Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc, kết nạp thành viên thường trực

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 9/9, các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế mạnh nhất thế giới khai mạc Hội nghị thượng đỉnh thường niên tại Ấn Độ với việc kết nạp Liên minh châu Phi làm thành viên thường trực.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái) và Chủ tịch Liên minh châu Phi Azali Assoumani tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở New Delhi vào ngày 9/9/2023. Ảnh: AFP Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái) và Chủ tịch Liên minh châu Phi Azali Assoumani tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở New Delhi vào ngày 9/9/2023. Ảnh: AFP

Bất đồng về chiến sự

Động thái trên của G20 là một phần nỗ lực xây dựng G20 mang tính đại diện hơn. Tuy nhiên, khối này vẫn bị chia rẽ sâu sắc trong quan điểm về chiến sự Nga - Ukraine. Trong khi các quốc gia phương Tây lên án mạnh mẽ đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, thì các quốc gia khác lại đề nghị G20 tập trung vào các vấn đề kinh tế lớn hơn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác của G20 sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 9-10/9 ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ.

Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng, văn phòng và trường học ở New Delhi đã tạm đóng cửa và hạn chế giao thông như một phần của các biện pháp an ninh nhằm đảm bảo cuộc họp có quyền lực nhất thế giới diễn ra suôn sẻ.

Theo dự thảo tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh mà Reuters tiếp cận được, các nhà đàm phán G20 đã không thể giải quyết những bất đồng trong cách nhận định về chiến sự Nga - Ukraine, khiến các nhà lãnh đạo của khối này có thể sẽ phải thỏa hiệp.

Nội dung dự thảo tuyên bố dài 38 trang của G20 đã để trống đoạn "tình hình địa chính trị", trong khi 75 đoạn khác đều đã được nhất trí.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh lần này Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đề nghị các nước lớn hành động ứng phó khí hậu ở mức độ cao hơn, trong bối cảnh xuất hiện lo ngại G20 thiếu đồng thuận trong việc cắt giảm khí thải.

Các quốc gia G20 chiếm 80% lượng khí thải toàn cầu và quan điểm của họ đang được theo dõi sát sao trước cuộc họp COP 28 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đang tìm cách nâng cao uy tín của Ấn Độ với tư cách là một cường quốc, đã tuyên bố tư cách thành viên của Liên minh châu Phi (gồm 55 quốc gia châu Phi) trong G20 ngang hàng với Liên minh châu Âu.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Modi đã mời Liên minh châu Phi do Chủ tịch Azali Assoumani làm đại diện, ngồi vào bàn họp gồm các nhà lãnh đạo G20 với tư cách là thành viên thường trực.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay có sự tham gia của các quốc gia thành viên từ phương Tây và các đồng minh. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường được cử thay mặt Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Hội nghị. Tương tự, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ vắng mặt Hội nghị lần này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thái tử Mohammed Bin Salman của Saudi Arabia, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác, sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay.

Trước đó, Hội nghị thượng đỉnh G20 được kỳ vọng là nơi gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden sau nhiều tháng nỗ lực của hai cường quốc thế giới nhằm hàn gắn mối quan hệ bị rạn nứt do căng thẳng thương mại và địa chính trị.

Hy vọng sẽ ra được tuyên bố chung

Các nhà đàm phán G20 đã tranh luận nhiều ngày để tìm cách thống nhất những quan điểm khác biệt về chiến sự Nga - Ukraine, đồng thời hy vọng lôi kéo được Nga cùng tham gia để đưa ra "Tuyên bố của các nhà lãnh đạo".

Ngoại trưởng Sergei Lavrov là đại diện của Liên bang Nga tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này. Ông cho biết ông sẽ ngăn cản tuyên bố cuối cùng của khối này trừ khi nó phản ánh quan điểm của Moscow về Ukraine và các cuộc khủng hoảng khác.

Một nguồn tin nói với Reuters rằng một tuyên bố chung có thể đi đến một thỏa thuận nhất trí hoặc không. Nó có thể có các đoạn khác nhau thể hiện quan điểm của các quốc gia khác nhau. Hoặc nó có thể thể hiện sự đồng tình và bất đồng quan điểm trong một đoạn.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo "cho đến nay luôn là cách tốt nhất để ghi lại những gì đã được thống nhất, để các quốc gia có thể chịu trách nhiệm trong tương lai trước bên ngoài và để các chính phủ biết các nhà lãnh đạo của họ đã đưa ra những gì và họ cần làm gì trong nội bộ", ông Creon Butler, giám đốc chương trình tài chính và kinh tế toàn cầu tại tổ chức nghiên cứu chính sách Chatham House (Vương quốc Anh) nhận định.

Đông Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục