Hoạt động kinh doanh tháng 4 tại các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều bị “đổ sụp” khi chính phủ thắt chặt các biện pháp hạn chế di chuyển và tiếp xúc xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Việc chính phủ các nước đã đóng cửa nền kinh tế là điều cần thiết nhưng để lại tác dụng phụ khó tránh, khiến hoạt động của nhà hàng, tiệm cắt tóc và nhiều cơ sở kinh doanh khác gần như bị "san phẳng".
Đáng kể, lần đầu tiên trong lịch sử khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), lĩnh vực dịch vụ hứng chịu mức sụt giảm kỷ lục do dịch Covid-19, vượt qua ngưỡng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. Trong khi đó, so với lĩnh vực dịch vụ, mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất toàn cầu có phần nhẹ hơn.
Theo kết quả khảo sát chỉ số PMI của công ty phân tích thông tin toàn cầu IHS Markit công bố hôm 23/4, chỉ số PMI tổng hợp IHS Markit của nền kinh tế Mỹ, một thước đo hoạt động khu vực tư nhân của Mỹ, đã giảm còn 27,4 điểm trong tháng 4, từ mức 40,9 trong tháng 3. Đây là chỉ số thấp nhất trong lịch sử thống kê PMI tổng hợp của nền kinh tế Mỹ kể từ tháng 10/2009. Chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy sự suy giảm hoạt động của một lĩnh vực và chỉ số càng giảm sâu cho thấy mức sụt giảm càng lớn.
“Mức sụt giảm PMI là tín hiệu cơ sở bổ sung để dự báo kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục suy giảm kỷ lục trong quý II/2020”, Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại IHS Markit nhận định.
Tại khu vực đồng tiền chung Euro, chỉ số PMI tháng 4 giảm hơn một nửa, từ 29,7 điểm trong tháng 3 còn 13,5 điểm. Đây cũng là mức thấp kỷ lục trong lịch sử thống kê PMI của khu vực này từ tháng 7/1998. Trong khi đó, PMI của khu vực này sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn đạt 36,2 vào tháng 2/2009.
“Tháng 4/2020, khu vực đồng tiền chung Euro gánh chịu mức thiệt hại chưa từng có trong lịch sử khi áp dụng các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19, khiến nhu cầu giảm sâu và thiếu hụt lao động và nguyên liệu đầu vào”, ông Williamson cho biết.
Tại Vương quốc Anh, chỉ số PMI tổng hợp tháng 4 lao đáy còn 12,9 điểm, so với mức 36,0 điểm trong tháng 3. Trong khi đó, chỉ số này của Đức có vẻ tốt hơn khi giảm về 17,1 điểm so với mức 35,0 điểm của tháng 3.
PMI của các nước trên đều giảm sâu hơn dự báo. Điều này cho thấy nguy cơ các nền kinh tế sẽ tiếp tục suy thoái nặng nề trong quý II/2020 và có thể vượt xa mức các chuyên gia kinh tế dự báo.
Rosie Colthorpe, chuyên gia kinh tế tại công ty phân tích kinh tế Oxford Economics đánh giá: “Chúng ta biết rằng việc đóng cửa phần lớn các hoạt động kinh tế (chống dịch Covid-19) và dự kiến chỉ số PMI sẽ giảm mạnh từ tháng 3, nhưng mức sụt giảm của chỉ số được công bố hôm nay (23/4) là không tưởng”.
Tập đoàn ngân hàng lâu đời JP Morgan dự báo GDP của khu vực EU sẽ giảm 45% trong quý II/2020, còn hai nền kinh tế Anh và Nhật Bản sẽ sụt giảm lần lượt 59,3% và 35%.
Kết quả khảo sát PMI cũng cho thấy, các nhà cung cấp dịch vụ của Pháp hứng chịu cú sốc nặng nề nhất do dịch Covid-19 khi chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tháng 4 rớt thẳng đứng 27,4 điểm trong tháng 3 còn 10,4 điểm. Điều này đồng nghĩa, phần lớn dịch vụ tại Pháp đều "chết lặng" vì dịch bệnh.
Trong khi đó, các cuộc khảo sát khác cũng cho thấy sự “đóng băng” tương tự trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế lớn thứ hai của EU. Cơ quan thống kê quốc gia Pháp cho hay, các doanh nghiệp đã trải qua cú sốc niềm tin lớn nhất trong một tháng kể từ năm 1980, với chỉ số niềm tin thị trường xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Theo Insee, các nhà máy tại Pháp thời gian qua chỉ hoạt động với 67% công suất, mức thấp nhất kể từ năm 1976.
Chính phủ các nước châu Âu nhận định rằng sản lượng kinh tế giảm mạnh là điều không tránh khỏi nếu muốn ngăn sự lây lan của Covid-19. Điều các chính phủ này lo sợ là phong tỏa các hoạt động có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế và buộc phải đưa ra một loạt các chương trình cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân giảm thiểu rủi ro.
Các cuộc khảo sát gần đây đều khẳng định nền kinh tế toàn cầu đã bước vào thời kỳ suy thoái, với sản lượng kinh tế giảm sâu trong quý I/2020. Hàn Quốc cho biết GDP quý I/2020 của nước này đã giảm 1,4% so với quý trước đó, mức giảm sâu nhất kể từ quý IV/2008. Mỹ và EU dự kiến công bố GDP quý I vào tuần tới, nhưng nhiều khả năng mức sụt giảm sẽ sâu hơn so với Hàn Quốc.