Năm 2015 đã bắt đầu, cùng với những tin tức hội nhập dồn dập. Ngày đầu năm đồng thời là ngày bắt đầu lộ trình mở cửa cho năm 2015 của các FTA mà Việt Nam đã từng ký kết. Trong quãng vài tháng tới là viễn cảnh các FTA thế hệ mới đình đám như FTA Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ hoàn tất đàm phán. Xa hơn một chút, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và kỳ vọng về một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung đang ngấp nghé, với hạn chót là 31/12/2015.
Hội nhập và mở cửa, vì vậy đang là không khí mà các doanh nghiệp ta hít thở, sống và hoạt động hàng ngày. Cơ hội cũng như thách thức từ hội nhập cũng là việc mà doanh nghiệp phải suy tư, phải tính toán và phải đối mặt hàng ngày.
Dòng chảy bình thường
Nghe thì có vẻ lạ, nhưng đằng thẳng mà nói thì năm 2015 không có những biến động thực sự lớn về chính sách trong mở cửa thị trường Việt Nam cho các đối tác, cũng như ngược lại.
Điều này đúng trước hết với cả 8 FTA mà Việt Nam đã lần lượt ký kết trong khuôn khổ ASEAN (mà đáng kể là Hiệp định thương mại hàng hóa giữa các nước ASEAN-ATIGA), ASEAN+ (5 Hiệp định giữa các nước ASEAN với 6 đối tác bên ngoài ASEAN) và song phương (với Nhật Bản, Chi Lê). Đây là những FTA đã có hiệu lực từ chí ít vài năm rồi, 2015 cũng sẽ giống các năm trước, Việt Nam và các đối tác tiếp tục thực hiện lộ trình mở cửa cho nhau mà thôi. Cũng xin nói thêm là sở dĩ các nước phải thỏa thuận về “lộ trình” mở cửa là để “tự do hóa dần dần”, một liệu pháp chống sốc cho các nền kinh tế cũng như cho một số ngành chưa sẵn sàng cạnh tranh ngay từ khi FTA có hiệu lực. Nằm trong lộ trình chống sốc đó, 2015 vì vậy về nguyên tắc sẽ không có chính sách tự do hóa đột ngột nào.
Điều này cũng đúng với các FTA mà Việt Nam vừa hoặc hy vọng là sẽ hoàn tất đàm phán trong năm 2015. FTA với Hàn Quốc và Liên minh thuế quan đã kết thúc đàm phán, nhưng chưa ký chính thức, mà sau khi ký chính thức thì cũng còn cần một khoảng thời gian không phải là ngắn cho việc hoàn tất cả thủ tục phê chuẩn nội bộ và chuẩn bị thực thi. Chẳng đâu xa xôi, ngay như FTA gần đây nhất và cũng khá đơn giản là FTA Việt Nam - Chi Lê, thì từ khi ký kết cho tới lúc có hiệu lực thực thi chính thức, phải mất tới hơn 2 năm. Với những FTA thế hệ mới mà ta đang đàm phán như EVFTA (với EU) hay TPP, giả sử cứ lạc quan mà cho rằng, có thể ký kết trong năm nay đi nữa, thì với độ phức tạp đặc biệt cả về đối tác lẫn nội dung đàm phán, “quãng chờ” từ ký kết tới có hiệu lực này dự kiến còn lâu hơn nhiều. Vì thế, năm 2015 sẽ chưa có chính sách mở cửa nào bắt buộc từ các FTA này.
Tất nhiên, các DN không thể bỏ qua các cam kết WTO, với mức độ mở cửa thị trường hạn chế hơn nhiều so với các FTA nhưng lại có diện áp dụng rất rộng, với hầu hết các đối tác thương mại của Việt Nam. Năm 2015 này, chúng ta bước sang năm thứ 9 thực thi các cam kết WTO. Ngoài một vài mặt hàng như một số loại cá, ô tô, xe máy... sẽ được tiếp tục giảm thuế trong năm 2015 theo lộ trình cam kết, Việt Nam đã hoàn thành lộ trình mở cửa dịch vụ, đầu tư trong WTO. Các đàm phán mở cửa mới trong WTO (Vòng Doha) thì ai cũng biết, vật vã đầy vơi hơn chục năm rồi vẫn chưa đi tới đâu, trừ Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, mà hiệp định này thì mục tiêu chủ yếu là cải cách thủ tục hải quan, không liên quan tới việc giảm thuế hay mở cửa thị trường.
... Và những con sóng ngầm
Đôi khi, nói vậy mà không phải vậy. Nhìn thẳng thì chính sách thương mại 2015 sẽ chẳng có thay đổi hay cú sốc đột biến nào. Trong khi nhìn xung quanh thì quả là nhiều điều cần lo lắng.
Có lẽ, nhiều người còn chưa quên những xôn xao gần đây trên thị trường bán lẻ, rằng các nhà bán lẻ nhiều tiền, thừa kinh nghiệm và lắm khôn ngoan từ nước ngoài đang len chân nhau tiến vào Việt Nam. Chuyện chẳng có gì mới về chính sách, vì cánh cửa thị trường Việt Nam đã mở cho họ từ năm 2009 rồi, theo lộ trình WTO. Dù vậy, không thể không đặt câu hỏi tại sao giờ này họ mới quyết định vào Việt Nam?
Mọi tính toán kinh doanh thì khôn cùng, là người ngoài cuộc chẳng thể nào dò cho chuẩn được. Nhưng có một sự trùng hợp về thời điểm có thể nhìn thấy: 2015 là năm mà Việt Nam hoàn tất việc loại bỏ hoàn toàn tới 90% số dòng thuế cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN. Điều này có nghĩa xấp xỉ 9.000 loại hàng hóa từ các nước này có thể vô tư vào Việt Nam mà không mất một đồng thuế nhập khẩu nào. Năm 2015 cũng là năm thứ 5, thứ 10 là thời hạn mở cửa một lượng lớn hàng hóa của nhiều FTA khác mà Việt Nam đã ký. Tức là lộ trình đến 2015 cũng đủ để có khoảng vài nghìn loại hàng hóa từ các nước đối tác khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand... tự do vào Việt Nam không mất thuế và nhiều nghìn loại hàng hóa khác vào với mức thuế thấp hơn thời gian trước. Xét riêng rẽ thì không lớn, nhưng hiệu ứng cộng gộp từ lộ trình mở cửa 2015 của hàng chục FTA này, rồi tác động cộng hưởng từ cả chục năm mở cửa dần dần, liệu có thể nhỏ được không? Khi hàng hóa vào dễ dàng rồi, người ta sẽ nghĩ tới việc thiết lập các kênh phân phối bán buôn, bán lẻ để hàng tới tay người tiêu dùng Việt Nam nhanh hơn, phải không?
Câu trả lời cho thắc mắc phía trên, rằng sao dạo này nhiều hãng bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam đến thế, biết đâu nằm ở đây một phần. Mà không chừng, tới đây chúng ta sẽ còn chứng kiến những cuộc đổ bộ tiếp theo của các dịch vụ khác phục vụ cho hàng hóa nhập khẩu, như logistics, ngân hàng...
Tất nhiên, cũng theo lộ trình mở cửa, ở chiều ngược lại, các đối tác cũng sẽ mở rộng cửa hơn cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Dù vậy, sân nhà mà chưa giữ được thì sân khách cũng chẳng dễ dàng gì bước sang. Đó là chưa kể tới việc có những doanh nghiệp thậm chí còn không biết thị trường xuất khẩu sẽ loại bỏ thuế mặt hàng nào để mà đón lõng thời cơ.
Không chỉ những FTA đã có hiệu lực, cả những FTA đang nằm trên bàn đàm phán kia cũng không phải là hoàn toàn bình lặng. Dường như đang có một cơn sóng ngầm từ các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam trong việc chuẩn bị những cơ sở tốt nhất cho sản xuất - kinh doanh để tận dụng ngay những lợi thế mở cửa thương mại khi TPP, EVFTA, VCUFTA, VKFTA... có hiệu lực. Bởi ở các FTA ấy, ưu đãi thuế quan đi kèm điều kiện xuất xứ, mà việc thay đổi nguồn nguyên liệu hay quy trình sản xuất đâu phải có thể thực hiện ngày một ngày hai. Bởi ở đó, những đòi hỏi bắt buộc về tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ đâu dễ đáp ứng chỉ trong một sớm một chiều...
Còn chúng ta đã có bao nhiêu doanh nghiệp có sự chuẩn bị này?
Bàn cờ hội nhập của 2015 như thế, bảo sao chúng ta cứ nhất định phải nhanh lên, cứ phải sốt ruột.