Trong hội thảo Invest ASEAN 2015 được tổ chức bởi Ngân hàng Maybank, ngân hàng lớn thứ 4 về tài sản trong khối ASEAN tại Singapore hôm 31/3, Giám đốc điều hành Maybank Kim Eng, ông John Chong nhận định, hội nhập kinh tế sẽ kích thích tăng trưởng mạnh mẽ các hoạt động M&A.
“Chúng tôi mong đợi sẽ có nhiều hơn nữa các hoạt động M&A khi các doanh nghiệp trong khu vực tiến hành sáp nhập. Các hoạt động huy động vốn cũng sẽ tăng lên do các doanh nghiệp mở rộng thị trường trong khu vực và có thêm nhiều nhu cầu về cơ sở hạ tầng mới”, ông Chong nói.
Dẫn số liệu của Bloomberg, ông Chong cho biết, các thương vụ sáp nhập nội khối ASEAN chiếm 22% trên tổng số thương vụ sáp nhập với các công ty trong khối ASEAN với thế giới trong năm 2014. "Con số này có thể sẽ lên tới 25% trong năm 2015", ông Chong nói.
Trong khu vực Đông Nam Á, niềm tin kinh doanh đang ở mức tương đối cao, tạo ra thị trường cho các thương vụ M&A trong năm 2015. Các chuyên gia cho rằng, dòng chảy vốn từ Nhật Bản vào khu vực, cũng như sự bùng nổ trong đầu tư thương mại điện tử và mở cửa kinh tế của Myanmar là những điểm nhấn đáng chú ý. Theo một nghiên cứu cho thấy, các công ty nước ngoài đã đầu tư gần 50 tỷ USD vào một số ngành dọc của Myanmar, bao gồm dầu khí, sản xuất, khai thác khoáng sản, khách sạn và du lịch, giao thông vận tải và hậu cần, bất động sản, chăn nuôi và thủy sản, nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Đông Nam Á luôn là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Các công ty nước ngoài được hưởng lợi do lực lượng hùng hậu lao động trẻ và rẻ ở các nước như Campuchia, Indonesia và Việt Nam. Sự gia tăng gần đây của các thương vụ M&A trong khu vực một phần được thúc đẩy bởi chi phí nhân công tăng tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, các công ty được nhắm đến tại ASEAN thường rẻ hơn so với các công ty cùng loại tại châu Âu và Mỹ.
Nghiên cứu của Maybank Kim Eng cho thấy, ASEAN hiện đang ở điểm cong trong việc sử dụng chi phí vốn. Một khi các rào cản thương mại được loại bỏ dần và khu vực ASEAN chứng kiến một bước nhảy vọt của nhu cầu vốn, đây sẽ là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực trong những năm tới.
Theo ông Feisal Zahir, Giám đốc bộ phận ngân hàng toàn cầu của Tập đoàn Maybank, nguồn vốn nước ngoài trong nội bộ ASEAN vẫn tăng trưởng đều đặn trong 5 năm qua, từ khoảng 10% năm 2009 lên đến ước tính khoảng 22% trong năm 2014.
“Vốn nước ngoài vào ASEAN tăng từ 91 tỷ USD năm 2011 lên ước tính khoảng 123 tỷ USD năm 2014, điều này cho thấy tiềm năng cho sự phát triển liên tục", ông Zahir chia sẻ.
Thương mại nội khối ASEAN và thương mại của ASEAN với Trung Quốc cũng đang trên đà tăng trưởng, theo các nghiên cứu của Maybank Kim Eng. Trong năm 2016, thương mại nội khối ASEAN được ước tính sẽ là 30% tổng kim ngạch thương mại ASEAN và năm 2020 con số này được dự tính sẽ tăng lên đến 35%. Thương mại của ASEAN với đối tác thương mại chính là Trung Quốc đã và đang tăng trưởng tốt. Trung Quốc chiếm 12,9% tổng kim ngạch thương mại ASEAN vào năm 2012 và 14% trong năm 2013.
Theo nghiên cứu của McKinsey, dể đáp ứng nhu cầu đầu tư tăng cao, các nền kinh tế của khu vực ASEAN sẽ cần khoảng 7.000 tỷ USD cho các nhu cầu cơ sở hạ tầng từ năm 2014 đến 2030, bao gồm giao thông, điện, nước, viễn thông, bất động sản thương mại và nhà ở. Trong số 10 nước ASEAN, Việt Nam nói riêng có thể sẽ cần phải dành 700 tỷ USD để đáp ứng các nhu cầu cơ sở hạ tầng của tăng trưởng đầu tư.
Hội thảo Invest ASEAN 2015 với chủ đề “Capitalise on the Rise of ASEAN Consumers - nắm bắt cơ hội từ sự bùng nổ thế hệ người tiêu dùng trong khu vực ASEAN” đã thu hút gần 1.000 người tham dự, bao gồm đại diện 67 doanh nghiệp từ Malaysia, Singapore, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Hồng Kông và Ấn Độ, với tổng vốn hóa thị trường gần 152 tỷ USD, nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác kinh doanh nội khối trong thời gian tới.