Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước vừa có Thông báo số 12/TB – BKHĐT về kết luận cuộc họp Hội đồng thẩm định Nhà nước về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô được tổ chức hôm 23/2/2022.
Theo đó, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đề nghị UBND TP. Hà Nội cần nghiên cứu kỹ Báo cáo thẩm định của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành, ý kiến của các thành viên Hội đồng, ý kiến thẩm định của các bộ, ngành, địa phương liên quan để tiếp thu tối đa và khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Cụ thể, UBND TP. Hà Nội phải nêu bật được tính quan trọng, vai trò của Dự án để có cơ sở đề xuất các cơ chế chính sách cũng như làm rõ tác động của việc đầu tư Dự án đối với nền kinh tế nói chung, nền kinh tế vùng nói riêng, sự phù hợp mục tiêu của Dự án với Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về hình thức đầu tư và phân chia dự án thành phần, Hội đồng đề nghị UBND TP. Hà Nội giải trình, làm rõ cơ sở, sự cần thiết tách các dự án thành phần tổng thể Dự án, trong đó thuyết minh rõ nguồn vốn của từng dự án để trình Quốc hội xem xét, quyết định; đồng thời chuẩn xác lại hình thức đầu tư Dự án là đầu tư công kết hợp với đầu tư PPP.
Cơ quan lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng cần làm rõ sự cần thiết về việc phân kỳ đầu tư Dự án, trong đó giai đoạn 1 giải phóng hoàn chỉnh toàn bộ mặt bằng Dự án với chiều rộng nền đường từ 90- 120m và chỉ đầu tư với quy mô bề rộng nền đường 17m - 17,5m); bảo đảm không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn khai thác của đường cao tốc, kết cấu công trình và hiệu quả toàn bộ Dự án.
Ngoài ra, UBND các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh cần phối hợp chặt chẽ rà soát và thống nhất sự hợp lý các yếu tố về quy mô mặt cắt ngang, trắc dọc, số lượng nút giao (đặc biệt là các nút giao Mê Linh và Hưng Yên) của tuyến đường vành đai 4 bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư, Hội đồng đề nghị UBND TP. Hà Nội, tư vấn rà soát kỹ các số liệu phương án thiết kế tối ưu nhất cũng như sự hợp lý của phương pháp xác định tổng mức đầu tư, việc tính toán lãi vay để có thể giảm tổng mức đầu tư Dự án, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.
Đặc biệt, Hội đồng đề nghị UBND TP. Hà Nội bám sát văn bản số 1068/VPCP-KTTH ngày 18/02/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc bố trí vốn cho đường Vành đai 3 TP. HCM và đường vành đai 4 – vùng Thủ đô (theo hướng ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng mức vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án).
Hiện nay, nguồn vốn ngân sách Trung ương của Dự án theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội khoảng 52,3% (29.687 tỷ đồng) trên tổng số nguồn vốn ngân sách Nahf nước (56.770 tỷ đồng). Vì vậy, Hội đồng đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến việc đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP, Hội đồng đề nghị thuyết minh làm rõ lý do, sự hợp lý việc đầu tư theo phương thức PPP với tỷ lệ vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư tham gia rất thấp (4.568 tỷ đồng) trong khi ngân sách Nhà nước tham gia (27.632 tỷ đồng) so sánh với phương án chuyển sang đầu tư công sẽ đạt được những lợi ích so với phương án đầu tư PPP.
Về cơ chế chính sách đặc thù, Hội đồng đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát, làm rõ cơ sở, lý do đề xuất bảo đảm logic xuyên suốt trong tổng thể Dự án, lưu ý thuyết minh làm rõ sự cần thiết việc đề xuất cơ chế chỉ định thầu của Dự án bảo đảm hợp lý.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2022, UBND TP. Hà Nội đã có tờ trình số 02/TTr – UBND kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là lần thứ 2, UBND TP. Hà Nội có tờ trình gửi Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long), đi qua địa bàn TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức hỗn hợp đầu tư công và đầu tư PPP gồm: Dự án thành phần 1 - GPMB (theo quy mô quy hoạch bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường 2 bên, hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia có tổng mức đầu tư 24.242 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng vốn đầu tư công; Dự án thành phần 2 – công tác xây dựng đường 2 bên, tổng mức đầu tư 9.399 tỷ đồng, dự kiến đầu tư vốn đầu tư công; Dự án thành phần 3 – đầu tư hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư 61.784 tỷ đồng.
Cần phải nói thêm rằng, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô theo quy hoạch sẽ gồm cao tốc chính tuyến quy mô 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên, các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ cho đường sắt vành đai.
Tổng chiều rộng mặt cắt ngang đoạn thông thường là 120 m, đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu có tổng chiều rộng mặt cắt ngang 135 m; một số vị trí đặc biệt đi qua khu đô thị, khu công nghiệp khó khăn về mặt bằng có thể thu hẹp phần dải dự trữ.
Trong giai đoạn phân kỳ, Dự án sẽ giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch nhưng chỉ xây dựng tuyến cao tốc có mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị, đường song hành; bề rộng nền đường cao tốc đi bằng là 17 m, đi trên cao là 17,5 m; bề rộng nền đường song hành mỗi bên là 12 m.
Với phương án đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô là 95.425 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 32.691 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 30.340 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư là 29.291 tỷ đồng (bằng 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP, bằng 31% tổng mức đầu tư dự án tổng thể); lãi vay là 3.003 tỷ đồng.