Hoạt động sản xuất khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng lớn trước biến thể Delta

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các hoạt động sản xuất ở khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến ​​sự sụt giảm hoạt động khi khu vực này phải vật lộn với một trong những đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất thế giới, trong khi khu vực Bắc Á lại có ​​sự gia tăng trong hoạt động sản xuất khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.
Hoạt động sản xuất khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng lớn trước biến thể Delta

Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch trong những tuần gần đây.

Theo báo cáo mới công bố của IHS Markit, chỉ số sản xuất (PMI) trong tháng 7 của Indonesia đã giảm xuống 40,1 từ mức 53,5 trong tháng 6, mức thấp nhất trong 13 tháng. Thái Lan đã giảm xuống 48,7 từ 49,5 - giảm trong tháng thứ ba liên tiếp - trong khi chỉ số sản xuất của Malaysia dao động ở mức 40,1 so với mức 39,9 của tháng 6 và chỉ số sản xuất tháng 7 của Việt Nam đạt mức 45,1 từ mức 44,1 trong tháng 6.

Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis SA ở Hồng Kông cho biết: “Sự phân hóa ở trong hoạt động sản xuất ở châu Á vẫn tiếp tục, trong đó khu vực ASEAN kém hơn Bắc Á”.

Chỉ số sản xuất (PMI) của các quốc gia

Chỉ số sản xuất (PMI) của các quốc gia

Dữ liệu PMI đã phản ánh "sự hồi sinh của virus và các biện pháp hạn chế để ngăn chặn đi lại làm tác động đến hoạt động kinh tế. Ngoài sự suy giảm của nhu cầu trong nước, đối với các quốc gia như Việt Nam, việc đóng cửa một số khu công nghiệp sẽ thể hiện ở sản lượng xuất khẩu do các nhà máy đóng cửa”, cô cho biết.

Philippines là nền kinh tế mới nổi duy nhất ở Đông Nam Á có chỉ số sản xuất nằm ở mức mở rộng, ở mức 50,4 so với mức 50,8 của tháng 6. Tại Nam Á, Ấn Độ đã chứng kiến ​​sự phục hồi hoạt động của các nhà máy trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Chỉ số PMI đã tăng lên 55,3 vào tháng 7 từ mức 48,1 của tháng 6.

Hoạt động sản xuất ở Đông Nam Á có thể còn phải đối mặt với những ngày đen tối hơn nữa khi một số chính phủ đang thực thi các biện pháp đóng cửa mới để ngăn chặn sự lây lan của biến thể delta. Một số nhà máy ở Việt Nam đã phải đóng cửa để tuân theo các hạn chế mới. Thái Lan cũng đang chuẩn bị cho việc phong toả trong khi các nhóm công nghiệp ở cả hai quốc gia đang tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc mua vắc xin cho lực lượng lao động.

“Các chỉ số PMI yếu của Đông Nam Á tiếp tục phản ánh các trường hợp nhiễm Covid-19 nặng và quá trình tiêm vắc xin chậm. Điều đó cho thấy có nhiều cắt giảm hơn trong triển vọng tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực”, Tamara Mast Henderson, nhà kinh tế ASEAN của Bloomberg Economics cho biết.

Chỉ số sản xuất khu vực Đông Nam Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong 13 tháng ở 44,6 vào tháng 7 từ mức 49 của tháng 6, điều này báo hiệu tình trạng xấu hơn nữa trên khắp các trung tâm sản xuất của khu vực.

Nhà kinh tế Lewis Cooper của IHS Markit viết trong một ghi chú: “Sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm Covid-19 và việc thắt chặt một số biện pháp hạn chế đã khiến nhu cầu sụt giảm hơn nữa, với kết quả là hoạt động sản xuất của nhà máy đang thu hẹp với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2020. Kết quả cho thấy các nhà sản xuất có khả năng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong những tháng tới. Các biện pháp quản lý đã một lần nữa kìm hãm nhu cầu, và cho đến khi nhu cầu phục hồi, chỉ số sản xuất khó có khả năng sẽ ghi nhận bất kỳ sự phục hồi đáng kể nào”.

Trong khi đó, chỉ số PMI của Đài Loan (Trung Quốc) đã tăng lên 59,7 trong tháng 7 từ mức 57,6 của tháng 6, trong khi chỉ số PMI của Nhật Bản đã tăng lên 53 từ 52,4 của tháng 6, tháng thứ sáu liên tiếp mở rộng. Chỉ số PMI của Hàn Quốc tiếp tục mở rộng, ở mức 53 từ mức 53,9 của tháng 6, nhưng là mức yếu nhất kể từ tháng 12/2020 với các đơn đặt hàng mới ở mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.

Johanna Chua, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Citigroup Global Markets cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television, sự lan rộng của các biến thể Delta và phân phối vắc xin đã là một vấn đề lớn đối với Đông Nam Á. Trong khi đó, nhu cầu mạnh mẽ đối với các linh kiện điện tử, đặc biệt là chip, đang thúc đẩy việc mở rộng thị trường ở Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục