĐQT Eximbank cho biết, tính đến ngày 30/03/2021, Eximbank đã thanh toán hết trái phiếu đặc biệt VAMC. Do đó, Eximbank đã có văn bản trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Eximbank được chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021.

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Eximbank sẽ trình cổ đông phương án phân phối cụ thể, dự kiến với số lợi nhuận được chia sau khi trừ các quỹ năm 2018, 2019, 2020 là gần 2.214 tỷ đồng. Sau khi trừ đi số cổ phiếu quỹ, Eximbank dự kiến chi cổ tức 1.800 đồng/cổ phiếu.

Trước câu chuyện riêng của Eximbank hiện nay, nhất là với thông tin SMBC sẽ đang thương thảo chuyển nhượng cổ hơn 15% cổ phần tại Eximbank là chất xúc tác lên cổ phiếu EIB trong thời gian gần đây.

Chốt phiên ngày 25/3, giá cổ phiếu EIB đạt mức 36.800 đồng/cổ phiếu, tăng mạnh trong một năm qua và thường lội ngược dòng trong thời gian gần đây, cho dù nhiều thời điểm giá cổ phiếu "vua" rực lửa.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục