Học người Mỹ cách tạo dựng TTCK số 1

(ĐTCK) Finra có rất nhiều cách giám sát TTCK, nhưng điểm thú vị được Phó chủ tịch Finra tiết lộ là chính email và điện thoại liên lạc giữa nhà đầu tư và CTCK, là nguồn phát hiện ra nhiều gian trá, vi phạm trên TTCK Mỹ.
Đoàn công tác của Bộ Tài chính làm việc với Sở GDCK Nasdaq Đoàn công tác của Bộ Tài chính làm việc với Sở GDCK Nasdaq

Ngày làm việc thứ hai tại New York - thành phố của những bức tường, nơi có TTCK lâu đời nhất và phát triển nhất thế giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì đoàn công tác đến làm việc tại Sở GDCK Nasdaq và Cơ quan giám sát TTCK Finra, với mong muốn học người Mỹ cách xây dựng một TTCK phát triển.

Tại đây, Bộ trưởng bày tỏ bài toán khó mà Việt Nam đang cần tìm lời giải là tái cấu trúc 2 sở GDCK, làm sao để tạo động lực mới, thực hiện mục tiêu xây dựng TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo tại Việt Nam.

Mục sở thị Finra - cơ quan giám sát TTCK

125 triệu USD là số tiền Finra – một tổ chức tự quản hoạt động trên TTCK Mỹ đã thu được từ các khoản phạt trên TTCK vào năm 2014. Số tiền khổng lồ này, theo Phó Chủ tịch Finra, ông Paul Andrews thì không được dùng vào mục đích khác, ngoài 2 việc.

Một là dùng tiền phạt để đào tạo, giáo dục các nhà đầu tư, các  thành viên thị  trường nâng cao hiểu biết về chứng khoán. Hai là đầu tư vào hệ thống công nghệ cao hơn nữa để nâng cao khả năng phát hiện sai phạm từ tất cả các chủ thể Finra đang giám sát trên thị trường.

Với 4.000 công ty và 6.500 cá nhân hành nghề chịu sự giám sát của Finra trên toàn nước Mỹ, tổ chức này có 3.500 nhân viên hiện diện khắp nơi, nhằm thực hiện sứ mệnh giữ gìn sự liêm chính trên TTCK và bảo vệ nhà đầu tư. Sứ mệnh này, Phó Chủ tịch Finra cho biết, được ghi rất rõ trên danh thiếp của mọi nhân sự Finra, từ người cao nhất cho đến các nhân viên phục vụ.

Học người Mỹ cách tạo dựng TTCK số 1 ảnh 1

 Lãnh đạo Finra rất vui khi nhận bức chân dung vẽ bằng cát từ Bộ trưởng  Đinh Tiến Dũng

Công việc của Finra là dò tìm và phát hiện mọi hành vi sai trái của các thành viên trên TTCK Mỹ và tiến hành các biện pháp kỷ luật. Finra có quyền xử phạt bằng tiền, đình chỉ hoạt động, cấm hành nghề với cả tổ chức và cá nhân trong tầm giám sát của mình, nếu họ sai phạm. Riêng những sai phạm liên quan đến dấu hiệu hình sự thì tổ chức này sẽ chuyển sang cơ quan an ninh Mỹ để điều tra.

Sở dĩ Finra được gọi là tổ chức tự quản (SRO) bởi nó có yếu tố lịch sử mang dấu ấn riêng của nước Mỹ. TTCK Hoa Kỳ hoạt  động tự phát từ thế kỷ 18 xuất phát từ nhu cầu giao dịch, trao đổi của nhà đầu tư và từ đây, một tổ chức tự quản đã ra đời, làm nhiệm vụ quản lý các giao dịch chứng khoán tự do tại Mỹ.

Đến năm 1929, khi cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu nổ ra, khiến nước Mỹ thay đổi nhiều thứ. Các hoạt động tự quản mà SRO tiến hành đã không còn đủ sức giữ gìn trật tự thị trường và đó là lý do Mỹ phải lập ra Ủy ban Chứng khoán và giao dịch (SEC). Sở GDCK New York chính thức được thành lập và Hiệp hội Những người hành nghề chứng khoán, gọi tắt là NASD cũng được thành lập để tổ chức thị trường và giữ gìn trật tự thị trường.

