Hoạt động tín dụng: Bình yên trong "xót xa"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động tín dụng tưởng chừng bình yên, nhưng chia sẻ từ cả phía ngân hàng và doanh nghiệp cho thấy, có những nỗi xót xa…
Nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn và mong muốn lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Ảnh: Dũng Minh Nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn và mong muốn lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Ảnh: Dũng Minh

Cần hạ thêm lãi suất

Cuối tuần qua, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán gọi điện cho giám đốc phụ trách nguồn vốn của một ngân hàng thương mại cổ phần hỏi thăm về công việc, vị giám đốc chia sẻ: “Có thể nói là bình yên, bởi gần như không cho vay được. Ngân hàng tìm mọi cách tiết giảm chi phí, hạ lãi suất, tạo điều kiện tối đa để có khách vay, nhưng cũng không dễ dàng. Có những lĩnh vực cho vay trước đây dường như mặc định là của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng hiện nay các ngân hàng có vốn nhà nước cũng tham gia. Tóm lại, có bình yên nào mà không xót xa”.

Bà Bùi Thị Kim Quyên, Phó giám đốc Công ty cổ phần Ngân Lợi nhận xét, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ tư là biện pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh. Nhưng nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn và mong muốn lãi suất cho vay tiếp tục giảm, giúp giải tỏa áp lực chi phí vốn.

Ngân Lợi giao dịch với OCB đã được 5 - 6 năm và coi OCB là một trong những đối tác chính. Trong quá trình giao dịch, Công ty được Ngân hàng ưu tiên hỗ trợ nhanh các thủ tục, ưu đãi lãi suất, mua bán ngoại tệ, phí chuyển tiền… Hiện OCB đang triển khai gói ưu đãi lãi suất cho vay cố định dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 8,15%/năm và bà Bùi Thị Kim Quyên kỳ vọng, Ngân Lợi sẽ được hỗ trợ ở chương trình này.

“Tuy nhiên, Ngân Lợi mong muốn lãi suất tiếp tục hạ hơn nữa để thực hiện các kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới và giảm bớt các áp lực hiện tại. Chúng tôi đang gặp không ít khó khăn khi triển khai các kế hoạch kinh doanh, vì chi phí đầu vào như nguyên nhiên vật liệu đều tăng. Đặc biệt, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, bởi nhu cầu từ các đối tác bị thu hẹp do ảnh hưởng từ kinh tế chung trên tòa cầu”, bà Quyên nói.

Tại buổi họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tuần qua, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 15/6/2023, dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022 và tăng gần 9% so với cùng kỳ. Còn so với cuối tháng 4/2023, tín dụng chảy vào nền kinh tế chỉ tăng thêm 0,3%, tương ứng gần 36.000 tỷ đồng.

Tín dụng tăng chậm là vấn đề trăn trở của cả Chính phủ và ngành ngân hàng.

Lý giải tín dụng tăng chậm, ông Đào Minh Tú cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng giảm nên cầu tín dụng giảm tương ứng. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tồn kho cao, hoạt động sản xuất ngưng trệ, dẫn tới nhu cầu vay vốn giảm.

Trong cuộc gặp cán bộ tín dụng của các ngân hàng thương mại, ông Đào Minh Tú đã đặt vấn đề tại sao khó cho vay, các nhân viên tín dụng cho biết, cho vay là chỉ tiêu kinh doanh (KPI), nếu không hoàn thành KPI thì thu nhập sẽ giảm nên tất cả đều muốn hoàn thành mục tiêu, nhưng vấn đề là chính khách hàng không có nhu cầu, thậm chí còn xin trả lại vốn vay.

“Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ chưa có phương án đầu tư thêm. Đáng chú ý, việc tìm gặp khách hàng, thuyết phục giữ được dư nợ lúc này cũng vô cùng khó khăn. Tín dụng tăng chậm là vấn đề trăn trở của Chính phủ, Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước”, ông Đào Minh Tú nói.

Trong cuộc trao đổi với ĐTCK, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất điều hành hạ và để đi vào cuộc sống sẽ cần khoảng 3 - 4 tháng hy vọng sẽ tạo ra một xung lực nào đó. Nhưng, điều TS. Nghĩa quan tâm nhất bên cạnh lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, là lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây là lãi suất tác động thực sự vào thị trường, thể hiện thanh khoản của toàn bộ hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

“Quyết định 1123/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 19/6/2023 và thay thế Quyết định 950/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, trong đó lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã đưa mức lãi suất từ 5,5% xuống còn 5%. Nhưng, nếu lạm phát từ 3,3 - 3,5% thì mức lãi suất này cần phải thấp hơn lạm phát một chút, còn 3% mới là lực đẩy tín dụng, thị trường mới có tác động mạnh mẽ”, TS. Nghĩa nói.

Lực cản lớn

Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả các chương trình mục tiêu quốc gia) sẽ hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Đồng thời, ưu tiên đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số và công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, hợp lý hóa các thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và đầu tư cần thiết cho tăng trưởng kinh tế.

Liên quan đến thủ tục hành chính, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ: “Lâu nay, chúng ta hay đề cập đến chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tất nhiên, đây là vấn đề lớn, nhưng chưa phải lớn nhất trong việc thúc đẩy kinh tế. Nhiều thủ tục bất hợp lý đang tồn tại cần phải nhanh chóng được giải quyết”.

Giám đốc một doanh nghiệp thương mại cho biết, do kinh doanh khó khăn nên doanh nghiệp chấp nhận bán rẻ tài sản đảm bảo là bất động sản để trả nợ ngân hàng, nhằm tránh nợ xấu. Thế nhưng, việc sang tên đổi chủ tại phòng đăng ký đất đai không dễ dàng, cả bên mua, bên bán và ngân hàng phải đi cùng nhau thực hiện nhiều thủ tục, mất rất nhiều thời gian...

Bà Bùi Thị Kim Quyên kiến nghị: “Chúng tôi mong rằng, Chính phủ sẽ có những chính sách rốt ráo trong việc cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện…, giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt khó”.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh; điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục