Học đầu tư theo Warren Buffett

(ĐTCK-online) Đã có hàng chục đầu sách viết về phương pháp đầu tư, phong cách lãnh đạo và cuộc đời Warren Buffett được xuất bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, lần đầu tiên các NĐT Việt Nam có cơ hội tiếp cận "gần hơn bao giờ hết" với thiên tài đầu tư người Mỹ qua buổi thuyết trình của diễn giả Robert P.Miles, người đã viết nhiều cuốn sách về vị tỷ phú nổi tiếng này. "Thiên tài Warren Buffett: Khoa học đầu tư và nghệ thuật quản lý" là tên gọi của buổi thuyết trình vòng quanh châu Á, diễn tại tại Khách sạn Legend, TP. HCM, ngày 6/8 do CTCP Đầu tư LiLi tổ chức.
Khác với đa số NĐT khác, Buffett không đào sâu tìm hiểu nguyên nhân tại sao thị trường tăng - giảm Khác với đa số NĐT khác, Buffett không đào sâu tìm hiểu nguyên nhân tại sao thị trường tăng - giảm

“Ngài Thị trường”

Nền tảng triết lý đầu tư của Buffett là quan điểm về bản chất TTCK. Ông nhân cách hóa và mô tả TTCK thành “Ngài Thị trường” có hành động và tình cảm giống như một con người. Trong một bức thư gửi các cổ đông của Berkshise Hathaway, Buffett viết: "Con người đáng thương này gặp vấn đề liên quan đến cảm xúc. Đôi khi ‘Ngài Thị trường’ chỉ nhìn thấy những yếu tố thuận lợi ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Lúc đó ông ta sẽ mua - bán một mức giá rất cao, có lẽ vì sợ NĐT vơ vét và chiếm lấy lợi nhuận đầu tư của mình. Nhưng cũng có lúc, Ngài rơi vào trạng thái trầm cảm, chẳng nhìn thấy gì ngoài các rắc rối của doanh nghiệp. Trong những lúc như thế, Ngài sẽ chào bán một mức giá thấp đến khó tin, như thể NĐT sẽ không chuyển lợi tức cho ông ta vậy. Tuy nhiên, ‘Ngài Thị trường’ lại có một đặc điểm đáng mến: ông không cảm thấy phiền lòng khi bị phớt lờ. Nếu hôm nay bảng giá không hấp dẫn thì hôm sau sau ông ta quay lại với bảng giá mới. Nhưng như cô bé Lọ lem tại buổi tiệc khiêu vũ, NĐT cần lưu ý đến một cảnh báo, nếu không, cỗ xe tứ mã xinh đẹp sẽ biến thành mấy quả bí ngô với con chuột nhắt: ‘Ngài Thị trường’ chỉ phục vụ NĐT chứ không điều khiển họ. Nếu một ngày nào đó khi ông ta xuất hiện trong một trạng thái đặc biệt ngớ ngẩn thì NĐT hoàn toàn được quyền quyết định, hoặc là phớt lờ hoặc tận dụng sơ hở của ông ta. Thế nhưng, sẽ thật sự là tai họa nếu NĐT rơi vào tầm khống chế. Nếu không chắc chắn mình là người hiểu biết và định giá đầu tư tốt hơn ‘Ngài Thị trường’ thì NĐT không nên tham gia vào trò chơi này như người ta vẫn hay nói giữa các ván bài: Nếu đã ngồi chơi được 30 phút mà bạn không phát hiện ra ai là kẻ ngốc thì chính bạn là kẻ khờ đó".

Quy tắc số 1: Không bao giờ để tiền của mình bị hao hụt

Quy tắc số 2: Đừng bao giờ quên quy tắc số 1

Như vậy, khác với đa số NĐT khác cố gắng dự báo xu hướng thị trường, Buffett không đào sâu tìm hiểu nguyên nhân tại sao thị trường tăng - giảm. Ông chỉ quan sát thị trường như bản chất vốn có, tận dụng các điểm yếu của nó làm lợi thế cho mình. Buffett sử dụng những đánh giá độc lập, chuẩn mực riêng để xác định giá cổ phiếu đắt rẻ, trên cơ sở đó ra quyết định mua - bán.