Năm 1972, Sở GDCK Nasdaq ra đời từ chính tổ chức NASD đó, ban đầu định hình là sàn giao dịch dành cho các công ty công nghệ cao tại Mỹ. Sau quá trình đại chúng hóa, Sở GDCK New York và Sở GDCK Nasdaq tiến hành hợp nhất, sáp nhập nhiều sở GDCK nhỏ hơn để trở thành người khổng lồ, giữ vị trí số 1 và số 3 trong các Sở GDCK trên toàn cầu.

Ở mô  hình CTCP, mục tiêu lợi nhuận của 2 Sở GDCK có thể xung đột với mục tiêu giám sát, phát hiện các sai phạm trên TTCK và đây là lý do dẫn đến việc bộ phận giám sát của sở GDCK New York và Sở GDCK Nasdaq tách ra, hợp chung với NASD để hình thành nên tổ chức tự quản Finra.

Lúc đầu, Finra chỉ giám sát các giao dịch và các thành viên hành nghề trên thị trường OTC, nhưng cùng với thời gian,  chức năng của Finra mở rộng hơn, giám sát tất cả các giao dịch và thành viên trên TTCK Mỹ. Thẩm quyền xử phạt của Finra, theo pháp luật cho phép là rất lớn và tại Mỹ, Finra là tổ chức giám quản TTCK lớn nhất, cùng với đó có một tổ chức nữa, có tên Hiệp hội Hợp đồng tương lai, giám quản TTCK phái sinh.

Cũng theo Phó chủ tịch Finra, tổ chức này hoạt động độc lập với UBCK Mỹ, nhưng chịu sự giám sát của UBCK Mỹ. Nếu Finra muốn ban hành một quy chế mới, sẽ phải trình lên và được sự phê chuẩn của UBCK. Mặt khác, UBCK có quyền thanh tra Finra và nếu làm sai, Finra sẽ bị cưỡng chế thực thi theo đúng pháp luật Mỹ.

Học người Mỹ cách tạo dựng TTCK số 1 ảnh 2

Bộ trưởng  Đinh Tiến Dũng tặng quà cho lãnh đạo Sở GDCK Nasdaq

Câu chuyện về Finra trở nên hấp dẫn các nhà quản lý đến từ Việt Nam, bởi nước ta chưa có tổ chức nào hoạt động trên TTCK định hình như tổ chức này. Những câu hỏi về tính độc lập của Finra với UBCK, với Chính phủ, nguồn thu của Finra, xử phạt của Finra có gì khác với xử phạt của UBCK và làm cách nào để Finra giám sát, phát hiện ra các sai phạm trên TTCK Mỹ đã được Bộ trưởng Đinh Tiến Dùng cùng Chủ tịch UBCK Vũ Bằng, Chủ tịch Sở GDCK Hà Nội Trần Văn Dũng đặt ra để hiểu sâu hơn về hoạt động của tổ chức đặc biệt này.

Finra có rất nhiều cách giám sát TTCK, nhưng điểm thú vị được Phó chủ tịch Finra tiết lộ là chính email và điện thoại liên lạc giữa nhà đầu tư và CTCK, là nguồn phát hiện ra nhiều gian trá, vi phạm trên TTCK Mỹ.

“Pháp luật Mỹ cho phép Finra được truy xuất thông tin và quyền yêu cầu các thành viên cung cấp thông tin để kiểm chứng”, ông Paul Andrews nói. Cùng với đó, Finra giữ quan hệ rất chặt chẽ với nhà đầu tư và chính nhà đầu tư giúp tổ chức này nhận ra nhiều sai phạm trên thị trường.

“Finra đặt sự minh bạch lên hàng đầu vì việc của chúng tôi là thực hiện sứ mệnh giữ gìn sự liêm chính của thị trường. UBCK đặt niềm tin vào chúng tôi, các doanh nghiệp cũng đặt niềm tin vào chúng tôi”, Phó chủ tịch Finra nói. Vì Finra giám sát TTCK hàng ngày, hàng giờ, nên số lệnh  xử phạt của tổ chức này nhiều hơn UBCK Mỹ. “Mỗi khi Finra ban hành một quyết định xử phạt, thậm chí các doanh nghiệp bị xử phạt cảm thấy vui mừng vì chúng tôi đã giúp họ phát hiện ra một lỗ hổng trong tổ chức của họ”, ông nói.

