Thủ tướng lưu ý: Phân cấp chứ không phải bao cấp
“Trước khi tổ công tác đến đây, Thủ tướng đã gọi tôi lên để nói sáu vấn đề cần truyền đạt đến Bộ Xây dựng.
Thủ tướng nói Bộ trưởng Phạm Hồng Hà rất trách nhiệm, phát biểu thẳng thắn trong các phiên họp Chính phủ, nhưng một mình Bộ trưởng thì chưa đủ, cần có sự chuyển động mạnh mẽ hơn của bộ xây dựng lẫn địa phương trong lĩnh vực này” - ông Mai Tiến Dũng nói.
Theo ông Dũng, vấn đề thứ nhất được Thủ tướng lưu ý là phải khẩn trương trong xây dựng thể chế, để Luật Xây dựng năm 2014 đi vào cuộc sống, có gì vướng mắc thì phải tháo gỡ ngay.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải tiến hành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nhanh nhất nghị định 59 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
“Hiện nay các bộ, địa phương đều phản ánh thủ tục rườm rà, vướng mắc của nghị định 59 khiến công tác giải ngân vốn đầu tư khó khăn, mất thời gian hơn. Doanh nghiệp, địa phương phản ánh rằng các dự án cứ điều chỉnh tí xíu là phải lên Bộ Xây dựng, gây khó khăn, lãng phí thời gian của doanh nghiệp, người dân. Thủ tướng yêu cầu sửa nghị định này theo tinh thần phân cấp chứ không phải bao cấp” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thứ hai, công tác quy hoạch là cực kỳ quan trọng, từ quy hoạch đô thị đến nông thôn, nhưng do thực hiện không nghiêm nên xảy ra tình trạng dễ dàng điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch. Đề nghị Bộ Xây dựng hết sức quan tâm vấn đề này. Từ những việc như dồn nén dân vào trung tâm, cấp phép xây dựng… đang gây bức xúc trong dư luận.
Để giải quyết vấn đề này, cần phân cấp rõ đâu là thẩm quyền của địa phương, đâu là thẩm quyền của Bộ Xây dựng, địa phương có thẩm quyền cấp phép nhưng Bộ Xây dựng phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy hoạch.
Thứ ba là vấn đề nhà ở, Thủ tướng lưu ý chính sách phát triển nhà ở là chính sách hết sức quan trọng trong phát triển đất nước. Đặc biệt là vấn đề nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở đô thị, không dồn nén dân cư vào trung tâm, xây quá nhiều nhà cao tầng.
Thứ tư, về phát triển thị trường nhà ở. Bộ cần quan tâm đánh giá đúng thực trạng thị trường, đặc biệt là cung - cầu. Làm sao để đảm bảo phát triển lành mạnh, bởi thị trường nhà ở liên quan đến sự an toàn của hệ thống tín dụng, ngân hàng.
Thứ năm, là vấn đề vật liệu xây dựng và môi trường. Thủ tướng lưu ý phải đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo các vật liệu mới, vật liệu tái chế, vật liệu tại chỗ, vật liệu thân thiện với môi trường để đưa vào sản xuất, xây dựng.
Thứ sáu là vấn đề cổ phần hóa. Hiện nay đang đặt ra vấn đề về việc công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán; thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, hiện nay tỷ lệ vẫn rất thấp. Bộ Xây dựng cần đặc biệt lưu ý công tác này, tránh để xảy ra tình trạng trục lợi trong quá trình cổ phần hóa.
Cả nước có hơn 1.000 ban quản lý dự án ODA
Về sự chậm trễ trong việc trình Chính phủ nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 59 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chỉ đạo cơ quan tham mưu báo cáo. Vị này cho biết sau khi được giao nhiệm vụ, cơ quan tham mưu của bộ đã khẩn trương dự thảo, đăng tải công khai và nhận được hơn 120 ý kiến đóng góp.
“Nhưng đây là một nghị định khó, có những ý kiến khác nhau. Sau khi có Luật Xây dựng (năm 2014), khi ban hành nghị định 59 cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định sẽ phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong cấp phép đầu tư xây dựng - Ảnh: Lê Kiên
Nghị định rất “đụng chạm” bởi buộc các bộ, ngành, địa phương phải sắp xếp lại các ban quản lý các dự án. Riêng tổng số ban quản lý dự án ODA trong cả nước đã hơn 1.000 ban rồi, con số rất khủng khiếp” - vị này nói.
Giải thích thêm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói: “Nghị định 59 quy định chi tiết một số vấn đề mà Luật Xây dựng chỉ quy định nguyên tắc. Đây là nghị định không phải dễ, nó rất phức tạp, bởi ngành xây dựng rất là đặc thù.
Đặc thù của ngành xây dựng là muốn phân cấp, muốn xây dựng như thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng vẫn phải đảm bảo chất lượng, chống được tham nhũng, trục lợi trong xây dựng”.
Bộ trưởng Hà khẳng định nghị định 59 là Bộ Xây dựng chủ động đề xuất sửa đổi, nên rất tích cực. Sở dĩ có sự chậm trễ so với yêu cầu của Chính phủ là do nội dung của nghị định này có quá nhiều vấn đề.
“Lần này chúng tôi sửa đổi theo hướng phân cấp rất mạnh mẽ cho địa phương, các bộ chuyên ngành, các tổng công ty và tập đoàn. Lâu nay báo chí cứ nói rằng tại sao ở các địa phương nhà 20 tầng mà Bộ Xây dựng vẫn cấp phép dự án, bây giờ sẽ phân cấp cho địa phương cấp phép nhà 25 tầng trở xuống” - ông giải thích.
Và nhấn mạnh: “Nhưng tôi muốn nói thêm, đối với các công trình cao từ 75m trở lên thì nó đòi hỏi quy trình rất khắt khe để đảm bảo an toàn, do đó phải có bộ chuyên ngành thẩm định.
Về số tiền, trước đây phân cấp từ 5 tỉ trở xuống thì các chủ đầu tư được quyết, bây giờ nâng lên 15 tỉ. Có người cũng nói rằng 15 tỉ là số tiền không nhỏ của ngân sách, cho nên cũng cần thẩm định kỹ.
Lần này chúng tôi sửa theo hướng phân cấp cho các chủ đầu tư tự thẩm định, nếu không đủ năng lực thẩm định thì có thể gửi đến Bộ Xây dựng thẩm định”.
Đề cập đến sự chậm trễ cho cấp phép một số dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “Tôi đã phát biểu ở Chính phủ là có tới 22 nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư nhà nước, chứ không phải chỉ thủ tục hành chính. Tôi phải nói lại như vậy cho rất rõ ràng. Tinh thần là tới đây tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, sẽ trình Chính phủ ngay”.