 

Biên độ an toàn

Buffett thường chỉ mua cổ phiếu thấp hơn giá nội tại trong biên độ an toàn cho phép. Để dẫn chứng và giải thích giá thị trường, giá trị sổ sách, giá trị nội tại, biên độ an toàn của một cổ phiếu, diễn giả Miles đưa ra ví dụ:

Mỗi năm học đại học tại Mỹ, một sinh viên phải đóng góp khoảng 10.000 USD. Bốn năm học sẽ mất 40.000 USD, đó là giá thị trường cho tấm bằng đại học. Tuy nhiên, do tham gia khoá học nên người sinh viên bỏ lỡ nhiều cơ hội kiếm tiền khác giả định là 20.000 USD/năm. Vậy số tiền 40.000 + (4x20.000) = 120.000 USD mà người sinh viên đó mất đi là giá trị sổ sách của tấm bằng đại học. Tuy nhiên, sau khi ra trường người đó có thể kiếm được công ăn việc làm tốt từ năm 21 tuổi đến năm 65 tuổi, giả định mức lương tối thiểu là 20.000 USD/năm. Chiết khấu 10% mỗi năm, vậy giá trị nội tại của tấm bằng đại học là: 198.000 USD, lớn hơn giá trị sổ sách là 120.000 USD và giá thị trường 40.000 USD. Khoảng cách chênh lệch giữa giá trị nội tại và giá thị trường là biên độ an toàn cho việc đầu tư vào tấm bằng đại học.

Quan điểm của Buffett liên quan đến cổ phiếu gồm 4 khái niệm: giá thị trường là giá cổ phiếu được mua đi bán lại hàng ngày phản ánh các tình cảm của “Ngài Thị trường”; giá trị sổ sách của cổ phiếu được xác định bằng tài sản có trừ tài sản nợ của doanh nghiệp chia cho số lượng cổ phiếu, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tình cảm; giá trị nội tại của cổ phiếu là giá trị thu nhập chiết khấu dòng tiền trong tương lai của cổ phiếu đưa về hiện tại; chênh lệch dương giữa giá trị nội tại và và giá thị trường là biên độ an toàn của cổ phiếu. Nếu chưa xuất hiện khoảng cách này thì Buffett sẽ kiên nhẫn chờ đợi theo nguyên tắc: nếu không có việc thì không làm gì cả.

 

Những tiêu chuẩn khác của Buffett

Buffett biết rằng, có 3 tỷ đàn ông trên thế giới và đa số cần cạo râu mỗi ngày nên ông mua cổ phiếu Gillette, công ty chiếm 70% thị phần thị trường dao cạo trên toàn thế giới. Buffett không biết sâu về công nghệ nên trong danh mục đầu tư của Berkshise Hathaway khuyết các cổ phiếu lừng danh Google; Yahoo và Microsoft. Warren uống 6 lon nước ngọt mỗi ngày nên ông mua cổ phiếu CocaCola - một công ty có thị phần đủ lớn và không ngừng mở rộng. Nắm rõ thói quen tiêu dùng của giới  trẻ Mỹ nên Buffett nắm giữ cổ phiếu American Express… Các cổ phiếu Buffett đầu tư luôn thỏa mãn các tiêu chí: ngành nghề càng đơn giản càng tốt; chỉ mua cổ phiếu những ngành mà ông biết rõ; các công ty phải có quy mô đủ lớn để mang có lợi thế độc quyền hay cạnh tranh; thu nhập của các công ty đang tăng lên không ngừng, tỷ suất sinh lời cao; các công ty được quản lý tốt với các lãnh đạo giỏi.

Giang Thanh
Giang Thanh

Tin cùng chuyên mục