Tổng giám đốc Nasdaq: Sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng TTCK

Đến Sở GDCK Nasdaq muộn gần 1 giờ đồng hồ so với lịch hẹn một phần vì cuộc trò chuyện tại Finra quá hấp dẫn, một phần vì đường phố New York những ngày kỷ niệm Quốc khánh Mỹ quá đông người, nhưng Tổng giám đốc Sở, ông Robert Greifeld đã đón Bộ trưởng cùng đoàn công tác với nụ cười rất tươi và cởi mở.

Một sự thân thiện khác đến từ Nasdaq khi ông Phó chủ tịch tại đây, Meyer Flucher cho biết, ông chính là người ủng hộ Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội gia nhập Liên đoàn các Sở GDCK thế giới để học hỏi và hội nhập.

Sau phần hỏi thăm về Hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam và nghe câu chuyện về Việt Nam từ Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Tổng giám đốc Nasdaq chia sẻ, ông nhận thấy Việt Nam đang phát triển rất ấn tượng. “15 năm trước tôi đến Việt Nam. Khi đó, đất nước các bạn chỉ có vài chục doanh nghiệp đáng chú ý, nhưng hiện nay, con số này đã lớn hơn rất nhiều”, ông nói.

Học người Mỹ cách tạo dựng TTCK số 1 ảnh 3

Đoàn công tác của Bộ Tài chính và lãnh đạo Cơ quan giám sát TTCK Finra (Mỹ) chụp ảnh lưu niệm trong chuyến đến thăm và làm việc tại Finra

Ở vị thế Sở GDCK số 1 về công nghệ và có quy mô thứ ba trên thế giới (chỉ sau Sở GDCK New York và Sở GDCK Tokyo), Nasdaq đã làm việc với hầu hết các sở GDCK trên thế giới và cung cấp hệ thống công nghệ cho 80 sở GDCK.

Nasdaq cũng đã thực hiện các hoạt động hợp nhất, sáp nhập cho nhiều sở GDCK, trong đó đáng kể là vụ hợp nhất 2 sở GDCK lớn của Nhật Bản (Osaka và Tokyo) và “ca M&A” 5 sở GDCK tại Thổ Nhĩ Kỳ, được bình chọn là “ca M&A” khó nhất toàn cầu.

Chia sẻ với lãnh đạo Nasdaq, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bộc bạch, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng một TTCK, thị trường vốn mạnh hơn, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo trong nền kinh tế.

Hiện 2 sở GDCK Việt Nam đang phân vai để tổ chức các mảng thị trường (HOSE tổ chức thị trường cho các doanh nghiệp niêm yết lớn; HNX tổ chức thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường cho các doanh nghiệp niêm yết nhỏ hơn và thị trường GDCK cho công ty đại chúng.

“Chúng tôi cũng tính đến việc tái cấu trúc các sở GDCK tại Việt Nam, tạo động lực mới, nhưng mục tiêu đặt ra là phải làm sao giữ được sự ổn định của TTCK và nền kinh tế. Đó là một bài toán rất mới và không dễ dàng, đang cần sự chia sẻ kinh nghiệm của các ông”, Bộ trưởng nói.

Đáp lời Bộ trưởng, Tổng giám đốc Nasdaq bày tỏ mong muốn và sự sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng TTCK phát triển. Để có những lời tư vấn cụ thể, chắn chắn còn cần tìm hiểu kỹ hơn về Việt Nam, nhưng với cái bắt tay thật chặt của Bộ trưởng và món quà từ Việt Nam - bức tranh cát mô phỏng chân dung Tổng giám đốc sàn giao dịch lớn thứ ba trên thế giới, đã khiến ông Robert rất ấn tượng. “Quá đẹp và đúng là tôi”, ông nói trong sự xúc động lúc bắt tay tạm biệt Bộ trưởng và tất cả các thành viên trong đoàn.

Phạm Oanh (Viết từ NewYork, Mỹ)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục