Đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,36%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là thông tin được Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết tại buổi Họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023. 
Đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,36%

Cụ thể, Phó Thống đốc cho biết, tính đến giữa tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Được biết, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Theo ông Tú, 3,36% chưa phải là con số tín dụng tăng cao và nhanh. NHNN cũng rất muốn đẩy mạnh tín dụng, nhưng không thể hạ chuẩn tín dụng, bất chấp cho vay mà không quan tâm đến rủi ro trong tương lai.

Cơ quan quản lý đã giao chỉ tiêu tín dụng tăng 11,2% tháng 2 vừa qua tới các ngân hàng thương mại, trong khi nửa đầu năm mới đạt 3,36%, nghĩa là hạn mức còn rất thoải mái, trong khi đó, huy động đạt 3,09% - là con số không thấp tại thời điểm này.

“Các chỉ số trên cho thấy, khả năng cung ứng vốn là đầy đủ, sẵn sàng, nhưng việc hấp thụ vốn khó khăn. Cần xem lại khó khăn đến từ chủ quan và khách quan. Việc đẩy mạnh tín dụng thời gian qua, hiện nay và sắp tới, ngành ngân hàng vẫn đang rất nỗ lực nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả, bởi an toàn của các ngân hàng thương mại cũng là an toàn của hệ thống tài chính quốc gia”, Phó Thống đốc nói.

Cũng theo ông Tú, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm.

Cụ thể, thứ nhất, giảm 1,5%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thứ hai, giảm 0,5 - 1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng; thứ ba, giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Ông Tú cho biết, NHNN tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại, khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phó Thống đốc nhấn mạnh thêm: “Ai cũng mong muốn được vay lãi suất thấp, nguồn tiền nhiều, nhưng để hài hoà, sự cân bằng giữa cung - cầu cần có “bàn tay” của Nhà nước, theo đó, NHNN đang nỗ lực thực thi, cấp bách thực hiện dưới dự chỉ đạo của Chính phủ”.

Về điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc cho biết, NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. NHNN mua được ngoại tệ từ TCTD bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

“Ngày 17/6/2023, Bộ Tài chính Mỹ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” tiếp tục dựa trên ba tiêu chí để xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính là thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục không đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát”, Phó Thống đốc thông tin.

Trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, ông Tú cho biết, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Đề án 689). Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng.

“Doanh nghiệp đi vay cần có năng lực về tài chính, có khả năng trả nợ…, bởi ngân hàng cũng là bên huy động vốn trong dân để cho vay lại. Do đó, cần trung hoà để đảm bảo mục tiêu an toàn đặt ra trong ngắn hạn và trung hạn”, Phó Thống đốc nói.

Đối với câu chuyện chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thông tin tại Họp báo cho thấy, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán, chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện. Toàn ngành triển khai tích cực Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030. TTKDTM tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống ATM nhìn chung hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của người dân.

Các chỉ số TTKDTM tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2023 giao dịch TTKDTM tăng 52,35% về số lượng so với cùng kỳ; qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị; qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, TTKDTM.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục